Link nguồn bài viết https://baohatinh.vn/lang-dong-festival-ve-mien-vi-giam-ket-noi-tinh-hoa-di-san-post278315.html
Truy cập link gốc
Chương trình nghệ thuật cầu truyền hình trực tiếp "Đôi bờ ví, giặm" mở đầu khai mạc Festival "Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản". Di sản UNESCO tỏa sáng trên đất Hồng LaFestival "Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản" do tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức, diễn ra từ ngày 27/11-30/11/2024, nhằm kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện với nhiều hoạt động tôn vinh di sản như: Chương trình nghệ thuật cầu truyền hình trực tiếp "Đôi bờ ví, giặm"; Trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh kết hợp các sản phẩm du lịch; Liên hoan các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO ghi danh; Hội nghị - hội thảo khoa học quốc gia “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh”; Hội nghị xúc tiến du lịch Hà Tĩnh...
Các đại biểu từ Trung ương, một số tỉnh, thành và Hà Tĩnh tham dự lễ khai mạc festival. Tuy chỉ diễn ra trong thời gian 4 ngày nhưng với các hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, festival đã tạo điều kiện để dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh cùng các di sản Việt Nam đã được UNESCO ghi danh như: dân ca quan họ (Bắc Ninh), hát xoan (Phú Thọ), không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (Lâm Đồng), hát bài chòi (Quảng Nam)... có dịp được trình diễn rộng rãi trước công chúng.
Kỳ festival ước tính có hàng nghìn khán giả là người dân Hà Tĩnh và du khách đã trực tiếp tham dự vào các hoạt động của sự kiện. Ngoài ra, một số hoạt động như: Chương trình nghệ thuật cầu truyền hình trực tiếp "Đôi bờ ví, giặm" được Đài PT-TH Hà Tĩnh, Đài PT-TH Nghệ An và nhiều đài địa phương trong nước truyền hình trực tiếp; Liên hoan các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO vinh danh được Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh phát sóng trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội... đã tiếp cận hàng nghìn khán giả trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Qua đó, tạo sức lan tỏa vẻ đẹp, giá trị của dân ca ví, giặm và các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc đến khắp mọi miền.
Không gian diễn xướng dân ca ví, giặm "Gửi tình ta vào đất" đến từ đoàn Nghệ An tại Liên hoan các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO ghi danh Bà Phạm Thị Xanh (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi được trực tiếp xem trình diễn nhiều di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc ngay tại TP Hà Tĩnh. Những tiết mục hát xoan, quan họ, bài chòi, cồng chiêng Tây Nguyên và cả dân ca ví, giặm được các đoàn dàn dựng công phu, mang đến cho tôi và mọi người nhiều cung bậc cảm xúc, niềm hứng khởi. Và hơn hết, đến với festival, tôi thêm yêu dân ca ví, giặm, được hiểu hơn về các di sản văn hóa của dân tộc, thêm tự hào về quê hương, đất nước. Tôi mong sẽ có nhiều kỳ festival như thế này ở Hà Tĩnh trong thời gian tới".
Khán giả Hà Tĩnh hào hứng theo dõi các màn trình diễn di sản tại festival. Dù đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh nhưng anh Hồ Bình (quê ở Lộc Hà) cũng đã theo dõi một số hoạt động của festival qua truyền hình và mạng xã hội. Anh Bình chia sẻ: "Chứng kiến dân ca ví, giặm tỏa sáng cùng các di sản mọi miền, tôi vô cùng tự hào về quê hương xứ Nghệ, về truyền thống văn hóa của cha ông. Đó cũng là động lực để những người con Hà Tĩnh xa quê luôn nỗ lực phấn đấu học tập, lao động để khẳng định bản sắc về nguồn cội sinh ra từ vùng đất văn hóa".
Festival "Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản" còn là "sân khấu lớn" để nghệ nhân, nghệ sỹ mọi miền mang tinh hoa di sản nguồn cội của quê hương mình giới thiệu đến đông đảo người dân Hà Tĩnh và khán giả cả nước, quốc tế. Đồng thời, có cơ hội giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy di sản.
Các nghệ nhân cao tuổi của phường Xoan gốc An Thái (Phú Thọ) trình diễn điệu hát xoan "Mỏ cá". Nghệ nhân KaHem (Đoàn tỉnh Lâm Đồng) bày tỏ: "Tôi đã tham gia công việc thực hành bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hàng chục năm, nhưng đây là lần đầu tiên đến Hà Tĩnh biểu diễn. Tôi rất ấn tượng trước tấm lòng mến khách và sự hào hứng của khán giả Hà Tĩnh. Đặc biệt, trong các buổi diễn có rất nhiều khán giả trẻ, các em thiếu nhi say mê xem và tìm hiểu về văn hóa Tây Nguyên khiến tôi và các nghệ nhân trong đoàn có thêm cảm hứng, thăng hoa trong các tiết mục. Festival lần này cũng giúp tôi hiểu thêm cái hay, cái đẹp của ví, giặm Nghệ Tĩnh và các di sản của mọi miền".
Vũ điệu không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong tiết mục "Pàm – Đi bắt tôm xúc cá" của đoàn Lâm Đồng. Để ví, giặm ngân vang đôi bờ sông LamKhông chỉ tạo sức lan tỏa, festival còn là dịp để các nhà khoa học, nghệ nhân, nghệ sỹ và các nhà nghiên cứu nói chung có cơ hội cùng nhìn lại chặng đường đã qua trong công tác giữ gìn và phát huy di sản văn hóa quê hương xứ Nghệ đã được UNESCO ghi danh. Trong đó, Hội thảo quốc gia “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh” nằm trong khuôn khổ festival đã gặt hái được nhiều thắng lợi.
Toàn cảnh Hội thảo quốc gia “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh”. Hội thảo đã nhận được 39 tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia, nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản gửi về, với đề tài đa dạng, chất lượng. Các tham luận đã tập trung phân tích, làm rõ những nội dung liên quan đến: việc khẳng định giá trị mang tầm nhân loại của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; công tác gìn giữ, bảo tồn di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Đồng thời, đề xuất nhiều nhóm giải pháp như: bảo tồn và phát huy bền vững dân ca ví, giặm trong đời sống đương đại; truyền dạy dân ca ví, giặm trong trường học, trên sóng truyền hình; bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương đất nước, tạo điểm nhấn thu hút du khách thập phương...
Tiết mục không gian diễn xướng "Ví, giặm nên duyên" đến từ đoàn Hà Tĩnh. Cùng với đó là tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu, quảng bá; tích cực huy động nguồn lực để bảo tồn di sản; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ thỏa đáng để duy trì các hoạt động của các nhóm, câu lạc bộ; đãi ngộ, tôn vinh các nghệ nhân có công lưu giữ, truyền dạy di sản…
Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lĩnh - Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh) cho biết: "Những kết quả đạt được từ hội thảo không chỉ khẳng định được tầm vóc, giá trị của di sản dân ca ví, giặm mà còn là nguồn tư liệu quý, là cơ sở quan trọng để hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục triển khai những chính sách, hành động cụ thể trong việc bảo tồn, phát huy di sản trong thời gian tới. Qua đó, đưa dân ca ví, giặm vươn xa hơn nữa trong cuộc sống hiện đại, trường tồn trong đời sống tinh thần của Nhân dân".
Những dư âm tốt đẹpFestival "Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản" đã khép lại nhưng những dư âm về một kỳ festival thành công còn lắng đọng trong mỗi người dân và bạn bè gần xa. Nhất là đối với các đoàn nghệ thuật tỉnh bạn cùng về tham dự giới thiệu, trình diễn các di sản trong các hoạt động của sự kiện.
Đoàn Quảng Nam trình diễn nghệ thuật hát bài chòi tại gian hàng Trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh kết hợp các sản phẩm du lịch, Bà Võ Thị Thu Mây - Trưởng đoàn Quảng Nam cho biết: “Với số lượng thành viên khá đông (30 người), đến Hà Tĩnh tham dự festival trong thời điểm thời tiết mưa và khá rét nhưng chúng tôi đã phối hợp thực hiện tốt các chương trình theo kế hoạch. Có được điều đó, chúng tôi rất ấn tượng và cảm kích Ban Tổ chức trong việc đón tiếp phục vụ chu đáo, tận tình, tạo mọi điều kiện để chúng tôi cũng như các đoàn thực hiện không gian trưng bày, trình diễn... Qua đó, giới thiệu nghệ thuật hát bài chòi Quảng Nam đến đông đảo người dân Hà Tĩnh và du khách gần xa".
Nghệ sỹ Ưu tú Đỗ Minh Thùy (đoàn Bắc Ninh) chia sẻ: "Tham dự festival lần này, tôi không chỉ hiểu hơn những giá trị của dân ca ví, giặm, nhận thấy nét tương đồng trong không gian diễn xướng của 2 loại hình di sản: ví, giặm với quan họ, mà còn cảm nhận được sự đồng điệu giữa tâm hồn người dân Hà Tĩnh với Bắc Ninh. Qua ví, giặm, qua tình cảm nồng hậu, mộc mạc, chân thành của con người quê hương núi Hồng, sông La khiến tôi thêm yêu mến văn hóa, con người nơi đây".
Tiết mục dân ca quan họ "Vui bốn mùa" của đoàn Bắc Ninh tại bế mạc festival "Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản". Như đánh giá của Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh Nguyễn Viết Trường - Phó Trưởng ban Tổ chức tại lễ tổng kết và bế mạc festival, dù rất nỗ lực nhưng do nhiều yếu tố khách quan, việc tổ chức festival lần này không khỏi tránh được những thiếu sót. Tuy nhiên, nhìn chung, với vai trò đơn vị chủ nhà, Hà Tĩnh đã tổ chức một kỳ festival thành công.
Rực rỡ sắc màu di sản Việt Nam trên quê hương núi Hồng, sông La
Các đơn vị nghệ thuật từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã mang đến Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh nhiều tiết mục đặc sắc.
Tỏa sáng di sản văn hóa phi vật thể tại Hà Tĩnh
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; cồng chiêng Tây Nguyên; dân ca quan họ Bắc Ninh… cùng tụ hội tại Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” ở Hà Tĩnh đã đem đến cho khán giả những ấn tượng khó phai.
Thiên Vỹ