'Lá chắn' phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

17/12/2024 11:07
Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Link nguồn bài viết
https://baohatinh.vn/la-chan-phong-chong-thien-tai-o-ha-tinh-post279313.html
Truy cập link gốc
Đê La Giang nằm ở bờ hữu sông La dài 19,2 km, đi qua địa phận huyện Đức Thọ (15,7 km) và TX Hồng Lĩnh (3,5 km) là một trong những tuyến đê trọng điểm ở Hà Tĩnh. Tuyến đê được xây dựng từ năm 1934, thi công qua nhiều giai đoạn với hình thức đắp tôn cao, áp trúc, mở rộng bằng thủ công và cơ giới.

Đến nay, tuyến đê La Giang đã được đầu tư nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại, trong đó cơ bản cơ đê và đỉnh đê đã được cứng hóa bằng bê tông và thảm nhựa. Tuyến đê có “sứ mệnh” bảo vệ an toàn cho 301.653 người dân, 48.401 ha đất canh tác và cơ sở hạ tầng kỹ thuật quan trọng thuộc địa bàn các huyện: Đức Thọ, Can Lộc, Lộc Hà, phía bắc huyện Thạch Hà và TX Hồng Lĩnh.

Quy mô đê La Giang hiện nay đã được đầu tư nâng cấp bài bản, bền vững.

Nhớ lại năm 1978, xuất hiện lũ lớn nhất trên sông La, công trình đã phát huy vai trò “thành trì”, bảo vệ sinh mạng hàng ngàn người dân trong đê và hạ tầng cơ sở kỹ thuật. Quy mô đê La Giang hiện nay đã được đầu tư nâng cấp lớn hơn nhiều so với trước đây; mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ của tuyến đê lớn hơn do cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.

Ông Trần Đức Thịnh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh thông tin: Có thể khẳng định tuyến đê La Giang hiện nay đủ khả năng phòng chống lũ theo quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở tổ chức tốt phương án hộ đê để lường đến khả năng xuất hiện tổ hợp thiên tai bất lợi xảy ra cùng một lúc (lũ lớn kèm theo bão, triều cường thời gian mưa lũ kéo dài). Do đó, công tác hộ đê La Giang mùa lũ hàng năm được xác định là nhiệm vụ hàng đầu của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

Được biết, toàn tỉnh hiện có 29 tuyến đê với chiều dài 315,82 km (trong đó đê La Giang là đê cấp II dài 19,2 km, còn lại 28 tuyến đê cấp IV và cấp V với chiều dài 296,62km). Hệ thống đê điều được phân theo các hệ thống các con sông. Toàn tỉnh hiện đã đầu tư, nâng cấp được 265,07/315,82 km đê, trong đó đã đầu tư nâng cấp được 88,53 km đê sông chống được lũ tần suất 10% (riêng đê La Giang - đê cấp II chống được lũ tần suất 1%); 176,54 km đê biển, đê cửa sông chống được bão cấp 10, tần suất triều 5%.

Hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên) là công trình đại thủy nông lớn thứ hai tại Hà Tĩnh với dung tích 345 triệu m3 nước.

Ngoài hệ thống đê điều, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác 348 hồ chứa nước với tổng dung tích trên 1,57 tỷ m3 nước; có 86 đập dâng với lưu lượng thiết kế hơn 5.780 m3/s. Hàng năm, các công trình cấp nước phục vụ tưới cho trên 62.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt và nhiều ngành kinh tế khác; đồng thời thực hiện nhiệm vụ cắt giảm lũ vùng hạ du và cải tạo môi trường sinh thái.

Hồ chứa nước Kẻ Gỗ (thuộc địa bàn xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) là công trình đại thủy nông có dung tích lớn thứ hai trên địa bàn Hà Tĩnh với 345 triệu m3 nước. Hồ Kẻ Gỗ là biểu tượng của ý chí, lòng quyết tâm của người dân Nghệ Tĩnh qua bao năm vượt khó xây công trình đại thủy nông.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, hồ chứa nước Kẻ Gỗ làm nhiệm vụ giảm lũ cho vùng hạ du mùa lũ lụt, vừa phục vụ tưới cho vùng sản xuất rộng lớn với 19.500 ha lúa, cấp nước phục vụ dân sinh và các ngành kinh tế cho huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh. Sau nhiều năm khai thác bị xuống cấp, công trình hồ Kẻ Gỗ được đầu tư dự án nâng cấp, sửa chữa sắp được triển khai, phấn đấu hoàn thành trước mùa mưa lũ năm 2025. Với tổng mức đầu tư hơn 350 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương, hồ Kẻ Gỗ sẽ được nâng cấp, sửa chữa đập chính, đập phụ, tràn Dốc Miếu, tràn sự cố và gia công, lắp đặt các thiết bị cơ khí..., qua đó nâng cao khả năng phòng chống thiên tai cho đại công trình.

Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.

Cùng với hệ thống đê điều, hồ đập, chống úng, chống hạn, chống sạt lở, những năm qua Hà Tĩnh đã huy động nhiều nguồn lực để lắp đặt, hiện đại hóa các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, địa chấn, cảnh báo thiên tai, phục vụ cho công tác cảnh báo, dự báo, phòng chống thiên tai...

Ông Trần Đức Bá – Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 4 trạm khí tượng điện báo (Hà Tĩnh, Kỳ Anh, Hương Sơn và Hương Khê), 6 trạm thủy văn điện báo (Linh Cảm, Sơn Diệm, Hòa Duyệt, Chu Lễ, Cẩm Nhượng và Thạch Đồng); 2 trạm thủy văn chuyên dùng (Sơn Kim và Hương Trạch); 1 trạm khí tượng hải văn và môi trường (Hoành Sơn). Ngoài ra, có 66 trạm đo mưa tự động, 4 trạm đo mưa Nhân dân, 22 trạm đo mưa chuyên dùng của tỉnh đã được lắp đặt và đưa vào khai thác; có 222 cột mốc báo lũ và tháp báo lũ, lũ quét... Các công trình đưa vào vận hành, trong đó có những trạm sử dụng thiết bị hiện đại theo công nghệ mới, thiết bị tự ghi, số hóa dữ liệu đo đạc được kết nối đến các cơ sở dữ liệu, đồng bộ hóa dữ liệu đã bước đầu phát huy hiệu quả trong việc dự báo, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai”.

Theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Tĩnh, để sẵn sàng ứng phó với các sự cố có thể xảy ra trên lưới điện, nhất là trước, trong và sau mùa mưa bão hằng năm, các đơn vị quản lý lưới điện trên địa bàn đều có kế hoạch đầu tư xây mới, cải tạo hạ tầng kết hợp duy tu, bảo dưỡng định kỳ hệ thống điện truyền tải, lưới điện phân phối nhằm khắc phục các khiếm khuyết trên lưới; lắp đặt bổ sung dây néo, xử lý chống sạt lở tại các vị trí cột điện xung yếu. Cùng đó, ngành điện tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành an toàn hành lang lưới điện; cảnh báo, nâng cao nhận thức của người dân, các cơ quan, doanh nghiệp để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản khi có thiên tai xảy ra.

Hệ thống trạm đo mực nước tự động tại Hà Tĩnh được ngành chuyên môn duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.

Theo ngành chuyên môn, hiện nay hạ tầng mạng lưới viễn thông trên địa bàn phát triển rộng khắp và đảm bảo cung cấp liên lạc thông suốt khi có thiên tai. Theo đó, toàn tỉnh có 11 tuyến cáp quang liên tỉnh, hơn 1.000 tuyến nội tỉnh với tổng chiều dài trên 21.200km kéo về đến trung tâm xã, thôn tạo mạch vòng an toàn thông tin cho hệ thống.

Được biết, Hà Tĩnh hiện có 1.800 vị trí với hơn 3500 trạm BTS, có 365 điểm bưu cục, điểm phục vụ bưu chính đáp ứng cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông, internet chất lượng cao gần như phổ cập đến mọi người dân.

Đến nay, 100% thôn có hạ tầng kết nối dịch vụ viễn thông, internet; hệ thống cáp quang đã kết nối đến 100% xã, phường, thị trấn với sự đầu tư từ Viettel, VNPT và FPT. Khi có thông tin thiên tai được cảnh báo, dự báo sớm được truyền đến từng hộ dân bằng các dịch vụ viễn thông để có sự chuẩn bị trong công tác phòng chống thiên tai...

PV