Link nguồn bài viết https://baodautu.vn/hon-80-ca-tu-vong-vi-benh-dai-o-33-tinh-thanh-pho-d232424.html
Truy cập link gốc
Bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người do virus dại gây ra. Đây là bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong gần như 100% khi các triệu chứng xuất hiện. Bệnh lưu hành ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi và châu Á, nơi có số lượng chó thả rông lớn và tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại thấp.
Đã có hơn 80 ca tử vong vì bệnh dại, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo 5 biện pháp phòng bệnh.Cục Y tế dự phòng cho biết, tại Việt Nam, nguồn chính gây bệnh dại là chó, mèo. Từ năm 2017 đến 2021, trung bình mỗi năm có hơn 70 trường hợp tử vong vì bệnh dại.
Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 80 ca tử vong tại 33 tỉnh, thành phố, với các địa phương có số ca tử vong cao là Bình Thuận (10 trường hợp), Đắk Lắk (7 trường hợp), Nghệ An (7 trường hợp) và Gia Lai (6 trường hợp).
Các nguyên nhân gây tử vong chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm vắc-xin phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định, hoặc tự điều trị, dùng thuốc nam. Công tác quản lý chó, mèo còn lỏng lẻo và tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại trên chó, mèo chỉ đạt khoảng 50%, khiến nguy cơ lây truyền bệnh dại từ động vật sang người vẫn rất cao.
Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng có thể phòng tránh được. Để phòng ngừa bệnh dại cho bản thân và cộng đồng, người dân cần chủ động thực hiện các khuyến cáo sau:
Tiêm vắc-xin phòng dại cho chó, mèo: Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc-xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại theo khuyến cáo của ngành thú y.
Tránh tiếp xúc với chó, mèo có biểu hiện bất thường: Đặc biệt là với trẻ em, không nên đùa nghịch hay chọc phá chó mèo.
Khi bị chó, mèo cắn: Rửa vết thương ngay lập tức dưới vòi nước chảy trong 15 phút bằng xà phòng, sau đó sát trùng bằng cồn 70% hoặc thuốc sát khuẩn. Không băng kín vết thương và hạn chế làm dập vết thương. Tiêm vắc-xin phòng dại và/hoặc huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị cắn. Tuyệt đối không tự điều trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.
Hạn chế buôn bán, giết mổ chó, mèo: Để giảm nguy cơ tiếp xúc với virus dại.
Khi có nguy cơ mắc bệnh dại: Cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, tư vấn và xử lý kịp thời.
Bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, khuyến cáo người dân nên tiêm vắc-xin phòng dại trước khi bị phơi nhiễm, vì việc tiêm trước giúp giảm số mũi vắc-xin cần tiêm và đơn giản hóa quá trình điều trị.
Một vấn đề lo ngại về vắc-xin phòng dại là tác dụng phụ, đặc biệt là ảnh hưởng đến hệ thần kinh và trí nhớ. Tuy nhiên, theo bác sỹ Hải, vắc-xin dại thế hệ mới được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, không gây tác dụng phụ như vắc-xin cũ.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên chủ quan với bệnh dại. Tiêm vắc-xin phòng dại kịp thời là cách hiệu quả nhất để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Các cơ quan y tế và chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền về phòng chống bệnh dại, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, nơi tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp và tình trạng chó hoang chưa được kiểm soát.
Bệnh dại vẫn là một mối nguy hiểm lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Mặc dù đã có vắc-xin phòng bệnh hiệu quả, sự chủ quan của người dân trong việc tiêm phòng cho chó, mèo và xử lý vết thương khi bị cắn vẫn đang khiến bệnh dại tiếp tục gây tử vong. Do đó, nâng cao nhận thức và hành động kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
D.Ngân