Hè đến, chính quyền, nhà trường 'sốt sắng' phòng đuối nước

21/04/2024 19:23
Việc thiếu trang bị những kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Bởi vậy, các địa phương trên địa bàn Nghệ An đang triển khai nhiều giải pháp để góp phần hạn chế tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Link nguồn bài viết
https://suckhoedoisong.vn/he-den-chinh-quyen-nha-truong-sot-sang-phong-duoi-nuoc-169240421125228717.htm
Truy cập link gốc
Trang bị nhiều kỹ năng

Đầu hè, Trường Tiểu học xã Quỳnh Thạch (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) triển khai nhiều nội dung giáo dục, trang bị kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích. Mỗi tuần, nhà trường bố trí 1 tiết dạy kỹ năng sống gồm cách phòng, chống đuối nước, phòng chống tai nạn thương tích trong các hoạt động vui chơi.

Một buổi tuyên truyền phòng chống đuối nước tại Trường Tiểu học xã Quỳnh Thạch.

Ngoài ra, trong các tiết hoạt động ngoài giờ, liên đội trường phối hợp với đoàn xã, công an để tổ chức các đợt tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng tránh đuối nước thông qua các tiểu phẩm, các hình thức sân khấu hóa. Qua đó giáo viên, học sinh và phụ huynh thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện cũng như công tác kiểm tra, giám sát học sinh thực hiện tốt công tác phòng, chống đuối nước.

Cô giáo Hồ Thị Lan, Tổng phụ trách Liên đội trường Tiểu học Quỳnh Thạch cho biết, nhà trường thường xuyên phối hợp với thầy giáo dạy bơi tổ chức cho các em học sinh đăng ký tham gia học bơi tại bể bơi di động ở nhà đa năng của trường. "Qua các buổi tập bơi, các em học sinh tham gia tích cực và có hiệu quả rất cao. Chính vì thế trong những năm qua Liên đội Trường Tiểu học Quỳnh Thạch không có em nào bị tai nạn đuối nước", cô Lan cho biết.

Thầy giáo Ttrường Tiểu học Quỳnh Bảng hướng dẫn kỹ năng phòng tránh và sơ cứu khi đuối nước cho các em học sinh.

Không chỉ Trường Tiểu học Quỳnh Thạch, Trường Tiểu học Quỳnh Bảng cũng thường xuyên tổ chức buổi tuyên truyền phòng chống tai nạn đuối nước tại trường để giúp các em tự tin, chủ động xử lý linh hoạt các tình huống.

Thầy giáo Hồ Đình Quyết, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quỳnh Bảng cho biết, nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn đưa nội dung phòng chống đuối nước vào kế hoạch dạy học trong tiết sinh hoạt dưới cờ ở phân môn hoạt động trải nghiệm. Đồng thời, thường xuyên đăng bài phòng chống đuối nước trên các trang mạng Zalo, Facebook để giáo viên chia sẻ đến từng phụ huynh để có biện pháp nhắc nhở học sinh.

Ngoài ra, trường phối hợp với các đoàn thể ở xã thường xuyên đi rà soát, cắm các biển báo nguy hiểm nơi vực sâu có thể xảy ra đuối nước. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí phù hợp với từng lứa tuổi. Duy trì việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã về mức độ nguy hiểm của việc đuối nước để cho các hộ gia đình cảnh giác tự làm tường rào ở khu vực mặt nước hở, lấp kín những ao hồ không cần thiết, làm nắp đậy chắc chắn cho giếng nước.

Báo động đuối nước ở tuổi học trò

Theo thống kê, từ ngày 15/12/2023 đến ngày 7/4/2024, trên địa bàn Nghệ An xảy ra 11 vụ tai nạn đuối nước, làm 14 người chết. Đáng chú ý, các vụ đuối nước này hầu hết là lứa tuổi học sinh.

Mới đầu hè, địa bàn Nghệ An liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm.

Điển hình là vụ đuối nước xảy ra lúc 11h ngày 31/3. Thời điểm đó, tại khe sông Rộ (nằm cạnh quốc lộ 46, thuộc địa bàn xã Thanh Thủy) có hơn 10 em học sinh đến chơi khu vực này. Trong lúc chơi đùa, 2 em học sinh lớp 11 xảy chân rơi xuống khe tử vong.

Tiếp sau đó, đầu tháng 4/2024, tại địa bàn thị xã Thái Hòa (Nghệ An) 6 em học sinh ra sông Hiếu (đoạn qua khối 1, phường Long Sơn) để chơi, không may em V.S.H. (SN 2007, trú tại xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn) rơi xuống sông đuối nước. Thấy vậy, một người bạn nhảy xuống cứu, người bạn này sau đó cũng bị đuối nước nhưng may mắn dạt vào bờ an toàn còn H. đuối nước và thi thể được tìm thấy sau đó.

Đoàn viên, thanh niên thường xuyên hướng dẫn các em học sinh về phòng chống đuối nước.

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở LĐTB&XH thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát đột xuất việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn đuối nước tại các địa phương, trong đó chú trọng tập trung tại các địa phương có số vụ tai nạn đuối nước xảy ra nhiều hoặc tai nạn đuối nước nghiêm trọng, làm chết nhiều người.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết đình chỉ các bến đò ngang, đò dọc tự phát, phương tiện đường thủy nội địa không bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định, nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy và đuối nước.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tổng rà soát, điều tra cơ bản, lập danh sách cụ thể các khu vực, địa điểm thường xuyên xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ cao gây tai nạn đuối nước, bao gồm hệ thống thoát nước tại các công trình xây dựng, công trình giao thông, các bãi biển, bãi tắm, sông, suối, ao, hồ, thác, hố sâu có nước, khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình chứa nước...

Rà soát, cắm biển cảnh báo nơi có nguy cơ gây đuối nước.

Ưu tiên bố trí kinh phí làm rào chắn, biển cảnh báo, biển cấm, biển cảnh giới, phao cứu sinh, cứu hộ; bố trí lực lượng thường trực cảnh giới, tổ chức ứng cứu nhanh tại các địa điểm có nguy cơ cao về tại nạn đuối nước. Chỉ đạo các ban, ngành chức năng, các nhà trường, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp triển khai thực hiện thường xuyên, hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng, chống đuối nước.

Đặc biệt, đối với các khu vực thường xuyên có khách du lịch, người dân tham gia các hoạt động dưới nước (khu du lịch sinh thái, bãi tắm biển, sông, suối, thác, khe...) phải nghiên cứu huy động lực lượng tự quản an ninh trật tự ở cơ sở, lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở...

Xôn xao clip đội ghe liên tục bị ném vật cứng, mái chèo khi đang dự giải

Vũ Đồng