Hàng loạt vi phạm ở các doanh nghiệp khai thác cát tại Nghệ An

03/01/2024 10:02
Kiểm tra hoạt động khai thác ở 14 doanh nghiệp, UBND huyện Tân Kỳ đã ban hành cùng lúc 44 quyết định xử phạt. Trong tất cả các doanh nghiệp bị kiểm tra, doanh nghiệp nào cũng xảy ra sai phạm, đặc biệt có doanh nghiệp có đến 4 sai phạm.
Link nguồn bài viết
https://baonghean.vn/hang-loat-vi-pham-o-cac-doanh-nghiep-khai-thac-cat-tai-nghe-an-post282691.html
Truy cập link gốc
Kiểm tra tới đâu, phát hiện vi phạm tới đó

Liên quan đến bãi tập kết cát trái phép ngay dưới chân cầu Phú Sơn (xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ), của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Nam Hà mà , ngày cuối tháng 12/2023, một lãnh đạo UBND huyện Tân Kỳ cho biết, địa phương đã ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty này, với tổng số tiền phạt gần 70 triệu đồng. Trong đó, hành vi chiếm 600m2 đất nông nghiệp để làm bãi tập kết cát trái phép bị xử phạt 15 triệu đồng.

Ngoài ra, công ty khai thác cát này còn có nhiều hành vi vi phạm khác như: Không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo quy định; đưa phương tiện hoán cải vào hoạt động khai thác khi chưa được đăng kiểm; không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động; lập hóa đơn không đúng thời điểm.

Bãi tập kết cát trái phép ngay dưới chân cầu Phú Sơn. Ảnh: Tiến Hùng

Đây không phải là doanh nghiệp khai thác cát duy nhất bị xử phạt trong đợt này. Theo lãnh đạo UBND huyện Tân Kỳ, trên địa bàn huyện hiện có 16 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi được cấp phép. Tuy nhiên, do 1 doanh nghiệp vừa dừng hoạt động và 1 doanh nghiệp vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, nên vừa qua, UBND huyện đã lập đoàn liên ngành, kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi ở 14 doanh nghiệp còn lại. “Kết quả kiểm tra cho thấy, doanh nghiệp nào cũng có vi phạm cả”, vị lãnh đạo UBND huyện nói. Sau khi kiểm tra, chỉ trong 1 ngày, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ đã ban hành 44 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 14 doanh nghiệp này, với tổng số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng.

Các vi phạm xảy ra ở nhiều lĩnh vực. Theo đó, về thuê đất hoạt động khoáng sản, có 7 doanh nghiệp lấn chiếm đất để sử dụng làm bãi tập kết, nhà điều hành khi chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất; 2 doanh nghiệp chưa thực hiện thủ tục đăng ký đất đai lần đầu đối với khu vực mỏ khai thác.

Về an toàn lao động, có 4 doanh nghiệp không đăng ký nội quy lao động theo quy định của pháp luật; 1 doanh nghiệp không khai báo khi đưa vào sử dụng các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, lao động; có 5 doanh nghiệp không tổ chức huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định của pháp luật; 1 doanh nghiệp không thực hiện các chế độ bảo hộ lao động và chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho người lao động; 1 doanh nghiệp không xây dựng kế hoạch an toàn vệ sinh lao động hàng năm; không thành lập tổ chức bộ phận an toàn vệ sinh lao động, bộ phận y tế; 1 doanh nghiệp không xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

Đối với việc chấp hành pháp luật về thuế, có tới 9 doanh nghiệp lập hóa đơn không đúng thời điểm.

Đặc biệt, về quy trình quy phạm khai thác, tất cả 14 doanh nghiệp đều vi phạm quy định trong lĩnh vực bến thủy nội địa. Cụ thể, không đăng ký phương tiện khai thác; không đăng kiểm lại phương tiện; đưa phương tiện hoán cải vào hoạt động, khai thác khi chưa được đăng kiểm; không có văn bản thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền trước khi xây dựng cải tạo nâng cấp bến thủy nội địa; giao người không đủ điều kiện về sức khỏe, tuổi, không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định điều khiển phương tiện, làm việc trên phương tiện.

“Sau kết quả kiểm tra, UBND huyện đã ban hành thông báo gửi các doanh nghiệp, trong đó giao đơn vị tiến hành khắc phục các tồn tại hoàn thành trước ngày 30/1/2024; đồng thời giao các phòng ban, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra đôn đốc giám sát việc khắc phục tồn tại của các doanh nghiệp”, vị lãnh đạo huyện Tân Kỳ nói thêm.

Nhiều phương tiện vận chuyển, khai thác cát không đảm bảo quy định. Ảnh: Tiến Hùng

Cần tăng cường quản lý

Tân Kỳ lâu nay được mệnh danh là “thủ phủ cát” ở Nghệ An. Dòng sông Hiếu chảy qua địa bàn huyện này dài khoảng 60km, cung cấp nguồn cát dồi dào. 16 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi đều được cấp phép trên dòng sông này. Mỗi năm, khai thác hơn 400.000m3. Cát, sỏi ở huyện Tân Kỳ có giá trị cao trong xây dựng các công trình hạ tầng, bởi hạt đều, đẹp và độ sạch cao. Tuy nhiên, tình trạng khai thác ồ ạt, lộn xộn cũng đã tồn tại trong suốt nhiều năm qua.

Tại xóm Dương Hạp (xã Nghĩa Dũng), thời gian gần đây, nhiều hecta đất nông nghiệp của người dân đã bị trôi tuột xuống lòng sông, khiến nhiều hộ dân bỗng dưng mất đất sản xuất. Theo người dân, tình trạng này xuất hiện khi dòng sông Hiếu đoạn qua khu vực này bị khai thác cát quá mức, nhiều xà lan thậm chí thường xuyên hút cát gần bờ. Chính quyền địa phương sau đó đã yêu cầu doanh nghiệp đình chỉ khai thác 1 tháng để khắc phục hậu quả bằng cách bồi đắp chân bờ sông sau đó đóng cọc tre, đan tấm phên để ngăn chặn tình trạng sạt lở. Khu vực này là mỏ cát cấp phép cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Thái Cực khai thác. Đây cũng là doanh nghiệp vừa bị xử phạt tổng số tiền gần 70 triệu đồng với 3 hành vi vi phạm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp khai thác cát bị xử phạt đợt này gồm Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Vũ Trường Giang bị xử phạt 53 triệu đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồng Bảo Ngọc bị xử phạt 63 triệu đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Hải bị xử phạt 120 triệu đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Hòa bị xử phạt 43 triệu đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Tiến và Công ty trách nhiệm hữu hạn Vật liệu xây dựng Phương Hoàng cùng bị phạt 48 triệu đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Phát Nghệ An và Công ty trách nhiệm hữu hạn Vật liệu xây dựng Đức Hoàng cùng bị phạt 125 triệu đồng; Công ty Thương mại và Dịch vụ Việt Hoàng bị phạt 69 triệu đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Đức Anh Linh bị phạt 87 triệu đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Đạt Anh bị phạt 72 triệu đồng; Công ty cổ phần Xây dựng Tám Tài bị phạt 74 triệu đồng.

Cát trên sông Hiếu rất được ưa chuộng. Ảnh: Tiến Hùng

Theo lãnh đạo UBND huyện Tân Kỳ, sau khi xử phạt, các doanh nghiệp, địa phương cũng đã ban hành các văn bản, yêu cầu các phòng, ban liên quan và UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật tại các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Cùng với đó, ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, phát hiện và xử lý kịp thời theo thẩm quyền. Quản lý chặt chẽ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện. Trường hợp để xảy ra tình trạng khai thác trái phép kéo dài mà không có biện pháp xử lý, Chủ tịch UBND xã, thị trấn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện và trước pháp luật…

Nhiều bãi tập kết cát trái phép tồn tại suốt thời gian dài. Ảnh: T.H

Tiến Hùng