Link nguồn bài viết https://giaoducthoidai.vn/nguoi-dan-o-nghe-an-kem-vui-vi-qua-hong-duoc-gia-nhung-mat-mua-post709642.html
Truy cập link gốc
Quả hồng trứng ở huyện Nam Đàn, Nghệ An. (Ảnh: Phạm Tâm)Thời điểm này, người dân ở các xã Nam Anh, Nam Thanh, Nam Xuân… (huyện Nam Đàn, Nghệ An) đang vào chính vụ thu hoạch quả hồng. Với diện tích trồng hơn 200ha, xã Nam Anh được xem là "thủ phủ hồng" của xứ Nghệ.
Trái với cảnh thương lái đến thu mua quả nhộn nhịp như mọi khi, năm nay có phần ảm đạm hơn do sản lượng quả giảm sút. Bù lại, giá hồng tăng nên người dân phần nào được an ủi.
Các giống hồng phổ biến ở Nam Anh là hồng cậy và hồng trứng, chủ yếu được trồng trên những sườn đồi quanh núi Đại Huệ. Nhiều vườn hồng nơi đây có tuổi đời trên 100 năm.
Sản lượng hồng ở xã Nam Ảnh giảm sút 2 năm trở lại đây. Gia đình bà Bùi Thị Thanh (trú tại xóm 7, xã Nam Anh) có 60 cây hồng đặc sản, năm nay cũng nằm trong diện bị mất mùa. Những năm trước, trung bình mỗi vụ bà Thanh thu hoạch được khoảng 2 tấn hồng. Tuy nhiên, năm nay sản lượng giảm mạnh, chỉ còn khoảng 1 tấn.
Với mức giá 25.000 - 30.000 đồng/kg hồng cậy ngâm; từ 35.000 - 40.000 đồng/kg hồng trứng, đây là giá hồng cao nhất trong vài năm qua ở Nghệ An. Ước tính gia đình bà Thanh có thu nhập trên dưới 30 triệu đồng.
Theo bà Thanh, năm nay là năm thứ 2 liên tiếp quả hồng mất mùa, cứ đến khi trái hồng to bằng đầu ngón tay thì bị rụng nhiều.
“Có thể do điều kiện thời tiết, mưa nhiều khiến bộ rễ của cây bị ảnh hưởng dẫn đến việc cây không đủ chất dinh dưỡng để nuôi quả, khiến quả rụng nhiều. Bên cạnh đó, một số loài côn trùng gây hại phát triển mạnh cũng khiến quả hồng bị rụng nhiều”, người phụ nữ này chia sẻ.
Quả hồng trứng có màu sắc đẹp mắt, ngọt dịu nên được khách hàng ưa chuộng. Cũng gặp tình trạng tương tự, ông Nguyễn Đình Quế (trú tại xóm 6, xã Nam Anh) cho biết, 2 năm gần đây, hồng liên tục mất mùa. Nếu như những năm trước, mỗi năm vườn hồng của gia đình cho thu hoạch hơn 1,5 tấn trái, thì năm nay ước chỉ đạt 400kg.
Quả hồng mất mùa không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân mà còn tác động đến nhiều gia đình làm nghề thu mua, sơ chế quả hồng. Chị Trần Thị Hòa (trú tại xóm 6, xã Nam Anh) chia sẻ, sản lượng quả hồng ít nên việc thu mua cũng khó khăn hơn. Nhiều thời điểm không nhận đơn hàng của khách vì không mua được hồng.
Quả hồng mang lại thu nhập hằng năm cho người dân. Ông Hồ Viết Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Anh cho biết, toàn xã có hơn 200ha hồng, trong đó có 150ha cây cho thu hoạch. Năm nay thời tiết không thuận lợi nên hồng mất mùa nặng. Sản lượng chỉ ước đạt 90 tấn quả, thấp nhất từ trước tới nay.
Theo ông Hoa, những năm gần đây, vựa hồng Nam Anh liên tục mất mùa. Nếu như năm 2022, toàn xã Nam Anh thu hoạch hơn 300 tấn hồng, thì năm 2023 giảm chỉ còn khoảng 100 tấn, năm nay sản lượng tiếp tục giảm.
Mất mùa nhưng bù lại giá hồng năm nay lại tăng mạnh. Hiện hồng cậy ngâm được thương lái thu mua với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg; hồng trứng từ 35.000 - 40.000 đồng/kg.
“Đầu vụ, khi hồng ra hoa thì thời tiết đẹp, nhưng thường sau đó mưa nhiều, gió mạnh nên trái rụng hết. Năm nay nhiều vườn hồng cây chỉ lác đác quả. Ở địa phương, hồng được xem là một trong những cây trồng đem lại nguồn thu nhập ổn định, giúp xóa đói giảm nghèo nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Hoa chia sẻ.
Vườn hồng cổ dưới chân núi Đại Huệ trở thành địa điểm tham quan, dã ngoại vào dịp cuối tuần. Không chỉ có giá trị kinh tế, những cây hồng trăm tuổi khi chín quả ngả một màu đỏ óng, tạo nên một vùng quê đẹp như tranh vẽ. Nhờ đó, vào dịp cuối tuần, các vườn hồng thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan và chụp ảnh.
Phạm Tâm