Link nguồn bài viết https://baohatinh.vn/ha-tinh-no-luc-xay-dung-van-hoa-giao-thong-an-toan-van-minh-post281033.html
Truy cập link gốc
Đội CSGT-TT Công an TP Hà Tĩnh kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường Nguyễn Du. Từ 1/1/2025, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe... chính thức có hiệu lực với nhiều mức xử phạt hành chính tăng cao nhiều lần so với mức phạt quy định trước đây.
Việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Phần lớn người dân đồng tình với việc tăng mức xử phạt để tăng tính răn đe với một số nhóm hành vi vi phạm với lỗi cố ý, lỗi nguy hiểm, là nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông (TNGT). Tuy nhiên, một bộ phận người dân cũng băn khoăn về mức phạt cao so với thu nhập và hệ thống hạ tầng giao thông còn có phần hạn chế, chưa theo kịp sự gia tăng lượng phương tiện.
Đội CSGT-TT Công an huyện Đức Thọ gắn biển tuyên truyền mức phạt vi phạm vượt đèn đỏ tại các nút giao trên địa bàn thị trấn Đức Thọ. Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực trong bối cảnh tình hình trật tự ATGT ở Hà Tĩnh nói riêng và trên cả nước nói chung diễn biến phức tạp. Trong những năm qua, các cấp chính quyền và ngành chức năng Hà Tĩnh đã có nhiều nỗ lực trong kiềm chế, kéo giảm TNGT, các hành vi vi phạm quy định ATGT bị xử lý nghiêm với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Chỉ tính riêng năm 2024, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã lập biên bản 58.548 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, phạt tiền gần 106 tỷ đồng, tăng 22.801 trường hợp, tăng 42 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong số các vi phạm, có 11.571 trường hợp nồng độ cồn, 13.178 trường hợp vi phạm tốc độ, 7.759 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 6.280 trường hợp không có giấy phép lái xe…
Vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào tháng 6/2024 trên QL1 qua xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên khiến 3 người tử vong. Dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, tình hình TNGT trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn gia tăng ở cả 3 tiêu chí. Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Tân cho hay: Trong năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 407 vụ TNGT, làm chết 226 người, bị thương 250 người. So với năm 2023, tăng 44 vụ, tăng 25 người chết và tăng 35 người bị thương.
Nguyên nhân chính dẫn tới TNGT vẫn chủ yếu xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người dân còn chưa cao với các vi phạm như thiếu chú ý quan sát chiếm; đi sai làn đường, phần đường; vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ; chuyển hướng sai quy định; không nhường đường theo quy định…
Văn hóa giao thông có vai trò quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông. Do vậy, việc tăng nặng mức phạt tiền là cần thiết với các hành vi và nhóm hành vi vi phạm quy tắc giao thông, vi phạm quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực trật tự ATGT và kèm theo đó là các hình thức xử lý nghiêm khắc như tạm giữ phương tiện, tước giấy phép lái xe, trừ điểm giấy phép lái xe…
Ở góc độ quản lý, cơ quan chức năng cho rằng, việc nâng cao mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm không nhằm vào việc xử phạt người dân mà cốt lõi là để tạo ra sự răn đe từ sớm đối với những người có ý định vi phạm, từng bước thay đổi suy nghĩ, hành vi, có ý thức tuân thủ luật lệ của người tham gia giao thông. Đây cũng chính là một trong những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu bằng luật pháp, góp phần giảm thiểu vi phạm trật tự ATGT, giảm thiểu nguy cơ và thiệt hại do TNGT gây ra.
Các hành vi vi phạm quy định khi tham gia giao thông sẽ bị xử lý nghiêm minh. “Việc xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã từng bước tạo thói quen “Đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện tham gia giao thông”, góp phần giảm số vụ tai nạn giao thông do rượu bia gây ra” - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Tân đánh giá.
Việc xây dựng văn hóa giao thông, ngoài trách nhiệm của các các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT và hành vi ứng xử có văn hóa của người tham gia giao thông có tính quyết định trong việc giảm thiểu ùn tắc, va quệt, TNGT.
“Tốc độ gia tăng phương tiện bình quân hàng năm với ô tô tăng 14%, mô tô tăng 10%, xe máy điện tăng 30%, đang gây áp lực lớn đến công tác bảo đảm trật tự ATGT. Và trong bối cảnh hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được so với sự gia tăng số lượng phương tiện, nhu cầu của người tham gia giao thông, việc chấp hành tốt các quy định, quy tắc giao thông, ứng xử văn hóa, văn minh khi tham gia giao thông đóng vai trò rất quan trọng, góp phần vào công tác kiềm chế, kéo giảm TNGT” - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Tân thông tin thêm.
Cơ quan chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm vi phạm ATGT trên các tuyến đường. Để Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền tới tận cộng đồng dân cư để người dân nắm bắt thông tin, nâng cao nhận thức khi tham gia giao thông; đẩy mạnh giáo dục ATGT bắt đầu từ trong gia đình, nhà trường bằng việc nêu gương và giáo dục con em xây dựng ý thức chấp hành pháp luật giao thông từ khi còn nhỏ.
Cơ quan quản lý đường bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra rà soát, phát hiện các các vị trí bất hợp lý về tổ chức giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông gây mất ATGT trên các tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý để kịp thời xử lý, hỗ trợ người dân chấp hành quy định.
Lực lượng CSGT, Thanh tra Giao thông cần thường xuyên tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm vi phạm ATGT trên các tuyến đường, tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, ùn tắc giao thông; tăng cường việc thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải, công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe, công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ...
Văn Đức