Hà Tĩnh: Cảnh báo ghép mặt người thân, bạn bè để lừa tiền qua mạng

28/03/2023 08:54
Sau những tin nhắn vay tiền và cuộc video call mang tính 'xác minh chính chủ' chớp nhoáng, một người dân tại TP Hà Tĩnh nhanh chóng thực hiện việc chuyển tiền qua tài khoản, để rồi 'ngớ người' khi biết mình bị lừa đảo vì hình ảnh ở đầu dây bên kia chỉ là sản phẩm của công nghệ.
Link nguồn bài viết
https://baohatinh.vn/an-ninh-trat-tu/ha-tinh-canh-bao-ghep-mat-nguoi-than-ban-be-de-lua-tien-qua-mang-nbsp/246264.htm
Truy cập link gốc
Video đối tượng lừa đảo chỉ thực hiện trong vài giây

Trong khi đang làm việc, anh N.T.D (TP Hà Tĩnh) nhận được tin nhắn từ tài khoản facebook của một người bạn là “A.H” nhờ chuyển tiền vào tài khoản mang tên “Le Trong Dao” với nội dung trả tiền vật liệu.

Anh D. yêu cầu người bạn của mình gọi điện thoại để xác minh. Cuộc gọi video được thực hiện, phía bên kia màn hình đúng là hình ảnh người bạn của anh.

Chỉ sau vỏn vẹn ít giây, mọi nghi ngờ biến mất, anh D. thực hiện thao tác chuyển khoản tới tài khoản ngân hàng mang tên “Le Trong Dao” mà không hề biết rằng mình đã bị đối tượng mạo danh chiếm đoạt gần 5 triệu đồng.

Đối tượng xấu đã sử dụng đoạn video rất sống động với khuôn mặt chính chủ để đánh lừa nạn nhân.

“Dù không phải là hình ảnh quá rõ nét, song rõ ràng là hình ảnh người bạn đang nhìn tôi, rất chân thực, thậm chí còn chớp mắt. Vì còn đang mải theo công việc nên tôi cũng không nghĩ ngợi nhiều và tin tưởng chuyển tiền. Tới lúc những người quen thông báo thì mới biết mình đã bị lừa”, anh D. chia sẻ.

Các tin nhắn vay mượn tiền đã được kẻ xấu nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện hành vi.

Cũng theo anh D., đối tượng đã nghiên cứu kỹ các tin nhắn trước đó để nhắn tin vay mượn tiền. Khi nhận được cuộc gọi đến, tài khoản facebook “A.H” sẽ tắt máy để có thời gian chuẩn bị, sau đó chủ động gọi lại với hình ảnh khuôn mặt đã được xử lý sẵn để đánh lừa nạn nhân.

Cuộc gọi chỉ kéo dài 5-7 giây và kết thúc với các lý do như: lỗi mạng, sóng yếu… Số tiền “nhờ chuyển khoản” chỉ từ 3-5 triệu đồng, không nhỏ nhưng cũng không quá lớn. Vì vậy, đa phần nạn nhân khi bị lừa thường “tặc lưỡi” cho qua.

Có thể thấy, mấu chốt để có thể thực hiện thành công hành vi lừa đảo chính là đoạn video khuôn mặt của tài khoản mạng xã hội chính chủ (đã bị chiếm đoạt quyền điều khiển). Theo nhận định, đối tượng có thể đã gọi video cho chính chủ để ghi lại hình ảnh khuôn mặt. Trong trường hợp tinh vi hơn, đoạn video có thể là sản phẩm của công nghệ, các ứng dụng ghép mặt người thực với độ chính xác cao.

Đặc điểm của cuộc gọi video lừa đảo là không có âm thanh, hình ảnh chập chờn khó phân biệt thật, giả. Chỉ một phút bất cẩn, nạn nhân sẽ bị đánh lừa.

Hiện, lực lượng chức năng cũng đã có khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước các tin nhắn, cuộc gọi đề nghị vay tiền qua mạng xã hội; cẩn trọng khi truy cập vào các đường link lạ, ứng dụng không rõ nguồn gốc để tránh bị chiếm tài khoản mạng xã hội. Khi phát hiện hành vi lừa đảo hoặc có nghi vấn, cần thông báo cho cơ quan công an để được hỗ trợ, xử lý.

P.S