Link nguồn bài viết https://baoxaydung.com.vn/ha-tinh-ban-hanh-ke-hoach-trien-khai-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-392443.html
Truy cập link gốc
Ban Chỉ đạo 1056 tỉnh Hà Tĩnh xác định việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 102/CĐ-TTg, ngày 06/10/2024 và các Văn bản hướng dẫn của Trung ương; Chỉ thị số 50- CT/TU, ngày 12/11/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Ban Chỉ đạo 1056 ban hành Kế hoạch thực hiện xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ đạo 1056 tỉnh Hà Tĩnh xác định việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tập trung triển khai thực hiện Chương trình với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, “phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm”.
Triển khai chương trình một cách đồng bộ, kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định, phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác của mỗi người dân và lan tỏa được tính nhân văn, nhân ái thông qua chương trình. Huy động sức mạnh tổng hợp và mọi nguồn lực xã hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, đối tượng hỗ trợ là: Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Chính phủ, do UBND cấp xã quản lý tại thời điểm 31/10/2024 (sau đây gọi tắt là hộ dân) đang sinh sống, cư trú trên địa bàn tỉnh và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi kế hoạch này có hiệu lực thi hành tối thiểu 03 năm.
Điều kiện hỗ trợ: Tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát làm căn cứ xác định đối tượng hỗ trợ theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng.
Về đất xây dựng nhà ở: Hỗ trợ xây dựng nhà ở phải được xây dựng hoặc sửa chữa trên đất ở hợp pháp, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Giao Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã quyết định theo phân cấp hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc tổ chức khác. Trường hợp đã được hỗ trợ theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở thì phải thuộc một trong các trường hợp sau:
Thời gian hỗ trợ đã được trên 10 năm (tính từ thời điểm nghiệm thu đưa vào sử dụng), đến nay nhà ở đã xuống cấp, hư hỏng, không bảo đảm an toàn.
Nhà ở bị hư hỏng do các nguyên nhân bất khả kháng như bão, lũ, lụt, sạt lở đất, hỏa hoạn hoặc các loại hình thiên tai khác.
Yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở: Thực hiện đảm bảo các tiêu chí về quy mô diện tích, yêu cầu kỹ thuật và chất lượng theo Văn bản số 5999/BXD-QLN ngày 24/10/2024 của Bộ Xây dựng về việc nghiên cứu, thiết kế một số mẫu nhà ở điển hình để triển khai hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát; các văn bản liên quan khác.
Nguyên tắc hỗ trợ: Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình đủ điều kiện để xây dựng nhà ở mới hoặc sửa chữa nhà ở hiện có, đảm bảo nâng cao chất lượng nhà ở.
Việc hỗ trợ nhà ở phải đảm bảo công khai, minh bạch, tránh thất thoát, trục lợi chính sách, phân bổ công bằng, hợp lý giữa các nguồn lực hỗ trợ.
Việc hỗ trợ nhà ở được thực hiện theo phương châm Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng hộ gia đình; kết hợp, lồng ghép với các chương trình đầu tư, hỗ trợ khác để phát huy hiệu quả chính sách.
Mức hỗ trợ: Xây mới nhà ở là 70 triệu đồng/hộ; cải tạo, sửa chữa nhà ở là 30 triệu đồng/hộ.
Lê Minh