Link nguồn bài viết https://baotintuc.vn/ban-doc/giao-dat-lam-nghiep-o-nghe-an-chia-khoa-da-co-nhung-chua-trao-tay-20241112113134769.htm
Truy cập link gốc
Người dân xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An thiếu đất sản xuất.Không có đất để sản xuấtBản Mới là bản đông dân nhất ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu với 232 hộ. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 93 hộ dân không có đất nông nghiệp để sản xuất cũng như đất rừng.
Năm 2015, gia đình chị Đặng Thị Vịnh ở bản Mới được giao khoán 3,7 ha đất rừng để bảo vệ, nhưng chỉ giao trên giấy tờ, còn thửa đất nằm vị trí nào chị cũng không rõ. Dù vậy, chị vẫn được hưởng chi trả phí bảo vệ rừng. Tuy nhiên đến năm 2020, diện tích giao khoán này cũng bị thu hồi và gia đình chị Vịnh không được hưởng số tiền đó nữa. Nguyên do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳ Châu đưa ra là trước đây do chia sai, chồng lấn lên đất của người khác. Hiện, cả gia đình chị Vịnh chỉ có mảnh đất chừng 80m2 vừa làm nhà ở, vừa là cửa hàng may quần áo kiếm sống qua ngày.
“Số tiền đó cũng không đáng kể nên gia đình tôi cũng không nặng nề. Tuy nhiên, gia đình tôi có 3 người đang trong độ tuổi lao động, vì vậy về lâu dài rất muốn được giao đất rừng để sản xuất”, chị Vịnh mong muốn.
Tìm hiểu thêm, nhiều năm nay, tại các cuộc họp xóm hay tiếp xúc cử tri, người dân ở xã Châu Phong thường xuyên có kiến nghị về việc sớm thu hồi diện tích đất rừng phòng hộ giao cho địa phương quản lý để chia cho người dân. Tuy nhiên, đến nay nguyện vọng đó vẫn chưa thành hiện thực.
Cũng là một trong những hộ dân ở xã Châu Phong không có đất nông nghiệp để sản xuất, ông Lê Văn Tiến, Bí thư Chi bộ bản Mới cho biết: Trước đây, khi chia đất, chính quyền ưu tiên hộ nghèo, còn các hộ khác thì chờ xem xét sau; đến nay nhiều hộ không có đất. Năm 2020, khi nhận được thông tin Ban Quản lý rừng phòng hộ đồng ý trả lại gần 900ha đất rừng để giao cho người dân, ai cũng rất phấn khởi, nhưng nhiều năm trôi qua vẫn không thấy thực hiện.
“Người dân chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ để ban hành quyết định thu hồi phần diện tích đất mà Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳ Châu đã rà soát và thống nhất chuyển trả hơn 1.500ha đất về cho địa phương quản lý để giao đất cho các hộ dân”, ông Lê Văn Tiến đề nghị.
Trao đổi thêm với Chủ tịch UBND xã Châu Phong Lương Văn Hiệp về vấn đề này, ông cho biết: Mặc dù là xã miền núi, diện tích đất đai rộng, nhưng nhiều người dân xã Châu Phong vẫn thiếu đất sản xuất. Thiếu đất canh tác đã khiến cuộc sống của họ lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. Chúng tôi rất mong muốn Ban Quản lý rừng phòng hộ sớm bàn giao lại cho địa phương số diện tích đất rừng đã rà soát để chúng tôi chia cho các hộ dân. Xã sẽ ưu tiên hộ nghèo và hộ chưa có đất sản xuất, hộ nghèo có ít đất sản xuất, hộ ở gần rừng...
Cần sớm hoàn thiện hồ sơCuối năm 2023, trước Kỳ họp thứ XVII của Hội đồng nhân dân tỉnh, các cử tri ở xã Châu Phong một lần nữa kiến nghị về vấn đề này. Trong công văn gửi UBND huyện Quỳ Châu để giải quyết kiến nghị của cử tri ban hành vào tháng 3/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc đo đạc, lập bản đồ địa chính đối với quỹ đất đang quản lý, sử dụng của các ban quản lý rừng nói chung và Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu nói riêng thuộc nội dung của Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân, sử dụng”, đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt.
Hiện nay, phần diện tích các ban quản lý rừng đề nghị giữ lại để tiếp tục quản lý, sử dụng đã được UBND tỉnh phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh không thuộc diện sắp xếp lại. Phần diện tích các ban quản lý rừng dự kiến trả về cho địa phương quản lý (trong đó có 1.529,46ha của Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu đề nghị lập trích lục, trích đo) chưa được lập thiết kế kỹ thuật - dự toán.
Trong Công văn số 1324/STNMT-QLĐĐ, ban hành vào tháng 3/2024, của Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND huyện Quỳ Châu giải quyết kiến nghị của cử tri cũng nêu rõ, để sớm giải quyết kiến nghị của cử tri, Sở Tài nguyên và Môi trường đã giao Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Nghệ An triển khai việc khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật dự toán đo đạc, lập bản đồ địa chính đối với phần diện tích Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu dự kiến trả về địa phương phục vụ công tác thu hồi đất theo quy định hiện hành; đồng thời trực tiếp thi công thực hiện đo đạc để rút ngắn thời gian giải quyết kiến nghị của cử tri. Sở đề nghị UBND huyện Quỳ Châu, Ban Quản lý rừng phòng Quỳ Châu phối hợp với Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh trong quá trình điều tra, khảo sát.
Văn bản ban hành thì vậy nhưng trên thực tế đến nay, quá trình này vẫn chưa thực hiện xong. Ông Trần Bảo Linh, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Quỳ Châu cho biết, từ năm 2019 đến nay, địa phương đã có nhiều văn bản, tờ trình về vấn đề này gửi các cơ quan có thẩm quyền. Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳ Châu cũng đã rà soát và đồng ý bóc tách hơn 1.500ha đất để trả lại cho địa phương quản lý. Nhưng cho đến nay, hồ sơ thủ tục vẫn chưa thực hiện xong. Theo ông Linh, trong số hơn 1.500ha này, có tới 904 ha thuộc địa bàn xã Châu Phong, số còn lại rải rác ở các xã Châu Hoàn (Quỳ Châu), Diên Lãm (Diễn Châu)…
Cuối tháng 10/2024, UBND huyện Quỳ Châu lại tiếp tục có văn bản đề nghị xem xét đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳ Châu.
Văn bản này cho hay, thực hiện việc lập hồ sơ thu hồi số diện tích 1.529,46ha đất thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu, tháng 4/2024, UBND tỉnh đã có văn bản về việc khảo sát lập thiết kế dự toán, đo đạc khu đất trả về địa phương quản lý, sử dụng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu. Đến nay, UBND huyện đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các đơn vị liên quan tiến hành thực hiện hoàn thiện các hồ sơ có liên quan.
UBND huyện đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, đẩy nhanh tiến độ thu hồi phần diện tích nói trên của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳ Châu về cho địa phương quản lý để lập phương án giao đất, đáp ứng kịp thời các kiến nghị về nhu cầu đất sản xuất của nhân dân.
Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳ Châu đã đồng ý chuyển trả và tiến hành đo đạc hơn 1.500 ha để trả về địa phương, hiện đang trình Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh hoàn thiện hồ sơ thủ tục, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình lên UBND tỉnh ra quyết định.
“Đến đầu tháng 11/2024, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳ Châu phối hợp với Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh hoàn tất việc đo, kẻ vẽ số diện tích trên để bàn giao "chìa khóa trao tay" cho người dân, bàn giao ranh giới với chính quyền xã Châu Phong. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện bàn giao trả về địa phương lại phụ thuộc vào Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh”, ông Trần Ngọc Kiên, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳ Châu, cho biết.
Chủ trương giao đất rừng cho người dân trồng rừng, sản xuất của UBND tỉnh Nghệ An là chủ trương đúng, phù hợp với lòng dân, nhưng quá trình thực hiện vẫn chưa thể hoàn thiện. Người dân các xã Châu Phong, Châu Hoàn... của huyện Quỳ Châu rất mong sớm được nhận đất để quản lý bảo vệ rừng và trồng rừng, sản xuất.
Bài, ảnh: Bích Huệ (TTXVN)