Link nguồn bài viết https://baohatinh.vn/giam-ngheo-nang-cao-thu-nhap-de-xay-dung-nong-thon-moi-o-huong-khe-post279350.html
Truy cập link gốc
Với xuất phát điểm thấp so với mặt bằng chung của tỉnh và cả nước, huyện Hương Khê bước vào xây dựng NTM với nhiều tiêu chí đạt thấp, công tác huy động nguồn lực đầu tư xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo ở Hương Khê lên đến hơn 40%. Xác định giảm nghèo là một trong những nhóm tiêu chí quan trọng, giữ vai trò “đòn bẩy”, tạo động lực hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí còn lại. Do đó, trong quá trình xây dựng NTM, Hương Khê đã thực hiện nhiều giải pháp để tạo việc làm ổn định, phát triển kinh tế, giúp người dân thoát nghèo.
Trong quá trình xây dựng NTM, Hương Khê thực hiện nhiều giải pháp để phát triển kinh tế, giúp người dân thoát nghèo. Có chính sách làm trợ lực cùng sự cần cù, chịu khó, người dân Hương Khê đã “biến” hàng trăm héc ta đất canh tác kém hiệu quả thành vùng sản xuất với những giống cây, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
Qua giới thiệu của lãnh đạo xã Hương Thủy, chúng tôi đến thăm gia đình ông Phan Xuân Tường (SN 1952) – từng là hộ nghèo... bền vững ở thôn 5. Ông Tường chia sẻ, do vợ qua đời sớm nên trước đây một mình tôi làm lụng vất vả cũng chỉ đủ nuôi con cái. May rằng, chúng tôi thường xuyên được chính quyền tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững; khuyến khích, động viên và hỗ trợ thiết thực bằng các hình thức vay vốn ưu đãi. Từ đó, tôi chủ động hơn trong phát triển kinh tế. Hơn thế, khi căn nhà xuống cấp, hư hỏng, chúng tôi cũng được hỗ trợ 70 triệu đồng để xây dựng nhà ở kiên cố. Bởi vậy, trong đợt bình xét hộ nghèo, cận nghèo năm ngoái, gia đình tôi đã thoát nghèo, đời sống ổn định hơn.
Nhờ được kịp thời hỗ trợ, gia đình ông Phan Xuân Tường (xã Hương Thủy) đã vươn lên thoát nghèo. Cùng với Hương Thủy, tất cả các xã trên địa bàn huyện Hương Khê đều nỗ lực thực hiện tiêu chí giảm nghèo trong xây dựng NTM và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Đến nay, toàn huyện còn 874 hộ nghèo, tỷ lệ 2,82%; 1.030 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3,33% %; tỷ lệ nghèo đa chiều (sau khi trừ số hộ nghèo không có khả năng lao động, chủ yếu là những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn) là 2,36% (tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 0,65%, tỷ lệ hộ cận nghèo đa chiều 1,71%).
Hương Khê thực hiện có hiệu quả chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm và các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, Hương Khê tập trung thực hiện có hiệu quả chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm và các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình NTM. Trong đó, đã tổ chức trên 80 cuộc hội nghị tư vấn việc làm, ngành nghề đào tạo, phiên sàn giao dịch việc làm với gần 40.150 lượt người tham gia.
Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo đề án 1956 (Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ năm 2009 về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”) và chương trình NTM, địa phương đã mở 52 lớp đào tạo nghề cho 1.820 lao động. Người lao động sau khi được đào tạo đã đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, hiểu biết về chuyên môn, biết cách tổ chức quản lý, điều hành; chủ động thành lập tổ hợp tác, HTX, tạo việc làm tại chỗ… nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, xây dựng NTM.
Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trở thành một trong những điểm sáng trong chương trình giảm nghèo, chương trình xây dựng NTM. Cùng đó, chương trình tín dụng chính sách xã hội đã tích cực góp phần vào việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Từ nguồn vốn vay, các hộ gia đình đã mạnh dạn mở rộng diện tích đất sản xuất mà trước đây bỏ hoang, tăng cường phát triển với đa dạng các loại hình chăn nuôi, sản xuất; xây dựng, chỉnh trang chuồng trại đảm bảo để mua con giống chăn nuôi gồm gia súc như hươu, dê, trâu, bò, lợn và gia cầm (gà, vịt), trồng cây ăn quả có múi (cam Khe Mây, bưởi Phúc Trạch), trồng cây lâm nghiệp như keo tràm, cây gió trầm…
Ngoài ra, các hộ còn sử dụng nguồn vốn vay để mua các loại phân bón, thức ăn hoặc đi làm thủ tục xuất khẩu lao động,… Đến nay, các đơn vị đã cho 1.720 lượt người vay vốn với số tiền 143 tỷ đồng.
Hương Khê tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện có hiệu quả các tiêu chí NTM, nâng cao, kiểu mẫu thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội. Theo ông Nguyễn Trọng Vỹ - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hương Khê, thời gian qua, cùng với việc tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở, huyện đã thực hiện linh hoạt, hiệu quả các hình thức thông tin, tuyên truyền. Qua đó, góp phần đưa chính sách thực sự đi vào đời sống. Thời gian tới, Hương Khê sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực các trung tâm dịch vụ việc làm, hỗ trợ tổ chức các sàn giao dịch việc làm, phát triển mạng thông tin việc làm; xây dựng cơ chế, chính sách để định hướng, quản lý dịch chuyển lao động theo địa bàn, đảm bảo có cơ cấu phân bổ lao động, việc làm hợp lý.
Cùng với đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, các nhóm lao động yếu thế.
Đồng thời, thực hiện sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở linh hoạt, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, ưu tiên phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục; tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện có hiệu quả các tiêu chí NTM, nâng cao, kiểu mẫu thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội.
Dương Chiến