Link nguồn bài viết https://baohatinh.vn/giam-chi-tieu-xet-tuyen-som-nhieu-hoc-sinh-ha-tinh-thay-doi-ke-hoach-on-tap-post280492.html
Truy cập link gốc
Theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 của Bộ GD&ĐT, việc các cơ sở giáo dục đại học sẽ chỉ được phép tuyển sinh sớm 20% được xem là một điểm mới nhằm hạn chế xét tuyển sớm, tăng tính công bằng trong tuyển sinh. Trước thông tin này, nhiều thí sinh có dự định xét tuyển đại học sớm ở Hà Tĩnh đã bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng.
Giáo viên, học sinh Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) tăng cường ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Em Lê Bảo Hà - học sinh lớp 12A2 Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Em đã rất nỗ lực trong học tập để có kết quả học bạ tốt nhất, đầu tư thời gian học và đã đạt IELTS 6.5. Tuy nhiên, thông tin về việc siết chặt chỉ tiêu xét tuyển sớm đại học cũng đã làm thay đổi kế hoạch ôn thi cũng như chiến lược đăng ký nguyện vọng của em. Theo đó, thời gian tới, ngoài tập trung ôn luyện cho kỳ thi năng lực, em sẽ phải cố gắng nhiều hơn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 để tăng cơ hội trúng tuyển”.
Cùng chung tâm trạng lo lắng, em Nguyễn Thị Như Hoa - học sinh lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Thạch Hà) cho biết: “Mong ước của em là được xét tuyển vào Học viện Kỹ thuật quân sự. Để thực hiện nguyện vọng này, em đã chuẩn bị từ rất lâu, đặc biệt là ôn tập kiến thức để thi đánh giá năng lực vào tháng 3 tới. Thế nhưng, thông tin giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm ở mức 20% có thể khiến điểm chuẩn của những phương thức xét tuyển tăng lên, sự cạnh tranh ở các thí sinh cũng sẽ khốc liệt hơn nên em cảm thấy áp lực và lo lắng. Vì thế, ngoài tập trung ôn thi năng lực, em cũng sẽ dành nhiều thời gian ôn tập kiến thức các môn trong khối mình lựa chọn để sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT”.
Giờ học của giáo viên, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Thạch Hà). Bên cạnh những nỗi lo về sự gia tăng tính cạnh tranh, sự áp lực trong việc xét tuyển sớm vào đại học, nhiều học sinh ở Hà Tĩnh cũng cho rằng, giảm chỉ tiêu xét tuyển sớm là tín hiệu tích cực, tạo nên không khí, động lực học tập cho học sinh ở khối 12.
Em Nguyễn Văn Tiến - học sinh lớp 12A Trường THPT Lê Quý Đôn (Thạch Hà) cho biết: “Theo dõi các kỳ thi tuyển sinh vào đại học trước đây, em thấy nhiều anh chị đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng vẫn không thể đậu vào các nguyện vọng 1, 2 mà mình mơ ước. Bởi lý do kết quả tuyển sinh sớm đã hạn chế số lượng tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi THPT vào những chuyên ngành “hot” ở những trường top đầu. Vì thế, việc hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh sớm sẽ tạo nên một mặt bằng đồng đều, rộng mở cơ hội cạnh tranh cho các thí sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT”.
Giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng bám sát ma trận đề thi để ôn tập cho học sinh. Trước những thay đổi về công tác tuyển sinh đại học trong năm học này, các trường THPT trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đang tạo mọi điều kiện tốt nhất để chuẩn bị kiến thức cho học sinh 12 trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tại Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) – một trong những trường ở vùng trung tâm có tỷ lệ học sinh nguyện vọng tuyển sinh sớm cao, việc dạy học cũng đang được chú trọng phân nhóm đối tượng phù hợp với năng lực để nâng cao chất lượng.
Thầy Nguyễn Nam Thắng - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng cho biết: “Việc giới hạn chỉ tiêu, công bố kết quả xét tuyển muộn đã khiến nhiều em có nguyện vọng này băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, đây cũng là xu hướng phù hợp nhằm đảm bảo công bằng cho thí sinh ở các vùng miền, tạo không khí thi đua học tập nghiêm túc trong các lớp cuối cấp. Thế nên, cùng với việc tạo điều kiện cho các em tích lũy kiến thức chuẩn bị cho các kỳ thi đánh giá tư duy, năng lực, chúng tôi cũng chú trọng bám sát ma trận đề thi, ôn tập kiến thức, chuẩn bị hành trang cho học sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT một cách tốt nhất”.
Giảm chỉ tiêu xét tuyển sớm là tín hiệu tích cực, tạo nên không khí, động lực học tập cho học sinh ở khối 12. Bày tỏ quan điểm về dự thảo của Bộ GD&ĐT liên quan đến xét tuyển sinh sớm đại học, nhiều giáo viên, học sinh ở các trường vùng nông thôn Hà Tĩnh đều cho rằng: Đây là một chủ trương phù hợp với xu thế. Việc giảm chỉ tiêu xét tuyển sớm sẽ tăng lợi thế hơn cho học trò vùng sâu, vùng xa, các bạn khó có điều kiện học các loại chứng chỉ SAT, IELTS, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm 20% buộc thí sinh phải tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, tạo sự công bằng.
Cô Đào Thị Phương Lan – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Trước đây, việc xét tuyển sớm ở các trường đại học tiến hành độc lập nên không thể dự đoán được thí sinh ảo. Điều này đã đẩy điểm trúng tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT lên rất cao, nhất là đối với nhiều trường, nhiều ngành có độ cạnh tranh lớn. Thực tế, đã có những thí sinh đỗ điểm cao gần như tuyệt đối mà vẫn không đậu nguyện vọng như mong muốn. Điều này là không công bằng về cơ hội cho các thí sinh có năng lực học tập tốt nhưng các em không có điều kiện tiếp cận với nhiều phương thức xét tuyển khác nhau”.
Vấn đề giới hạn xét tuyển sớm vào đại học đang được dư luận hết sức quan tâm. Nhiều cán bộ, giáo viên ở Hà Tĩnh cũng cho rằng, có thể năm đầu tiên áp dụng giảm chỉ tiêu xét tuyển sớm, công bố kết quả muộn hơn so với mọi năm sẽ làm tăng áp lực cho học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, đây cũng là cách làm hiệu quả tạo sự công bằng cho thí sinh các vùng, miền, tạo động lực thúc đẩy việc học tập của học sinh ở kỳ học cuối cùng năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT.
Anh Thư