Link nguồn bài viết https://baohatinh.vn/gia-gao-neo-cao-gay-kho-cho-nguoi-dan-va-co-so-che-bien-o-ha-tinh-post276473.html
Truy cập link gốc
Giá gạo bán lẻ trên thị trường trong năm 2024 tăng 1.000 -3.000 đồng/kg. Từ tháng 8/2023, giá gạo trong nước và tại Hà Tĩnh nói riêng đã trải qua đợt tăng "chóng mặt” khi chịu ảnh hưởng từ chính sách tạm dừng xuất khẩu gạo của các quốc gia Ấn Độ, Nga, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Trong năm 2024, giá các loại gạo tiếp tục tăng thêm từ 1.000 – 3.000 đồng/kg, trong đó, các loại gạo cao cấp, đóng túi 5 kg có mức tăng 2.000 – 3.000 đồng/kg.
Khảo sát trên thị trường, giá một số loại gạo bán lẻ hiện nay như: gạo Ngọc Mầm 38.000 đồng/kg; gạo ST25 thương hiệu Ông Cua 40.000 đồng/kg; gạo Xuyên Hương 20.000 đồng/kg; gạo Đài Thơm 8 giá 19.000 đồng/kg; gạo ST21 giá 26.000 đồng/kg; nếp tám thơm Thái Lan 25.000 đồng/kg; giá gạo trắng thông dụng từ 15 - 20.000 đồng/kg…
Ông Trần Hậu Cương – chủ cơ sở gạo Tâm Cương (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Thị trường gạo tại Hà Tĩnh chủ yếu phục vụ tiêu dùng của người dân và các cơ sở chế biến bún, bánh… Giá gạo ở Hà Tĩnh cũng như trong nước chịu tác động chính từ hoạt động xuất khẩu, ngoài ra còn chịu ảnh hưởng các yếu tố như chi phí vận chuyển, nguồn cung. Khi giá nhập vào tăng thì chúng tôi cũng phải điều chỉnh giá bán ra tăng theo. Trừ đợt tăng năm trước thì trong năm nay, giá các loại gạo tại cửa hàng cũng đã tăng khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg”.
Gạo có nhiều phân khúc giá, dao động từ 15 - 40.000 đồng/kg. Bà Trương Thị Cúc - chủ cơ sở kinh doanh gạo Cúc Kỳ (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Chúng tôi chuyên thu mua lúa gạo của các vùng trong tỉnh như Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc… và từ các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để bán lẻ cho người dân và bán buôn cho các cơ sở kinh doanh, cơ sở chế biến. Đợt tháng 8/2024 và đầu tháng 10/2024, giá gạo vừa được điều chỉnh tăng. Hiện nay, gạo ruộng chúng tôi bán lẻ giá 15.000 đồng/kg, một số loại gạo đóng túi như gạo ngon Cỏ May 18.000 đồng/kg, gạo Phù Sa Cỏ May 19.000 đồng/kg, gạo Mộc Sữa Cỏ Thơm 22.000 đồng/kg. Trước đây, cơ sở có bán gạo Ngọc Mầm nhưng sau đợt giá tăng cao, người mua ít nên chúng tôi không nhập về nữa”.
Gạo là mặt hàng lương thực thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá gạo cao và theo đà tăng khiến người tiêu dùng, các cơ sở, doanh nghiệp chế biến sản phẩm làm từ gạo không khỏi lo lắng khi ảnh hưởng đến chi tiêu, giá thành sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Loan (phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh) bày tỏ: “Gia đình tôi thường sử dụng gạo Ngọc Mầm, trước đây túi gạo đóng gói loại 5 kg có giá 150.000 đồng, quá trình tăng dần lên 160.000 đồng, 175.000 đồng và mới đây tôi đã mua với giá 190.000 đồng. Dù đã quen ăn gạo này nhiều năm và đánh giá cao về độ ngon, dẻo nhưng thực sự là với giá hiện nay, tôi cũng đang tính toán chuyển sang sử dụng một số loại gạo khác có giá “mềm” hơn, ở mức 25 – 30.000 đồng/kg”.
Gạo bán lẻ trên thị trường Hà Tĩnh chủ yếu là gạo sản xuất trong tỉnh và nhập từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đối với các cơ sở sản xuất, chế biến bánh, bún, miến, bánh đa nem… sử dụng lượng gạo lớn thì việc tăng giá này càng gây thêm áp lực khi chi phí đầu vào bị đẩy cao. Chị Nguyễn Thị Phong – chủ cơ sở bún An Tâm (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Giá gạo tăng và neo ở mức cao đã trở thành nỗi lo của chúng tôi khi đây là chi phí đầu vào lớn nhất trong sản xuất. Từ đầu năm 2024 đến nay, giá gạo đã tăng 3 lần, hiện chúng tôi đang mua với mức giá 15.400 đồng/kg. Mỗi ngày chúng tôi sử dụng đến 2,5 tạ gạo để làm bún, do vậy giá gạo lên, kéo giá thành sản xuất, chi phí đầu vào tăng theo”.
Giá gạo tăng và "neo" ở mức cao khiến các cơ sở chế biến sản phẩm từ gạo gặp khó khi giá thành sản xuất bị đội lên. Trong khi đó, cơ sở sản xuất miến gạo Hương Tâm (xã Việt Tiến, Thạch Hà) cũng gặp khó khi nguồn nguyên liệu chính là gạo lại tăng giá trong thời gian qua. Bà Tô Thị Hương – chủ cơ sở chia sẻ: “Trung bình mỗi tháng, chúng tôi tiêu thụ 6 - 7 tấn gạo Khang Dân để sản xuất miến. Giai đoạn đầu năm, giá gạo chỉ mới 13.000 đồng/kg nhưng đến nay tăng dần lên 16.000 đồng/kg. Mỗi kg gạo chỉ tăng vài nghìn đồng, nghe có vẻ không nhiều nhưng với khối lượng gạo mà chúng tôi sử dụng, tính ra chênh lệch do giá tăng là rất lớn. Tới đây vào mùa cao điểm sản xuất để phục vụ thị trường cuối năm và tết, tôi hi vọng giá gạo không có đợt tăng nào nữa để giảm bớt gánh nặng”.
Theo các chủ cơ sở, giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi thành phẩm bán ra phải giữ mức giá cạnh tranh với thị trường để “giữ khách” nên không thể tăng. Để cân đối việc sản xuất, các cơ sở phải chấp nhận giảm lợi nhuận và tính toán giảm chi phí từ các yếu tố đầu vào khác. Các chủ cơ sở kỳ vọng giá gạo sẽ không biến động tăng trong thời gian tới để giữ ổn định sản xuất.
Ngọc Khánh - Thái Oanh