Link nguồn bài viết https://giaoducthoidai.vn/di-ve-xu-tram-huong-post715411.html
Truy cập link gốc
Cây dó trầm được trồng phổ biến trong các hộ dân tại xã Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh).Mùi hương quyện trong không khí, vướng vít trên quần áo rồi len lỏi vào khứu giác. Đó cũng là đặc ân của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất “mùa Đông trời buốt giá, mùa Hạ nắng cháy da” này.
Đục dó tìm trầmPhúc Trạch không chỉ có giống bưởi ngon nức tiếng xa gần mà còn được mệnh danh là thủ phủ của dó trầm. Nhiều năm nay, loại cây này mang lại nguồn thu nhập “khủng” cho người dân trong vùng.
Chạy xe dọc đường 15A đi qua xã Phúc Trạch, không khó bắt gặp những vườn cây dó trầm xanh mát, vút thẳng lên trời. Nhiều cây chỉ tầm 5 - 7 năm, những có những cây cũng đã ngót gần 3 thập kỷ bền bỉ trên mảnh đất này.
Là loại cây quý, nổi tiếng ở Hương Khê, nhưng trước đây, người dân chỉ coi dó trầm là cây gỗ bình thường. Cây dó trầm lớn lên được người dân chặt bỏ để làm nhà cửa. Cách đây khoảng 30 năm, từ một làn sóng mua trầm của các thương lái ngoại tỉnh, người dân Phúc Trạch dần nhận biết được giá trị của loại cây này.
Từ đó, cây trầm dó dần phủ kín diện tích các khu vườn, đồi của người dân trong vùng. Nghề đục dó tìm trầm ở xã Phúc Trạch cũng từ đó bắt đầu phát triển.
Cụ Đinh Công Ánh (94 tuổi) một trong những người đầu tiên đưa nghề 'đục dó tìm trầm' tại Phúc Trạch. Cụ Đinh Công Ánh (94 tuổi, trú tại thôn 1 xã Phúc Trạch) - là một trong những người đầu tiên mang nghề đục dó tìm trầm về Phúc Trạch. Vào ngưỡng gần 100 tuổi, song cụ Ánh vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Dù đã “giải nghệ” nhưng quy cách “đục dó tìm trầm” luôn nằm lòng trong trí nhớ cụ.
Với chiếc đục, xổ, đôi tay của cụ từng nức tiếng xa gần bởi sự khéo léo và tỉ mỉ trong các công đoạn. Theo cụ Ánh, để lấy được trầm từ cây dó, thông thường phải qua nhiều công đoạn gồm: Đẽo phá, xổ phá, ép sát và xổ gạn (tỉa sạch). Trong đó xổ gạn là công đoạn khó nhất. Gạn cần nhất là sự dẻo dai của cổ tay và tinh mắt, chỉ cần thiếu tập trung hoặc lỡ tay là có thể “phạm”, làm hỏng, thất thoát trầm hương.
“Để lấy được trầm hương, người thợ phải kỳ công đục, tỉa, lần theo từng mạch dầu li ti nhằm lấy lõi trầm hương mỏng dính và thơm đặc trưng ẩn bên trong, trật tay là mất tiền... chục triệu như chơi”, cụ Ánh nói.
Từ cây dó trầm, thợ thủ công thực hiện các công đoạn đục vỏ cây và làm sạch để chọn ra phần trầm làm nguyên liệu chính. Sau đó, phần trầm được phơi khô, tạo ra các sản phẩm khác nhau. Đặc biệt đối với các mặt hàng mỹ nghệ, chế tác từ trầm được bán với giá rất cao. Còn cây trầm cảnh được chế tác từ dó trầm rẻ nhất cũng 10 triệu đồng, cây cao lớn, thế đẹp, nhiều dó có giá 50 - 100 triệu đồng, cây “gia bảo” có giá lên tới nửa tỷ đồng.
Những sản phẩm trầm khi hoàn thành, cụ Ánh gói ghém cẩn thận, đưa vào Nam, ra Bắc để bán. Có những khối trầm đặc, đạt chất lượng, cụ mang đi bán đổi lấy cả cây vàng về quê.
“Thiên nhiên ưu đãi cho Phúc Trạch một khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt để phát triển cây dó trầm. Trầm hương trong cây rất nhiều và thơm nhưng khi trồng tại các địa phương lân cận chất lượng lại không được như vậy. Điều này cũng làm nên giá trị và thương hiệu trầm hương Phúc Trạch”, cụ Ánh chia sẻ.
Gia đình ông Nguyễn Đức Cơ (75 tuổi, thôn 7) cũng có hơn 30 năm trồng cây dó trầm. Ông hiện có hơn 2.000 cây dó trầm trên diện tích rộng khoảng 0,6 ha với hàng trăm cây lớn nhỏ khác nhau. Cây lớn nhất có đường kính khoảng 35cm được định giá 40 triệu đồng, những cây khác nhỏ nhất giá không dưới 1 triệu đồng.
Theo ông Cơ, quá trình chăm sóc cây dó trầm cũng dễ hơn các loại cây khác. Từ tháng 4, tháng 10 cây dó trầm bắt đầu ra hoa kết trái. Hạt dó được ươm vào từng bầu. Khi cây bắt đầu bén rễ phát triển, chủ vườn sẽ bỏ bầu trồng ra đất với khoảng cách từ 1,5 - 2m.
Từ 7 - 10 năm trầm bắt đầu cho khai thác. Trầm tự nhiên được sản sinh từ vết thương trên cây dó trầm bị sâu đục thân. Những cây có trầm tự nhiên có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Tùy vào từng cây cho lượng trầm khác nhau.
Cây trầm càng lâu năm thì giá trị càng lớn, lượng dầu nhiều và đẹp hơn. Chỉ vào cây trầm lâu năm nhất trong vườn, ông Cơ cho biết, những phần thân sần sùi, gồ ghề có những vết nứt này là chỗ trầm tích tụ.
Còn đối với những cây không có dấu hiệu bị thương thì người dân phải tiến hành đục lỗ trên thân cây, tạo vết thương để có trầm. Khi cây trồng được khoảng 10 năm thì bắt đầu khoan, đục lỗ vào thân cây để tạo trầm.
Thời điểm thích hợp nhất để khoan tạo trầm là vào mùa Xuân, mùa Thu… khi tiết trời mát mẻ hoặc ấm áp. “Cái cây cũng giống như con người, khi bị thương cũng cần điều kiện, môi trường dưỡng thương tốt mới chóng lành được”, ông Cơ chia sẻ.
Không riêng nhà ông Cơ, sau nhiều năm, cây dó trầm trồng ở vùng đất Phúc Trạch đã phủ xanh nhiều vườn hộ, trở thành cây kinh tế chủ lực của địa phương. Theo thống kê, toàn xã Phúc Trạch hiện có 90% hộ dân trồng cây dó trầm. Theo người dân, nhờ phù hợp thổ nhưỡng mà lượng trầm hương trong cây ở đây rất nhiều và thơm trong khi nhiều vùng lân cận không có được.
Năm 2020, Hội Trầm hương Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng cây dó trầm tại xã Phúc Trạch xác định chất lượng cây và các sản phẩm trầm hương trên đất Hương Khê, đặc biệt là tại xã Phúc Trạch có chất lượng rất cao, “thuộc tốp đầu thế giới”.
Một số sản phẩm từ trầm hương. Để hương trầm bay xaKhông chỉ trồng dó, nghề khai thác, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây dó trầm cũng được hình thành. Nhiều sản phẩm như vòng trầm, hương trầm, cây cảnh đã được tạo ra mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Hiện nay, nhiều hộ gia đình trồng cây dó trầm với quy mô lớn tại Phúc Trạch đã thành lập các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến sản phẩm trầm hương, trầm nụ, trầm miếng, đồ thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao. Nhiều sản phẩm chế biến từ cây dó trầm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Hương trầm Đinh Gia đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao. Đây là cơ sở sản xuất hương trầm sử dụng nguyên liệu tự nhiên. Anh Nguyễn Chí Thành - chủ cơ sở hương trầm Đinh Gia cho biết, anh làm nghề chế tác trầm hương từ năm 2016.
Ngoài các cây gỗ trầm lớn được tạo hình để bán, anh Thành tận dụng những miếng gỗ nhỏ để làm hương trầm sạch, hương que, hương vòng, hương cuốn thủ công và trầm nụ. Trầm hương của cơ sở anh Thành không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn bán ra nhiều tỉnh thành trong cả nước.
“Đặc biệt, những năm qua việc xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ làng nghề trầm hương cũng đã được tỉnh Hà Tĩnh chú trọng. Nhờ đó các sản phẩm được làm từ trầm hương của huyện Hương Khê đã vươn mình ra thị trường lớn. Đó cũng là động lực để các cở sở sản xuất, chế biến trầm ngày càng nâng cao chất lượng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu”, anh Thành chia sẻ.
Chị Võ Thị Nga (thôn 8) - Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trầm hương Thọ Nga cho biết: Gia đình chị trồng dó trầm hơn 20 năm, nhưng bắt đầu chế tác thủ công từ trầm khoảng 10 năm lại đây. Nhận thấy nhu cầu về nhang trầm hương ngày càng cao, chị Nga đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại và quy trình sản xuất khép kín để nâng cao chất lượng cũng như sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Một cây trầm tự nhiên có tuổi đời hơn 30 năm của gia đình ông Nguyễn Văn Cơ. Một số sản phẩm chế tác mỹ nghệ từ trầm tự nhiên được định giá khoảng hơn 100 triệu/cây của cơ sở trầm hương Thọ Nga. Gia đình chị cũng là cơ sở trồng và kinh doanh trầm lớn nhất tại Hương Khê. Hiện, cơ sở có 8 công nhân, sản xuất đủ các chủng loại mặt hàng về trầm và xuất đi nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh. Gia đình chị có hơn 10 ha trầm dó với gần 20 nghìn cây, doanh thu từ khai thác và kinh doanh các mặt hàng trầm hằng năm khoảng vài tỷ đồng.
“Ngoài hương trầm, chúng tôi còn chế tác nhiều mặt hàng đa dạng như trầm nụ, vòng trầm, tinh dầu trầm, trầm miếng, sản phẩm mỹ nghệ… Tất cả các sản phẩm của cơ sở đều được làm từ 100% bột gỗ trầm hương tự nhiên hoặc vi sinh; đảm bảo sạch, chất lượng, an toàn cho sức khỏe người sử dụng nên được khách hàng tin dùng, đánh giá cao.
Năm 2023, qua đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, sản phẩm hương trầm cao cấp của chúng tôi đã tiếp tục được Hội đồng thẩm định đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá chuẩn 3 sao”, chị Nga thông tin.
Thời điểm này, cũng như các cơ sở sản xuất trầm hương ở xã Phúc Trạch, gia đình chị luôn tất bật sản xuất, chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu của khách hàng dịp Tết Ất Tỵ 2025.
Hiện nay, xã Phúc Trạch đã thành lập được làng nghề chế tác trầm hương với 50 hộ dân tham gia. Để nâng tầm sản phẩm chủ lực của từng địa phương, cùng với xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, hiện nay các cấp, ngành, hộ sản xuất kinh doanh trầm hương tại Phúc Trạch đã và đang tập trung quảng bá, giới thiệu các sản phẩm để các sản phẩm OCOP mang thương hiệu Hà Tĩnh tiếp tục vươn cao, vươn xa, khẳng định uy tín trên thị trường.
Ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết: “Cây dó trầm phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương và đem lại giá trị cao cho người dân. Thời gian qua huyện Hương Khê đã tập trung, chỉ đạo, đưa một số sản phẩm tham gia chương trình OCOP và được người tiêu dùng biết đến.
Hiện nay, chế tác cây trầm hương xã Phúc Trạch đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận làng nghề. Qua đó, tạo ra sự liên kết, cho ra chất lượng đồng đều, tạo ra thương hiệu cho dó trầm Phúc Trạch. Đồng thời, giúp người dân thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ trầm”.
Trên địa bàn huyện Hương Khê có 682,5ha diện tích cây dó trầm, trong đó tập trung chủ yếu tại xã Phúc Trạch với diện tích 350 ha. Với giá trị kinh tế cao, dó trầm giúp người dân Phúc Trạch phát triển kinh tế, trở thành một trong những cây trồng chủ lực làm giàu cho người dân địa phương.... Theo thống kê của UBND xã Phúc Trạch, thu nhập từ cây dó trầm của xã năm 2023 đạt 95 tỷ đồng.
Hồ Phương