Đánh thức tiềm năng kinh tế khu vực biên giới xứ Nghệ

14/12/2024 19:42
Việc được phép thực hiện mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới sẽ giúp tỉnh Nghệ An và nước bạn Lào mở ra nhiều cơ hội phát huy tiềm năng, lợi thế trong giao lưu thương mại, trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội.
Link nguồn bài viết
https://nguoiduatin.vn/danh-thuc-tiem-nang-kinh-te-khu-vuc-bien-gioi-xu-nghe-20424121418144457.htm
Truy cập link gốc
Thương mại biên giới chưa tương xứng với tiềm năng

Nghệ An có đường biên giới chung với nước bạn Lào dài nhất cả nước, hơn 468km; tiếp giáp với 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bô Ly Khăm Xay.

Trên tuyến cửa khẩu biên giới đất liền của Nghệ An với Lào có 1 cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn; 1 cửa khẩu chính Thanh Thủy; 3 cặp cửa khẩu phụ: Thông Thụ, Tam Hợp và Cao Vều.

Bên cạnh đó, Nghệ An hiện có 4 lối mở chủ yếu dành cho cư dân biên giới hai bên qua lại thăm thân, mua bán, trao đổi hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt suốt thời gian qua.

Chợ biên giới Nậm Cắn là nơi hội tụ, giao thương của những người dân ở khu vực biên giới. Ảnh: Nguyễn Việt.

Mặc dù vậy, đến nay, ngoại trừ Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn) được đầu tư khá bài bản, các khu vực khác giữa Nghệ An và nước bạn Lào còn nhiều hạn chế.

Ông Vi Văn Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, cho biết, năm 1994, trên cơ sở thống nhất giữa chính quyền hai huyện Kỳ Sơn và huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), chợ biên giới Nậm Cắn (hay còn được gọi bằng cái tên thân mật là chợ Đoàn kết) được tổ chức với mục đích thể hiện tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Lào, là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa của dân cư hai bên biên giới.

Chợ đã tạo thành một không gian ngày hội văn hóa đặc sắc nơi vùng cao giữa hai miền biên giới này. Ảnh: Nguyễn Việt.

Từ năm 2019 đến nay, tần suất chợ họp 4 lần/1 tháng, vào các ngày Chủ nhật. Thương nhân kinh doanh tại chợ chủ yếu là các hộ kinh doanh buôn bán hàng tạp hóa, mỹ nghệ, nông, lâm, hải sản... của nhân dân 2 bên biên giới. Tuy nhiên, số lượng và giá trị còn nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng biên.

"Việc phát triển thương mại biên giới giữa Nghệ An và các tỉnh của nước bạn Lào trong những năm qua còn nhiều khó khăn, thách thức. Trên thực tế, hàng hóa xuất, nhập khẩu giữa Nghệ An và Lào chủ yếu là hàng nông sản, vật liệu xây dựng,… những mặt hàng này có mức thu thuế thấp", Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn nói.

Các mặt hàng tại chợ vẫn chủ yếu là nông sản, sản vật núi rừng, cho đến vật nuôi, vải vóc,… Ảnh: Nguyễn Việt.

Nguyên nhân là do khoảng cách từ Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đến Viêng Chăn (Lào) và sang Thái Lan có khoảng cách trên 500km, nên các loại hàng hóa có giá trị xuất, nhập khẩu cao không về qua con đường này.

Thương mại vùng biên ở Nghệ An vẫn dựa vào nông nghiệp là chính, chưa có vùng sản xuất tập trung, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ.

Cùng với đó, hạ tầng công nghiệp, thương mại khu vực biên giới chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển, thiếu trung tâm logistics, kho hàng, chợ, trung tâm thương mại đều chưa hoạt động tốt.

Quyết định gỡ "nút thắt" về hạ tầng, thúc đẩy giao thương biên giới

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 3392/QĐ-UBND công bố danh mục cửa khẩu phụ Thông Thụ (xã Thông Thụ, huyện Quế Phong) được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới với nước bạn Lào.

Mặt hàng trao đổi, mua bán qua cửa khẩu phụ của thương nhân và cư dân được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-BCT và Thông tư số 02/2018/TT-BCT ngày 27/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Công thương và các quy định của Nhà nước có liên quan.

Cửa khẩu phụ Thông Thụ - Nặm Tảy được phép mua bán, trao đổi hàng hóa. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết, Thông Thụ là xã vùng cao biên giới, có hơn 33,7 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào.

Toàn xã có 8 bản với 1158 hộ, 5123 khẩu, phần đa là đồng bào dân tộc thiểu số. Phía Tây giáp cụm bản Viêng Phăn, huyện Xăm Tẩy, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Người dân ở khu vực giáp biên có quan hệ họ hàng, vì vậy vẫn thường xuyên qua lại biên giới thăm thân, giao lưu.

"Việc UBND tỉnh chính thức cho phép mua bán, trao đổi hàng hóa được kỳ vọng sẽ thổi "làn gió mát" vào hoạt động thương mại biên giới nơi cửa khẩu Thông Thu, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, và hơn cả là tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", Phó Chủ tịch huyện nói.

Hội nghị song phương giữa đoàn liên ngành hai tỉnh Hủa Phăn – Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Việt.

Trước đó, vào ngày 26/6, tại Tp. Vinh, tỉnh Nghệ An và tỉnh Hủa Phăn đã tổ chức hội nghị song phương giữa đoàn liên ngành hai tỉnh Hủa Phăn – Nghệ An để trao đổi, thống nhất danh mục các loại giấy tờ có giá trị khi người, phương tiện và hàng hóa qua lại cửa khẩu phụ Thông Thụ - Nậm Tạy.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh bày tỏ, việc trao đổi để thống nhất về danh mục các loại giấy tờ phải có khi người, phương tiện và hàng hóa qua lại cửa khẩu phụ Thông Thụ - Nậm Tạy góp phần hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng giữa 2 tỉnh Nghệ An – Hủa Phăn nói riêng và Việt Nam – Lào nói chung.

Lãnh đạo ký kết biên bản thống nhất danh mục các loại giấy tờ có giá trị khi người, phương tiện và hàng hóa qua lại cửa khẩu phụ Thông Thụ - Nậm Tạy. Ảnh: Nguyễn Việt.

Đặc biệt, khi hệ thống giao thông đi lại thuận lợi, hàng hóa của tỉnh Hủa Phăn sẽ đến được các tỉnh, thành của Việt Nam và ra thế giới được thuận lợi hơn. Sau khi cửa khẩu phụ Thông Thụ - Nậm Tạy đi vào hoạt động thì 2 tỉnh sẽ đề nghị Chính phủ hai nước nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế.

Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ký, ban hành Quyết định số 2618/QĐ-UBND ngày 4/10/2024, với nội dung Cửa khẩu Thanh Thủy (xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương) được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Nguyễn Anh Ngọc