Link nguồn bài viết https://daibieunhandan.vn/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-la-de-tinh-gon-bo-may-hoat-dong-hieu-luc-hieu-qua-phuc-vu-nguoi-dan-post396328.html
Truy cập link gốc
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển Sáng nay, 14.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển Giảm một đơn vị hành chính cấp huyện, 161 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếpTrình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp, thành lập đối với 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 361 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 5 đơn vị hành chính cấp huyện và 200 đơn vị hành chính cấp xã mới của 12 tỉnh, thành phố. Sau sắp xếp, giảm một đơn vị hành chính cấp huyện và 161 đơn vị hành chính cấp xã.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển Có 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị) đề nghị không thực hiện sắp xếp 8 đơn vị hành chính cấp huyện.
Có 9 tỉnh, thành phố (Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP. Hồ chí Minh, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc) đề nghị không thực hiện sắp xếp 258 đơn vị hành chính cấp xã.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Lâm Hiển Về tiêu chuẩn loại đô thị; cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng đô thị, có 3/5 đơn vị hành chính cấp huyện và 104/200 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp là đơn vị hành chính đô thị (gồm: 1 thành phố thuộc tỉnh, 2 thị xã, 14 thị trấn và 90 phường). Các thành phố, thị xã, phường, thị trấn hình thành mới sau sắp xếp, thành lập đã bảo đảm hoặc có cam kết bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị theo quy định.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành phố như Chính phủ trình.
Về cơ bản, các đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp đều được Chính phủ, chính quyền địa phương cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để xây dựng phương án sắp xếp hoặc có giải trình cụ thể. Qua đó, đã đề xuất thực hiện sắp xếp đối với một số lượng lớn các đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025, kết hợp với việc sắp xếp, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính khác trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Lâm Hiển Về dự thảo các Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý cách thể hiện, chuẩn hóa thông tin, số liệu liên quan trong dự thảo Nghị quyết để bảo đảm chính xác và thống nhất.
Đồng thời, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ và chính quyền địa phương, đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của các Nghị quyết là từ ngày 1.1.2025, riêng đối với Nghị quyết của Sơn La là từ ngày 1.2.2025 để tạo điều kiện cho địa phương trong công tác chuẩn bị, kiện toàn tổ chức bộ máy, thay đổi con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
Sắp xếp phải cơ bản phù hợp với quy hoạch có liên quanPhát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhất trí với các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; phương án sắp xếp, kiện toàn bộ máy; đánh giá cao Bộ Nội vụ, Ủy ban Pháp luật thời gian qua đã tích cực đôn đốc, nhắc nhở các địa phương còn lại, tiến hành một cách bài bản, chặt chẽ, công phu, kỹ lưỡng.
Cho biết đây là đợt thứ 3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đối với các địa phương chưa hoàn thành sắp xếp trong 2 đợt trước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố nghiêm túc rút kinh nghiệm, đó là khi đã có chủ trương của Đảng, có Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, nhưng các địa phương tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính còn chậm. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành Nghị quyết, các địa phương phải khẩn trương triển khai thực hiện.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển Chủ tịch Quốc lưu ý, việc sắp xếp phải cơ bản phù hợp với quy hoạch có liên quan; bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn loại đơn vị hành chính tương ứng, đáp ứng yêu cầu về sắp xếp theo quy định tại các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với 5 đơn vị cấp huyện hình thành sau sắp xếp tại TP. Hà Tĩnh thuộc tỉnh Hà Tĩnh, các cơ quan chuyên môn của Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ mức độ đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại 2, nhất là về diện tích. Chính phủ thực hiện tiến độ hoàn thành việc đánh giá công nhận đô thị này trước ngày 31.12.2024. Đây là vấn đề có tính chất quyết định trong việc tiến hành sắp xếp.
Trong 200 đơn vị hành chính cấp xã, có 92 đơn vị thuộc 7 tỉnh, thành phố chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số theo quy định hoặc việc hình thành đơn vị hành chính đô thị chưa bảo đảm tiêu chuẩn, hồ sơ theo quy định.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh, thành phố khẩn trương phối hợp rà soát lại lần nữa các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; thống nhất chỉ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội các phương án bảo đảm đáp ứng yêu cầu nêu trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển Đối với các phương án có liên quan trực tiếp đến việc sắp xếp đơn vị hành chính của giai đoạn 2026 - 2030; các phương án chưa đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn và được yêu cầu cân nhắc điều chỉnh thêm, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tạm thời chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm cho sự tiếp nối của giai đoạn. Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp cho phù hợp, rõ lộ trình để hoàn thiện tiêu chuẩn, điều kiện cần thiết. Dứt điểm không để xảy ra trường hợp khi xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2026 - 2030 lại gặp khó khăn không thể chấp nhận điều chỉnh với đơn vị hành chính liền kề.
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, hiện nay ở cấp Trung ương đã có kết luận của Bộ Chính trị, thành lập Ban chỉ đạo, có kế hoạch sắp xếp ở Trung ương. "Tới đây Trung ương như thế nào thì địa phương sẽ như thế đó. Chúng ta phải thừa nhận là bộ máy hành chính của chúng ta rất cồng kềnh qua nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa thể sắp xếp được”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, phải tạo được nhận thức rằng, đây là việc hết sức quan trọng, quán triệt trong cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Đồng thời, phải tuyên truyền mạnh mẽ trong Nhân dân về việc sắp xếp đơn vị hành chính để người dân hiểu mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính là để tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ cho người dân. Mục tiêu cuối cùng là mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân; đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện, nâng lên. Bên cạnh đó, phải ổn định các hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn, không xáo trộn lớn; làm công tác tư tưởng đối với những cán bộ dôi dư sau sắp xếp.
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển Về sắp xếp trụ sở cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan điểm "không để lãng phí". Đồng thời, chú trọng giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cán bộ và Nhân dân qua đợt sắp xếp này, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính.
Đối với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội tiến hành sắp xếp giảm được nhiều đơn vị hành chính thì mọi mặt công tác chuẩn bị trước và trong sắp xếp phải hết sức lưu ý, bảo đảm thực chất, phù hợp, hiệu quả, tạo sự phấn khởi, ổn định chung.
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ và cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trong việc xây dựng các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Đồng thời, hoan nghênh tinh thần làm việc trách nhiệm, khẩn trương của Ủy ban Pháp luật phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo thẩm tra kỹ lưỡng, đầy đủ thông tin.
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển Qua các hồ sơ cho thấy, việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo các đề án như Chính phủ trình và hồ sơ thẩm tra bảo đảm đúng quy định, đúng trình tự, thủ tục. Các đơn vị hành chính thuộc diện bắt buộc sắp xếp nhưng đề nghị chưa sắp xếp do cơ cấu đặc thù và các đơn vị hành chính sau sắp xếp chưa bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và không thể tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính liền kề đã được Chính phủ, chính quyền địa phương giải trình theo quy định.
Phó Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến tại phiên họp, có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua 12 dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc với 100% số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành.
Minh Trang