Chàng trai Việt, từ người làm thuê trở thành đối tác kinh doanh

13/01/2025 07:06
Đào Ngọc Hùng sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, khó khăn tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 2005, Hùng tốt nghiệp THPT. Trong lúc loay hoay tìm định hướng cho tương lai, Hùng tình cờ gặp một người hàng xóm đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc với mức lương hấp dẫn.
Link nguồn bài viết
https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chang-trai-viet-tu-nguoi-lam-thue-tro-thanh-doi-tac-kinh-doanh-811197
Truy cập link gốc
Hùng quyết định đi học tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, hy vọng được sang Hàn Quốc làm việc. Vốn thông minh lại chịu khó, Hùng luôn giữ vững danh hiệu học sinh xuất sắc trong suốt hai năm học và vượt qua hai lần thi EPS với số điểm gần như tuyệt đối.

“Cuối năm 2008, tôi đặt chân đến Hàn Quốc, mang theo sự kỳ vọng có thể thay đổi kinh tế của gia đình. Nơi đầu tiên mà tôi làm việc là một công ty tư nhân sản xuất tấm nệm lò xo tại thành phố Pocheon, tỉnh Gyeonggi.

Đào Ngọc Hùng nhận giải Nhì Cuộc thi “Lao động EPS về nước lập nghiệp thành công” năm 2024.

Những ngày đầu mới sang, dù đã chuẩn bị trước về tiếng Hàn nhưng tôi vẫn gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp.

Vì thế, hằng tuần, tôi vẫn quyết tâm đi học tiếng Hàn miễn phí tại Trung tâm hỗ trợ người lao động ở Uijeongbu. Trung tâm cách nơi tôi ở hơn 2 tiếng đi xe buýt”, Đào Ngọc Hùng tâm sự.

Những năm 2008, 2009, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên Hùng phải đổi nhiều công việc. Cuối cùng, Hùng xin được vào công ty Wooil-chuyên sản xuất tấm tản nhiệt điều hòa xe ô tô Volvo tại phía Nam tỉnh Jeolla, nơi anh dần khẳng định năng lực của bản thân.

“Sau một thời gian làm việc, tôi đã thấy sự bất cập trong vận hành máy tại công ty. Vì cần phải nâng những khối hàng nặng lên tới 150kg, công ty đã đầu tư trang thiết bị máy móc, trị giá mỗi máy khi đó là 15.000.000 won.

Khi dùng máy vẫn phải cần tới 2 nhân công bê vác, gây tốn thời gian và sức lực. Bằng kiến thức đã học tại trường, tôi đã cải tiến thành công máy nâng, giúp công ty giảm bớt sức lao động, tăng năng suất công việc gấp 2 lần. Lúc đó, tôi rất vui vì không chỉ đóng góp được công sức cho công ty mà còn cho họ thấy người lao động Việt Nam không chỉ cần cù, chịu khó mà còn sáng tạo và có trình độ”, Hùng nhớ lại.

Trở về nước năm 2014, tới tháng 4-2015, Đào Ngọc Hùng quay lại làm việc tại công ty cũ ở Hàn Quốc, chuyển đổi thành công từ visa cho người lao động thành visa E7-Visa lao động kỹ sư.

Đến tháng 7-2022, Hùng tiếp tục đổi sang visa D8-Visa dành cho nhà đầu tư. Anh thành lập Công ty Cổ phần Thương mại KN, cung cấp dịch vụ liên quan đến thiết bị âm thanh Hàn Quốc, đúng với chuyên ngành Hùng từng theo học. Sau đó, Hùng mở thêm cửa hàng Kim Ngân Mobile-chuyên về sim số, mua bán và bảo hành điện thoại cho người Việt Nam tại Hàn Quốc.

Hiện tại, anh vừa quản lý kinh doanh, vừa học liên thông đại học-thạc sĩ, đồng thời mở trung tâm tư vấn du học Hàn Quốc tại Nghệ An, hỗ trợ hàng trăm học sinh thực hiện ước mơ du học ở xứ sở kim chi.

Năm 2023, anh đưa đoàn tình nguyện từ Hàn Quốc về huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, ủng hộ 300 xe đạp cho người có hoàn cảnh khó khăn và khám, chữa bệnh miễn phí cho hơn 2.000 người dân với kinh phí hơn 3 tỷ đồng.

Trong ngày nhận giải Nhì Cuộc thi “Lao động EPS về nước lập nghiệp thành công” năm 2024 do Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Văn phòng đại diện HRD Korea tại Việt Nam tổ chức, Đào Ngọc Hùng chia sẻ: “Chương trình lao động EPS đã thay đổi cuộc đời tôi, giúp tôi xây dựng nhà cửa khang trang cho bố mẹ và phát triển 4 cơ sở kinh doanh tại Việt Nam và Hàn Quốc. Từ kinh nghiệm của mình, tôi tin rằng, nếu muốn thành công không có con đường nào khác là không ngừng nỗ lực”.

Bài và ảnh: DIỆP CHÂU