Link nguồn bài viết https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/chang-hoc-vien-chinh-tri-ben-duyen-van-chuong-809063
Truy cập link gốc
Lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, bố mất khi Hoàng mới 3 tuổi. Làm thuê, cuốc mướn vất vả mưu sinh, mẹ tảo tần nuôi hai anh em Hoàng ăn học. Có lẽ gánh nặng cuộc sống của mẹ cùng niềm khao khát tình cảm gia đình trọn vẹn đã sớm hình thành cho chàng trai này đức tính cần cù, chăm chỉ, tâm hồn đa cảm với cái nhìn sâu sắc về cuộc đời. Với khát vọng vươn lên, Hoàng không ngừng nỗ lực trong học tập. Tình yêu nghệ thuật, năng khiếu cảm thụ, sáng tác văn chương cũng sớm bộc lộ.
Những ngày học phổ thông, học ở trường huyện, Trần Việt Hoàng luôn cần cù, chăm chỉ, trở thành cậu học trò xuất sắc. Tham gia kỳ thi học sinh giỏi các cấp, Trần Việt Hoàng đã gặt hái nhiều thành tích đáng kể, mang vinh dự về cho ngôi trường quê mà em theo học.
Trong số các môn học, nam sinh ấy có sở thích và dành tình cảm đặc biệt với môn Ngữ văn. Hoàn cảnh gia đình không như nhiều bạn khác, ở trường huyện điều kiện học tập khó khăn, Hoàng say mê tự học, tìm tòi sách báo để đọc, để không ngừng nâng cao kiến thức. Cậu học trò ấy đã khẳng định được năng lực của mình khi tham gia vào các kỳ thi Ngữ văn để gặt hái được những thành tích nổi bật tại tỉnh Hà Tĩnh: Giải nhất kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 10, lớp 11; rồi hai lần đoạt giải nhất học sinh giỏi tỉnh lớp 12 (khi đang học lớp 11 và năm lớp 12) và đoạt giải ba trong kỳ thi học sinh giỏi môn Văn cấp Quốc gia năm 2020.
Hoàng tâm sự: “Những bài thơ, những truyện ngắn và tiểu thuyết viết về chiến tranh, về người lính cách mạng luôn làm tôi xúc động. Tình yêu màu áo bộ đội đến với tôi khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông”. Tốt nghiệp THPT, Hoàng trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Chính trị. Hiện chàng trai ấy đang là học viên năm cuối lớp CT26D, Đại đội 26, Tiểu đoàn 9.
Học viên Trần Việt Hoàng. Được đào tạo trong môi trường quân ngũ, Hoàng luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình để không ngừng tôi luyện vững vàng, ngày một trưởng thành hơn để sau này trở thành chính trị viên giỏi, góp phần phát huy vẻ đẹp truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Dù bận rộn việc học và rèn luyện, song ngọn lửa của niềm đam mê văn chương luôn âm ỉ và rực cháy trong tâm hồn Trần Việt Hoàng. Trong môi trường quân ngũ, người sinh viên áo lính vừa học tập, rèn luyện, đáp ứng mục tiêu yêu cầu đào tạo của nhà trường, vừa dành cho mình khoảng bình yên và xao động, cảm xúc thăng hoa để miệt mài trong miền sáng tạo. Tâm hồn đó thật đẹp!
Sau những giờ huấn luyện, người lính trẻ ấy thường dành cho mình một sự bình thản và tĩnh lặng cần thiết để viết văn, làm thơ... Với sức viết dồi dào, tác phẩm của Hoàng được đăng tải trên nhiều trang báo, tạp chí trung ương và địa phương như: Báo Văn nghệ; Báo Hà Tĩnh, Báo Nghệ An, Báo Đà Nẵng, Báo Thanh Hóa...; Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Tạp chí Người Hà Nội; Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Hồng Lĩnh...
Hành trình thắp lửa niềm đam mê trên cánh đồng chữ nghĩa, chàng học viên đã gặt hái được những thành công bước đầu. Chùm thơ “Đêm thao trường” và “Ngày tưởng tượng” của Việt Hoàng đã được trao giải “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2023 của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Chùm ba bài thơ “Mùa sen bên thành”; “Thăm lại”, “Khúc rừng” được Tạp chí Sông Hương trao tặng giải thưởng “Tác phẩm hay năm 2024”. Đó là quả ngọt đầu mùa tiếp thêm động lực để người lính trẻ có tâm hồn lãng mạn ấy tiếp bước trên chặng đường kiến tạo gương mặt nghệ thuật của mình giữa bộn bề cuộc sống.
Dường như chỉ khi để hồn mình lắng lại trong khoảng không, trong nỗi suy tư, đồng vọng, trong sự nghĩ suy đầy trách nhiệm với cuộc đời là lúc Trần Việt Hoàng tìm lại được, sống thực với chính mình. Bởi lẽ, những ngày tháng chưa xa về một miền yêu dấu, về những tươi xanh của thanh xuân rực sáng vẫn cứ trầm âm và vang vọng trong trái tim người lính trẻ. Tập thơ “Ngày chưa sương vội” (NXB Hội Nhà văn) của Trần Việt Hoàng vừa ra mắt là một minh chứng tuyệt đẹp cho niềm đam mê và khát vọng đi tìm cái đẹp không mệt mỏi của chàng học viên mang quân phục ấy.
Tuổi thanh xuân trong môi trường quân ngũ, chàng học viên duyên nợ với thơ ca trong tình yêu cuộc đời mênh mang sâu thẳm. Là một chính trị viên tương lai, vì thế qua văn chương mang tiếng nói tư tưởng, tâm hồn đến con người nói chung, người chiến sĩ nói riêng là điều có ý nghĩa. Đó cũng là động lực để người lính trẻ không ngừng sáng tác.
Bìa tập thơ mới của Trần Việt Hoàng. Trần Việt Hoàng tâm sự: "Như một kết nối tự nhiên, chính những cảm nhận và rung động sâu sắc trong những năm tháng quân ngũ đầu tiên đã thôi thúc em tìm đến thơ ca. Thực tiễn huấn luyện, công tác và những khoảng thời gian thực tập ở đơn vị cơ sở cùng với những tích lũy của bản thân, đã giúp em hiểu hơn về những khó khăn, gian khổ mà đặc biệt là những vẻ đẹp của người lính thời bình toát lên trên nền hiện thực ấy. Em muốn dùng ngòi bút của mình để phản ánh và thể hiện một cách sinh động những vẻ đẹp của người chiến sĩ hôm nay vào thơ, như cách để hiểu hơn về quá khứ, về đồng đội, và về chính con đường mình đang đi”.
Đất nước, quê hương và đặc biệt là hình ảnh người lính trở đi trở lại trong trang viết của Trần Việt Hoàng. “Có một đặc trưng quá trình sáng tạo, ấy là người viết có thể viết rất nhiều đề tài khác nhau. Em cũng đã thử sức mình vào nhiều đề tài nhưng trong sáng tác em vẫn luôn trăn trở về đề tài người lính. Cảm hứng thơ vì vậy thường đến rất tự nhiên, nó thôi thúc em viết. Mỗi bài thơ em luôn xem như là những lời tri ân chân thành đối với những hy sinh lặng thầm của họ trong đời sống hôm nay. Đó thực sự là một mạch nguồn âu cũng là trách nhiệm của một người viết trẻ trong quân đội!”-chàng học viên ấy chia sẻ.
Thơ Hoàng đau đáu về quê mẹ thân thương: "Người mẹ gắn đời mình/ mùa vàng lên ý nghĩ/ câu ví dặm gọi chiều/ mặt nước đồng soi bóng bao năm" (tập thơ "Ngày chưa sương vội"). Rồi Hoàng viết về núi rừng, biên ải; về phố xá, về âm vang lịch sử hào hùng của dân tộc. Tôi thật sự xúc động khi đọc "Viết ở Đồng Lộc" của Việt Hoàng. Những dòng thơ cứ da diết, bâng khuâng trong cõi nhớ. Lời thơ khắc khoải niềm hoài niệm: "
Đi đến từ mùa đông/ ngực cây Đồng Lộc suốt bao năm nhóm lửa/ những khoảng trống cháy rực/ tàn tro không vụn vỡ/ ô sắc hồn liệt nữ ngát thơm. Còn ở "
Đêm thao trường", với tâm thức của một người trẻ, chàng trai ấy “kể”: "
đêm ở thao trường/ sương tự tình trên vai người chiến sĩ," ngẫm về thế hệ ông cha bằng những vần thơ nhẹ nhàng mà lắng đọng nỗi suy tư, hàm chứa sự kết nối của dòng chảy thời gian quá khứ - hiện tại..
Dù viết về đề tài nào, những vần thơ của Trần Việt Hoàng vẫn cứ thủ thỉ, đọc lên có cảm giác như tan vào trong gió, trong sương; cứ phiêu linh, bồng bềnh. Nỗi nhớ, niềm thương, dòng hoài niệm… cứ thế nối nhau trở thành bình minh và lửa ấm. Với sức trẻ và bầu nhiệt huyết tuổi thanh xuân, dù đi qua bao nhọc nhằn cuộc sống, hồn thơ ấy vẫn cứ hy vọng "
cuối mùa ấm lên mây".Tình yêu quê hương, đất nước, lòng biết ơn người mẹ nơi quê nhà Hà Tĩnh... lại càng thôi thức chàng sinh viên mặc áo lính vươn lên, mong muốn mai này có thật nhiều đóng góp, cống hiến cho Tổ quốc, cho Quân đội, mang văn chương đến xây đắp tâm hồn, làm cho cuộc sống thêm phần tươi đẹp.
Bài và ảnh: TRẦN VĂN TOẢN