Cận cảnh 5 cây bàng cổ thụ được người dân bảo vệ như 'báu vật' tại Nghệ An

19/05/2023 10:14
Tại thôn Phú Liên, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) tồn tại 5 cây bàng cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Thân cây sần sùi, mọc nhiều u bướu, đường kính thân cây khoảng 2 đến 3 mét, cành cây vươn dài rợp bóng cả một khoảng trời.
Link nguồn bài viết
https://kinhtemoitruong.vn/can-canh-5-cay-bang-co-thu-duoc-nguoi-dan-bao-ve-nhu-bau-vat-tai-nghe-an-77591.html
Truy cập link gốc
Bãi Bàng là tên gọi mà người dân thôn Phú Liên, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) dành gọi cho nơi có 5 quần thể cây bàng cổ thụ tồn tại. Vị trí Bãi Bàng rất đẹp, nằm sát biển, ngay ngã ba đường, vừa dựa vào dân, vừa ngoảnh mặt ra biển . Chẳng ai biết chính xác những cây bàng này có từ bao giờ nhưng theo các bậc cao niên trong làng, từ khi họ còn nhỏ đã thấy những cây bàng này già cỗi.

Toàn cảnh những cây Bàng có tuổi đời hàng trăm năm tuổi.

5 cây bàng cổ thụ vươn cao, rợp bóng mát

Ông Hồ Quốc Cường, người dân thôn Phú Liên cho biết: “Ban đầu Bãi Bàng có tổng cộng 8 cây bàng cổ thụ. Năm 1988, trận bão lịch sử đã làm gãy đổ 3 cây, 5 cây còn lại dù già cỗi nhưng vẫn hiên ngang, vươn cao, rợp bóng. Chiều chiều, sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, hoặc trưa hè nắng nóng, người dân lại kéo nhau ra ngồi dưới những gốc bàng rợp bóng nghỉ mát. Cứ thế, cây bàng dần trở nên thân thuộc với người dân nơi đây và gắn liền với tên gọi “Bãi Bàng”.

Đường kính thân cây bàng khoảng 2 đến 3 mét, gốc cây sần sùi, mọc nhiều u bướu.

Bà Trần Thị Thanh, người bán nước giải khát tại Bãi Bàng chia sẻ: “Vào tháng Giêng, tháng hai cây bàng bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Đến tháng năm, tháng sáu là thời điểm cây bàng cho bóng mát cũng là lúc nhiều người tới đây nhất. Vào mùa thu cây bàng bắt đầu rụng lá, múa đông thì chỉ còn cành trơ trụi”.

Nhiều người dân đã tặng những bộ bàn ghế đá đặt dưới những gốc cây bàng làm nơi nghỉ ngơi, hóng mát…

Để bảo vệ và làm tôn lên vẻ đẹp của những cây bàng, người dân thôn Phú Liên đã góp công, góp của xây bồn quanh gốc cây, đổ bê tông trong khuôn viên Bãi Bàng làm cho không không gian trở nên thoáng mát, sạch đẹp. Trên những thân bàng còn treo cờ Tổ quốc. Nhiều người dân còn tặng những bộ bàn ghế đá đặt dưới những gốc cây bàng làm nơi nghỉ ngơi, hóng mát…

Con em đi làm xa quê mỗi lần có dịp về đều dừng chân lại Bãi Bàng để hít thở bầu không khí trong lành của quê hương.

Đối với người dân địa phương, Bãi Bàng là một phần trong cuộc sống, suốt nhiều năm qua. Nơi đây như một công viên thu nhỏ, chiều chiều các cụ ông ngồi tỉ tê chén trà, đánh cờ; các cụ bà tập dưỡng sinh, chị em phụ nữ nhảy dân vũ, trẻ con chơi đùa. Tối đến lại là nơi lý tưởng cho lớp thanh niên, trai gái hẹn hò… Nhờ Bãi Bàng mà bà con hàng xóm tình cảm, gần gũi với nhau hơn. Con em đi làm xa quê mỗi lần có dịp về đều dừng chân lại Bãi Bàng để hít thở bầu không khí trong lành của quê hương, nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu gắng liền với Bãi Bàng.

Bãi Bàng là nhân chứng lịch sử, là tuổi thơ, ký ức của bao thế hệ.

Khi nhắc đến Bãi Bàng người dân thôn Phú Liên luôn tự hào và khẳng định, đây là vẻ đẹp được thiên nhiên ưu ái, ban tặng, là nhân chứng lịch sử, là tuổi thơ, ký ức của bao thế hệ. Dù già cỗi, trải qua bao biến cố của thời tiết khắc nghiệt miền Trung, những cây bàng cổ thụ vẫn kiên cường, hiên ngang như chính con người nơi đây vậy.

Quang Trường