Cán bộ mặt trận, đoàn thể chia sẻ kinh nghiệm giám sát, phản biện

08/04/2024 13:43
Thông qua hội thảo tổ chức tại Hà Tĩnh, cán bộ MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các tỉnh Bắc miền Trung đề xuất ý kiến nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội.
Link nguồn bài viết
https://baohatinh.vn/can-bo-mat-tran-doan-the-chia-se-kinh-nghiem-giam-sat-phan-bien-post264468.html
Truy cập link gốc
Sáng 8/4, Phó Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Trần Nhật Tân đã chủ trì hội thảo “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2024 - 2029”.

Cán bộ MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình tham dự hội thảo.

Đại biểu tham dự hội thảo.

Đề dẫn hội thảo do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh trình bày nhấn mạnh: công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đóng vai trò quan trọng trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy quyền làm chủ, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhận thức rõ điều đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành nhiều văn bản về quy chế và phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu khai mạc hội thảo.

Đây là những cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội dần được hoàn thiện, đạt nhiều kết quả quan trọng; nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về hoạt động này ngày càng được nâng lên.

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội thời gian qua đã tập trung vào những vấn đề quan trọng, các dự án lớn của địa phương, đất nước; các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm; tăng cường sự đồng thuận, phát huy quyền làm chủ của người dân; góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển đất nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Thành chia sẻ một số kinh nghiệm của địa phương trong thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội các dự án lớn trên địa bàn.

Tuy vậy, chất lượng, hiệu quả của công tác giám sát, phản biện xã hội vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, sự tham gia của các thành viên MTTQ và các tầng lớp nhân dân.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã xây dựng Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2024 - 2029”.

TS Nguyễn Văn Pha - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

Tại hội thảo, các chuyên gia và cán bộ mặt trận, đoàn thể đến từ các tỉnh đã đóng góp nhiều tham luận, ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên; phát huy vai trò, quyền làm chủ của Nhân dân.

Trong đó, một số tham luận quan trọng như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong giám sát, phản biện; Hoàn thiện cơ chế, quy định pháp luật về hoạt động giám sát, phản biện; Vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức thành viên của MTTQ; Các điều kiện đảm bảo cho hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát, phản biện...

Bên cạnh đó, đại biểu các địa phương, đơn vị cũng chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm hiệu quả; đề xuất một số vấn đề, nội dung giám sát cần triển khai trên toàn quốc trong giai đoạn 2024 - 2029...

Hội thảo là hoạt động thiết thực, ý nghĩa trong thời điểm ủy ban MTTQ các cấp đang tiến hành đại hội cấp cơ sở, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức đại hội cấp huyện, tỉnh, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Đây sẽ là cơ sở giúp các địa phương, đơn vị tập trung lựa chọn nội dung, nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng chương trình hành động trong nhiệm kỳ 2024 - 2029; góp phần củng cố, nâng cao vị thế, vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong hệ thống chính trị.

Kiều Minh