Bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - đôi điều cảm nhận, trăn trở

28/11/2024 15:38
Công tác bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm đang được triển khai sôi nổi trên các địa phương 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Tuy nhiên, trong quá trình này, vẫn còn nhiều vấn đề cần đánh giá lại để có những định hướng đúng đắn.
Link nguồn bài viết
https://baohatinh.vn/bao-ton-phat-huy-dan-ca-vi-giam-nghe-tinh-doi-dieu-cam-nhan-tran-tro-post278156.html
Truy cập link gốc
Phong trào bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm thực sự đã được người dân xứ Nghệ coi trọng, tự hào. Ngay từ những năm 1960 thế kỷ XX, mặc dù chiến tranh khốc liệt nhưng các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, các nhạc sĩ, văn nghệ sĩ hai tỉnh vẫn quan tâm, điền dã sưu tầm, ghi chép nghiên cứu biên soạn, giới thiệu. Các nghệ nhân và Nhân dân sẵn sàng cung cấp những điều mà họ hiểu biết về dân ca, dân vũ truyền thống của địa phương mình.

10 năm sau ngày dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2014), công tác bảo tồn và phát huy được triển khai sôi nổi trên các địa phương 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Vì thế, không lâu sau ngày thống nhất đất nước, hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sáp nhập, ngành VHTT Nghệ Tĩnh đã tiến hành thể nghiệm đưa dân ca lên nghệ thuật sân khấu kịch, Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh ra đời đã tạo nên nhiều thành quả bảo tồn, phát huy dân ca truyền thống này.

Cùng lúc phong trào văn nghệ quần chúng đến năm 1985, các chương trình đàn hát dân ca của 27 huyện, thị toàn tỉnh lúc bấy giờ thực sự sôi động khắp nơi. Các giá trị văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống tưởng chừng như lãng quên bỗng hồi sinh trên quê hương xứ Nghệ, đặc biệt là dân ca ví, giặm.

Trong giai đoạn đất nước mở cửa hội nhập, tưởng như văn hóa truyền thống bị lấn át bởi âm nhạc hiện đại nhưng ở Nghệ Tĩnh, người dân vẫn yêu mến các khúc hát dân ca. Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, các chương trình văn nghệ quần chúng tham gia liên hoan hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa, tỷ lệ các tiết mục truyền thống vẫn chiếm trên 80%. Đặc biệt, khi dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2014), phong trào càng phát triển mạnh, nhiều tổ chức xã hội đã thực sự vào cuộc.

Tái hiện không gian hát ví trên sông Lam phục vụ hoạt động quảng bá du lịch.

Trong sự phát triển ấy, nhiều làn điệu dân ca cải biên nâng cao từ ví, giặm xuất hiện. Cho đến nay nhiều nhạc sĩ, hạt nhân văn nghệ của nhiều địa phương vẫn tiếp tục sáng tác, tạo được giá trị mới nhưng đến nay cũng có không ít làn điệu cải biên, không những khó hát, khó phổ cập quần chúng rộng rãi mà còn thiếu đi cái đậm đà sâu lắng tình tứ của ví và cái chất sôi động, phóng túng phấn chấn, hồ hởi của giặm. Mặt khác, ví, giặm là dựa trên cơ sở của các thể thơ gần gũi với người dân từ lâu (lục bát, thơ song thất, hoặc thơ ngũ ngôn, thất ngôn), từ các thể thơ đó, tác giả thêm hoặc bớt đi một số từ để cho sinh động cũng khiến cho làn điệu ví, giặm biến thể.

Về phía không gian diễn xướng, qua quá trình thể nghiệm phục hồi không gian diễn xướng của ví, giặm, các tác giả, nghệ nhân đã có nhiều sáng tạo sinh động trên sàn diễn ca, diễn xướng nhưng nghiêm túc, chân thực nhìn nhận đánh giá một cách khách quan cũng có không ít những không gian sáng tạo khôi phục không thực tế, không thể có trong cuộc sống đời thường. Lĩnh vực nghệ thuật nâng cao cách điệu là cần thiết nhưng nó cũng chỉ chừng mực, xa rời thực tế thì khó mà đưa vào cuộc sống. Nhiều không gian cùng lúc đưa lên sân khấu quá nhiều đạo cụ, làm lộn xộn sân khấu, khiến người xem bị loạn cảm xúc.

Cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ các cấp, ngành, các nghệ nhân, nghệ sỹ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của dân ca ví, giặm. (Trong ảnh: Nghệ nhân Hà Thị Thành và cháu Nguyễn Gia Hân thuộc Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm Tùng Lộc - Can Lộc biểu diễn tiết mục "Thập ân phụ mẫu").

Trai gái làng ngày xưa đi hát, phần lớn là ban đêm, phường hát 2 làng thường hò hẹn nhau dưới những đêm trăng của những làng nghề truyền thống. Còn trong lao động chỉ có không gian phường cấy hoặc các làng nghề vừa làm vừa hát đối đáp với nhau.

Ngày nay, cày cấy hầu như là phương tiện máy móc, còn các làng nghề đã mai một, còn lại nghề thủ công nào cũng đã công nghiệp hóa, dụng cụ máy móc là chính. Về con người, làng xóm ngày xưa trai gái có thanh có sắc trong một làng có hàng mấy chục người. Ngày nay quy mô thôn xóm, khu dân cư nhiều hộ gấp mấy làng xóm ngày xưa nhưng tìm ra được vài ba thanh niên, thanh nữ thật là khó. Trai gái làng lớn lên, học xong là đi làm ăn, nên việc khôi phục, phát huy không gian diễn xướng để thể nghiệm như vậy cũng nên dừng lại để tìm ra những không gian mới phù hợp với sinh hoạt văn hóa cộng đồng ngày nay.

CLB Dân ca, dân vũ Thành Sen trực thuộc Chi hội Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh đã có nhiều hoạt động thiết thực trong bảo tồn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Ví, giặm là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, chúng ta đang tích cực bảo tồn, phát huy để cho các thế hệ nối tiếp hiểu biết giá trị của ví, giặm; phải làm sao để dân ca ví, giặm phát huy như một lợi khí của người dân xứ Nghệ, không chỉ trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mà còn rất cần cho những cuộc giao lưu tham gia liên hoan hội thi diễn với các vùng miền trong, ngoài nước.

Ví, giặm là bảo bối văn hóa phi vật thể của người dân xứ Nghệ, mong sao ví, giặm sớm được đưa vào trường học thông qua bộ môn nhạc của các cấp học phổ thông. Và mỗi huyện, mỗi tỉnh sớm có một trung tâm bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh với đầy đủ chức năng, sưu tầm nghiên cứu, bảo tồn, thể nghiệm, thẩm định, truyền dạy, biểu diễn, phục vụ nhân dân và du khách. Các trung tâm này cũng sẽ trực tiếp tham mưu cho ngành văn hóa, tham mưu cho chính quyền việc bảo tồn, phát huy dân ca truyền thống của địa phương, để cho dân ca ví, giặm trường tồn với đời sống văn hóa người dân xứ Nghệ.

Nguyễn Ban