Bài cuối: Sớm tháo 'điểm nghẽn' về thể chế pháp lý

25/04/2024 08:03
LÊ HỒNG HẠNH - Trưởng Phòng Tư pháp thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Theo lộ trình, từ ngày 1.4.2024, 2 điều của Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, đó là Điều 190 và Điều 248. Qua nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri và nhân dân, đa số mong muốn Quốc hội sớm đẩy nhanh thời gian Luật có hiệu lực thay vì ngày 1.1.2025 như đã công bố. Qua đó, kỳ vọng vào những điểm mới tích cực của Luật, tháo 'điểm nghẽn' về thể chế pháp lý để đất đai được quản lý và sử dụng hiệu quả, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Link nguồn bài viết
https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-cuoi%C2%A0som-thao-diem-nghen-ve-the-che-phap-ly-i368896/
Truy cập link gốc
Hai điều luật có hiệu lực sớm

Theo quy định về hiệu lực thi hành của Luật, Điều 190 và Điều 248 của Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.4.2024, sớm hơn những quy định khác. Đây là hai quy định có tính đặc thù, liên quan đến vấn đề chủ quyền quốc gia, là tài nguyên quan trọng, tác động to lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Theo đó, Điều 190 về hoạt động lấn biển, đây là nội dung được rất nhiều cử tri là các chuyên gia, nhà khoa học cũng như nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Một lý do nữa là vấn đề lấn biển liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc mà các quy định trước đây chưa rõ ràng, đến Luật Đất đai (sửa đổi) mới được hoàn thiện và Chính phủ đang dự thảo Nghị định hướng dẫn.

Theo Điều 190, hoạt động lấn biển phải tuân thủ các nguyên tắc luật định như: bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển; phù hợp với quy định của luật khác liên quan và các điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên; dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, đa dạng sinh học, các yếu tố tự nhiên, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; hoạt động lấn biển phải được lập thành dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư theo quy định; phù hợp với quy hoạch tỉnh, hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch đô thị… Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các hoạt động lấn biển; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động lấn biển theo quy định của pháp luật.

Cử tri thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh phấn khởi mong chờ các quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) sớm được thi hành. Ảnh: Bình Nguyên

Điều 248 Luật Đất đai (sửa đổi), bổ sung 9 điều tại Luật Lâm nghiệp 2017. Cụ thể, sửa đổi nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng tại Điều 14 bằng quy định “không được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích sử dụng vào dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia” thành “không được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích sử dụng vào dự án phục vụ quốc phòng, an ninh”. Sửa đổi Điều 15 về căn cứ giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; bổ sung đối tượng được Nhà nước giao rừng phòng hộ không thu tiền sử dụng rừng tại Điều 16; sửa đổi, bổ sung Điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại Điều 19…

Sớm phê duyệt đề xuất để Luật có hiệu lực sớm hơn

Trong số 16 chương của Luật Đất đai (sửa đổi), có lẽ Chương 3 là chương mà đa số cử tri và nhân dân trong cả nước phấn khởi, mong chờ ngày có hiệu lực thật sớm. “Tôi rất phấn khởi khi Luật mới đã hoàn thiện quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước). Đây là quy định mới, mở ra con đường để chúng tôi - những người Việt Nam định cư ở nước ngoài có các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất như công dân trong nước. Chúng tôi mong chờ ngày Luật có hiệu lực thi hành”, ông Trần Văn Hòa - một công dân Hà Tĩnh định cư ở Đức chia sẻ.

Một quy định mới cũng nhận được sự quan tâm và kỳ vọng của rất nhiều người dân đó là Điều 138 Luật. So với quy định của luật cũ, quy định của luật mới đã nới rộng việc cấp sổ đỏ đối với đất không có giấy tờ sử dụng trước ngày 1.7.2014. Điều này mở ra hy vọng cho nhiều hộ dân do vướng không có giấy tờ mà loay hoay mãi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ nhưng không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1.7.2014 sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trước đây, Luật Đất đai 2013quy định hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất không có giấy tờ chỉ được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất trong 2 trường hợp. Một là các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày 1.7.2014 không có giấy tờ nhưng có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Hai là các đối tượng đang sử dụng đất ổn định từ trước ngày 1.7.2004 không có các giấy tờ theo quy định của Luật và không vi phạm pháp luật về đất đai. Luật Đất đai (sửa đổi) đã nới rộng việc cấp sổ đỏ đối với đất không có giấy tờ sử dụng trước ngày 1.7.2014. Điều này mở ra cơ hội cho chúng tôi - những hộ dân đang sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1.7.2014 được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quốc hội đã thực sự lắng nghe tiếng nói của nhân dân để làm luật. Chúng tôi đang mong mỏi từng ngày Luật mới có hiệu lực thi hành - cử tri Đoàn Nguyễn Xuân Linh, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh kỳ vọng.