Bài 1: Nhường đất cho cao tốc

26/11/2024 11:19
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài 2.063 km. Công trình trọng điểm quốc gia này hoàn thành không chỉ kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh....
Link nguồn bài viết
https://cand.com.vn/giao-thong/bai-1-nhuong-dat-cho-cao-toc-i751395/
Truy cập link gốc
Để đạt mục tiêu đề ra của Thủ tướng Chính phủ sẽ thông xe vào dịp 30/4/2025 kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, các địa phương có cao tốc đi qua đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng sự đồng thuận của người dân, và quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa” thi công của các nhà thầu, hình hài tuyến giao thông trọng điểm quốc gia này đã đang dần hoàn thiện. Đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình. Dự án cao tốc đường bộ Bắc – Nam kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới.

Phấn khởi khi về nơi ở mới

Ngỡ ngàng - là cảm xúc của chúng tôi khi đặt chân đến khu tái định cư của những người dân đã nhường đất cho dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn xã Quang Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Những căn nhà kiên cố được xây dựng theo lối kiến trúc mái nhật 2 tầng nằm san sát khiến những người lần đầu tiên đặt chân đến đây như chúng tôi có cảm tưởng như đang đi vào một khu đô thị mới.

Ngôi nhà mới khang trang được người dân xây dựng trên khu tái định cư huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Chuyển về sinh sống tại khu tái định cư xã Quang Lộc này từ tháng 5/2024, chị Thân Thị Phượng cho biết, gia đình chị gồm có 2 vợ chồng và 5 đứa con nhưng cuộc sống không gặp nhiều xáo trộn, bỡ ngỡ. Vốn kinh doanh, xay xát lúa ngô đã nhiều năm nên khi chuyển sang nơi ở mới này, vợ chồng chị vẫn tiếp tục kinh doanh như trước. Lượng khách ra vào khá tấp nập nên chúng tôi cũng phải chờ đợi khá lâu, chị Phượng mới ngơi tay chia sẻ về cuộc sống của gia đình tại điểm tái định cư này. Phần đất gia đình chị sinh sống trước đây có diện tích 783m2 nằm ở thôn Thượng Nội, xã Quang Lộc. Nhiều năm buôn bán, có chút vốn liếng, vì thế trên nền đất cũ, vợ chồng chị cũng vừa xây dựng một căn nhà khá khang trang. Khi biết nhà mình nằm trong quy hoạch dự án cao tốc Bắc – Nam đi qua, vợ chồng chị cũng có chút tiếc nuối, thế nhưng vì là nhường đất cho dự án lớn phục vụ mục tiêu phát triển của đất nước nên hai vợ chồng chị đã bàn bạc và nhà chị trở thành một trong những hộ đầu tiên giao đất trên địa bàn.

“Được bố trí tái định cư ngay tại xã nên cuộc sống khi sang nơi ở mới không có nhiều xáo trộn. Việc kinh doanh buôn bán hay học hành của con trẻ vẫn tiếp diễn bình thường. Không những vậy, khu tái định cư cũng được chính quyền bố trí ở địa điểm giao thông, hạ tầng hoàn chỉnh nên cuộc sống người dân chúng tôi còn có nhiều thứ thuận tiện hơn. Làm nghề buôn bán nhiều năm nên tôi hiểu, khi dự án hoàn thành đi vào sử dụng thì kinh tế địa phương sẽ phát triển, người dân cũng được hưởng lợi, do đó, thời điểm chính quyền tiến hành thu hồi đất, chính bản thân tôi cũng đã đi vận động, khuyến khích bà con lối xóm nhanh chóng nhường đất để dự án sớm được triển khai”, chị Phượng chia sẻ.

Toàn bộ diện tích đất nơi ở cũ tại thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) nằm trong chỉ giới bị thu hồi để triển khai xây dựng cao tốc Bắc – Nam, vợ chồng anh Nguyễn Viết Hải (38 tuổi) được nhận 393m2 đất tái định cư và một khoản tiền không nhỏ. Vợ chồng anh đã quyết định dùng hết số tiền được đền bù để xây một ngôi nhà mới 2 tầng khang trang, bề thế và chuyển về sinh sống gần nửa năm nay. Khu tái định cư được quy hoạch ngay trên mặt đường liên xã, giao thông thuận tiện nên vợ chồng anh chuyển sang buôn bán nhỏ. Kinh tế gia đình cũng ổn định hơn khi không phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp như trước đây.

“Điều kiện cuộc sống tái định cư ở đây đã đáp ứng được yêu cầu thực tế của người dân. Giao thông thuận lợi hơn nơi ở cũ. Thật lòng, chúng tôi rất cảm ơn chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện, không để người dân bị thiệt thòi khi bị thu hồi đất”, anh Hải nói. Các hộ dân nơi đây khi được các cấp chính quyền tuyên truyền, giải thích rõ đã thấu hiểu, đường bộ cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và chính bản thân người dân. Chính vì thế, các hộ dân đã sớm đồng thuận, bàn giao mặt bằng để sớm ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế ở khu tái định cư.

Phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, huyện Can Lộc là một trong những địa phương dẫn đầu của tỉnh Hà Tĩnh về tiến độ triển khai. Đây cũng là địa phương sớm hoàn thiện tất cả các khu tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng, để người dân sớm dọn về ở, ổn định cuộc sống. Huyện Can Lộc có 5 khu tái định cư phục vụ dự án đường cao tốc Bắc - Nam, và tất cả các khu đều được xây dựng khang trang. Đường giao thông, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt đều đầy đủ và thuận tiện nên người dân địa phương rất phấn khởi, yên tâm ổn định cuộc sống.

Đồng lòng cho dự án trọng điểm quốc gia

Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh có tổng chiều dài 19,43 km đi qua 37 thôn, tổ dân phố của 9 xã, thị trấn trên địa bàn. Có đến 2.474 hộ dân bị ảnh hưởng và diện tích đất phải thu hồi là hơn 198 ha đất các loại. Xác định công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề phức tạp, vì thế ngay khi UBND tỉnh chỉ đạo triển khai, huyện Can Lộc đã thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng từ cấp huyện cho đến các cấp xã, cấp thôn. Huyện đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để tuyên truyền đến từng hộ dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong dự án xây dựng cao tốc Bắc – Nam. Đây là nhiệm vụ chính trị lớn, cho nên đến thời điểm hiện tại, khi 100% mặt bằng tuyến đã được bàn giao cho đơn vị thi công, gánh nặng trên vai các đồng chí lãnh đạo địa phương như được trút bỏ phần nào.

“Phần việc đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân hiện đã xong nhưng anh em chúng tôi chắc sẽ không quên được những ngày “ăn ngủ cùng cao tốc”. Cũng may là khi được tuyên truyền, bà con trên địa bàn huyện Can Lộc rất hiểu chủ trương, chính sách của Nhà nước khi xây dựng dự án quan trọng này nên họ rất tự giác trong việc nhường đất. Thậm chí còn có những trường hợp như 7 hộ dân ở xã Quang Lộc còn sẵn sàng bàn giao đất trước khi nhận đền bù. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nhưng quan trọng là có được sự đồng thuận từ phía người dân nên Can Lộc mới trở thành một trong những địa phương đầu tiên của Hà Tĩnh hoàn thành sớm công tác giải phóng mặt bằng”, Nguyễn Hồng Quân, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Can Lộc chia sẻ.

Quá trình triển khai, chắc chắn không có phần việc nào là dễ cả, vấn đề là phải làm thế nào để dân nghe, dân hiểu và dân đồng hành. Đây là chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải về kinh nghiệm trong triển khai giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua tỉnh Hà Tĩnh có tổng chiều dài hơn 107 km, với 3 dự án thành phần là Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng và Vũng Áng – Bùng hiện đã hoàn thành 100% giải phóng mặt bằng.

PV Báo CAND cùng Công an huyện Can Lộc xuống thăm nhà người dân tại khu tái định cư của huyện Can Lộc.

“Ngay khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 44/2022/QH15 và Chính phủ ban hành Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 về triển khai dự án, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị lớn và ngay lập tức chỉ đạo quyết liệt triển khai. Chúng tôi thành lập ban chỉ đạo từ cấp tỉnh xuống tới cấp cơ sở, huy động cả hệ thống chính trị cùng phải vào cuộc, đi tuyên truyền về chính sách giải phóng mặt bằng. Làm sao để người dân hiểu được mỗi gia đình có thể chịu thiệt một chút nhưng sẽ đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng. Song song với đó, chúng tôi cũng yêu cầu hội đồng đền bù phải làm công minh, chính trực, tổ chức tốt tái định cư cho người dân, kiên quyết không để xảy ra lợi dụng chính sách để trục lợi. Có như vậy thì người dân mới tin, mới đồng hành cùng chính quyền trong công việc. Đoạn cao tốc Bắc – Nam đi qua Hà Tĩnh có chiều dài lớn, ảnh hưởng đến rất nhiều hộ dân và diện tích đất thu hồi lớn, nhưng chúng tôi không phải tổ chức cưỡng chế bất kỳ một trường hợp nào. Mặt bằng sạch luôn được bàn giao cho chủ đầu tư, đơn vị thi công trước tiến độ, chính vì thế mà Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là một trong những địa phương làm tốt nhất công tác giải phóng mặt bằng”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh còn cho biết thêm, hiện dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn đi qua địa bàn Hà Tĩnh đã đạt khoảng 80% khối lượng. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các nhà thầu tranh thủ thời gian, đẩy nhanh thi công, quyết tâm hoàn thành đúng kế hoạch. Và với tiến độ thi công như hiện nay, đoạn dự án chạy qua địa bàn Hà Tĩnh chắc chắn sẽ vượt tiến độ 6 tháng so với tiến độ được Chính phủ đề ra. Thậm chí, có nhiều đoạn hiện nay chỉ còn phần việc thảm lớp hoàn thiện cuối cùng nên tiến độ có thể hoàn thành trước 31/12/2024.

Phan Hoạt – Phạm Huyền