Ai sai, ai đúng?

31/03/2024 05:55
Trước khi viết những dòng này, tôi đã chạy xe ra khách sạn Salling Tower (TP Hà Tĩnh) và xem lại chỗ mình từng đậu và bị mắc kẹt...
Link nguồn bài viết
https://baohatinh.vn/ai-sai-ai-dung-post263998.html
Truy cập link gốc
Tháng trước, tôi cùng một số bạn bè đi cưới con chị bạn cùng cơ quan. Hôm ấy khách sạn Salling Tower (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) có đến 2 đám cưới ở 2 hội trường nên các vỉa hè, lòng đường, sân… kín chỗ. Tôi nhanh chóng đánh xe lên vỉa hè phía đông, nơi có vạch sơn màu trắng ai đó kẻ sẵn cho từng vị trí đậu xe. Nghĩ là “chắc ăn”, thế nào lát nữa ra cũng dễ dàng, ai ngờ tiệc xong, tôi và mấy người ra về thì ôi thôi… không phải một mà mấy chiếc xe “khóa đuôi”, toàn những chiếc to đùng.

Đi đứng ngó nghiêng mãi, rồi gọi cho chủ đám cưới cũng chẳng người nào biết xe ai đậu chắn lối, cả 4 chủ xe phía trong đành chọn phương án bất đắc dĩ: ngồi chờ.

Ai đã lâm vào cảnh ngồi chờ như chúng tôi mới thấy thời gian trôi thật lâu. Hơn 12h, khách và người nhà của đám mừng cưới bên hội trường tầng 1 khách sạn đã về hết. Còn bên nhà 3 tầng, tiếng hát vẫn vang lên. Cứ mỗi lần có đoàn khách từ trong sảnh đi ra, cả mấy chủ xe lại trông theo từng bước. Rồi cũng có một chủ xe đậu phía ngoài nơi lòng đường đi ra, anh bạn cùng cơ quan “được giải phóng” với câu nói đầy trách móc: “Chú đậu xe như thế có chết anh không”. Còn tôi và 2 chủ xe nữa vẫn chưa đến lượt.

Người dân cần tuân thủ các quy định khi đỗ xe.

Đồng hồ chỉ sang con số 12h40’. Trong kia vẫn đang hát. Chợt có một người đàn ông đứng tuổi nhìn thấy cảnh tượng của chúng tôi liền “mách nước”: “Cô thử nhìn vào trong đầu xe phía sau kính xem có số điện thoại chủ nhân để lại không. Ở các khu chung cư, họ bắt buộc các chủ xe phải để lại số điện thoại khi có sự kiện đông người”. Quả đúng như vậy, tôi mừng rơn khi nhìn sâu vào trong xe có dòng số điện thoại trên một cái giá nhỏ xíu sau kính. Tôi bấm máy, nghe có tiếng thanh niên nam trả lời.

Một lát sau thì cậu thanh niên ấy đi ra, trẻ trung, lịch sự. Khi cậu ta lại gần chiếc xe trắng to đang “khóa đuôi” chiếc xe nhỏ của tôi trên vỉa hè, tôi nói, vẻ không hài lòng: “Xe của em à?”. Cậu ta gật đầu rồi mở cửa xe. “Thiếu ý thức quá, làm chị chờ mãi”. Tưởng sẽ nhận được lời xin lỗi nhẹ nhàng, ai ngờ cậu ta “vặc” lại: “Tôi đậu đây là đúng rồi, chị mới đậu sai”. Cậu ta chỉ xuống lòng đường: “Vạch cho xe đậu đây, chị nhìn đi!”. Lúc này tôi mới nhìn kỹ vạch trắng ở lòng đường và nói: “Có thể em không sai, nhưng chị đã đậu phía trong trước, em ở phía ngoài thì phải ý tứ chút”. Cậu ta không nói gì, lướt đi luôn. Khi tôi được “giải phóng”, vẫn còn 2 chủ xe tiếp tục ngồi chờ.

Trước khi viết những dòng này, tôi đã chạy xe ra khách sạn Salling Tower và xem lại chỗ mình từng đậu và bị mắc kẹt. Vẫn là vạch dưới lòng đường và trên vỉa hè. Lúc này tôi mới biết là mình sai khi đậu xe trên vỉa hè. Nhưng trong tình cảnh xe kín chỗ, tôi đâu còn lựa chọn. Và rõ ràng lúc đó, tất cả chủ xe đều là khách đám cưới thì người đỗ phía ngoài nên nhanh chóng đi ra cho người đỗ phía trong khỏi bị phiền hà. Đây cũng là bài học không chỉ đối với tôi mà với nhiều tài xế khác khi đậu xe để tránh rơi vào cảnh “khóc dở, mếu dở”.

Theo Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì mức phạt đối với hành vi dừng xe, đỗ xe ô tô trên vỉa hè và các hành vi dừng xe, đỗ xe ô tô khác sai quy định có thể bị phạt từ 400.000 đến 1.000.000 đồng tùy từng trường hợp cụ thể.

Hạnh Nhân