Khai báo vũ khí thô sơ phải bảo đảm linh hoạt và phù hợp

25/05/2024 00:28
Thảo luận tại tổ 16 (Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Tĩnh, Cao Bằng, Lâm Đồng, Cà Mau) về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại các quy định để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Cụ thể, liên quan đến các quy định về khai báo vũ khí thô sơ, quy định phải bảo đảm linh hoạt và phù hợp...
Link nguồn bài viết
https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/khai-bao-vu-khi-tho-so-phai-bao-dam-linh-hoat-va-phu-hop--i372772/
Truy cập link gốc
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 16. Ảnh: Khánh Duy

Quy định chi tiết quy trình, cách thức sử dụng Giấy bảo vệ đặc biệt

Thảo luận tại tổ, đa số các ĐBQH bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ hiện hành; đồng thời nêu rõ: Việc ban hành sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Cảnh vệ nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng Công an nhân dân; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới; góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu, hoạt động và hành vi, yếu tố khác xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ.

ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật này, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho rằng: Về giải thích từ ngữ (Điều 3 Luật Cảnh vệ, được sửa đổi, bổ sung tại điểm a, khoản 1, Điều 1 dự thảo Luật) đề nghị quy định hoặc giao Chính phủ quy định cụ thể nội dung “đối tượng khác” được áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ theo quy định của Luật này để bảo đảm khả thi, thuận lợi cho quá trình áp dụng…; Bổ sung cụm từ “động vật”, thành “Kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật, động vật và phương tiện ra, vào khu vực” để bảo đảm tính chặt chẽ.

Liên quan đến quyền hạn của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ trong khi thi hành nhiệm vụ cảnh vệ (Điều 20 Luật Cảnh vệ, được sửa đổi, bổ sung tại điểm a, khoản 12, Điều 1 dự thảo Luật), đại biểu nhấn mạnh: Việc bảo vệ các trường hợp được quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 10 khi đi công tác nước ngoài là cực kỳ cần thiết và quan trọng, do đó trong trường hợp đã sử dụng tất cả các nguồn nhân lực và phương tiện thiết bị mang theo mà không đáp ứng được công tác cảnh vệ thì việc thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật là cần thiết... Tuy nhiên, đại biểu Trần Đình Gia cũng đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể nội dung này để bảo đảm rõ ràng và thống nhất trong quá trình áp dụng.

Các ĐBQH nghiên cứu tài liệu. Ảnh: Khánh Duy

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu đề nghị: quy định chi tiết hoặc giao Bộ Công an ban hành quy trình, cách thức sử dụng Giấy bảo vệ đặc biệt… Bên cạnh đó, bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ; bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng quy định của Luật Cảnh vệ và bổ sung thêm cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao.

Bổ sung quy định về chính sách của Nhà nước đối với vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), đa số các ĐBQH thống nhất cao với sự cần thiết ban hành.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng điều hành phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi trong dự thảo Luật, đại biểu Hà Thọ Bình (Hà Tĩnh) đề nghị: Tại khoản 6 (Điều 4) bổ sung cụm từ “hoặc cho phép” vào sau cụm từ “có thẩm quyền cấp giấy phép” để bảo đảm phù hợp với thực tế hoạt động của Quân đội hiện nay. “Bởi, đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; công nhân, viên chức quốc phòng khi được giao quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ là các đối tượng đã được huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và được chỉ huy các cấp giao thực hiện nhiệm vụ, không thực hiện bằng hình thức cấp giấy phép”, đại biểu Hà Thọ Bình lý giải.

Đồng thời, tại khoản 3 (Điều 6) cần chỉnh lý cụm từ “quy định tại khoản 1 Điều 8” thành “quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 8”… Bởi, theo đại biểu, do dự thảo Luật lần này đã tách khoản 1 Điều 8 (của dự thảo trước) thành khoản 1 và khoản 2; vì vậy, cần phải sửa đổi để bảo đảm điều chỉnh đầy đủ các đối tượng được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ theo như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 8.

ĐBQH Hà Thọ Bình (Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

Góp ý vào Điều 10 về các trường hợp thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, đại biểu cũng đề xuất: Tại điểm a khoản 1 cần bổ sung cụm từ “vật liệu nổ quân dụng” vào sau cụm từ “sử dụng vũ khí” để bảo đảm thống nhất với nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.

Liên quan đến Điều 56 về thủ tục cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ, đại biểu Hà Thọ Bình đề nghị: Tại khoản 1 cần bổ sung cụm từ “trừ các loại công cụ hỗ trợ do Bộ Quốc phòng quản lý” vào sau cụm từ “Bộ Công an quy định” và viết lại thành: “1. Các loại công cụ hỗ trợ phải được cấp giấy phép sử dụng hoặc đăng ký, khai báo với Cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định; trừ các loại công cụ hỗ trợ do Bộ Quốc phòng quản lý”.

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Khánh Duy

Bên cạnh đó, tại khoản 3 (Điều 56), đại biểu Hà Thọ Bình cũng nhấn mạnh: Cần bổ sung cụm từ “hoặc đăng ký, khai báo” vào sau cụm từ “thủ tục cấp giấy phép sử dụng” và viết lại: “3. Thủ tục cấp giấy phép sử dụng hoặc đăng ký, khai báo công cụ hỗ trợ đối với đối tượng thuộc Quân đội Nhân dân, dân quân tự vệ, cơ yếu và câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyệ thể thao thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”); để bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng và thống nhất với nội dung quy định tại Khoản này.

ĐBQH Nguyễn Đình Việt (Cao Bằng) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

Cùng với đó, tham gia ý kiến thảo luận tại Tổ 16, các ĐBQH cũng đề xuất nhiều nội dung, như: giải thích cụ thể khái niệm “bộ phận cơ bản cấu tạo nên vũ khí quân dụng” (điểm b khoản 2 và điểm b khoản 11, Điều 3) gồm các bộ phận gì, tương ứng loại vũ khí nào; chỉ đưa các loại dao có tính chất chuyên dụng dùng vào thực tiễn chiến đấu như: dao găm, dao quắm, dao karambit… vào danh mục vũ khí thô sơ… Có ý kiến cũng đề nghị, quy định khai báo vũ khí thô sơ phải bảo đảm linh hoạt và phù hợp với điều kiện phát triển của kinh tế - xã hội, điều kiện, tập quán sản xuất, lao động, sinh hoạt của người dân.

Một số đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung một điều về chính sách của Nhà nước đối với vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trong đó, xác định những nội dung Nhà nước độc quyền, lĩnh vực Nhà nước ưu tiên đầu tư hoặc tạo cơ chế khuyến khích các chủ thể khác trong xã hội đầu tư sản xuất vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để xuất khẩu...; chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Diệp Anh - Quang Đức