Hỏi-đáp pháp luật: Chính sách dạy nghề đối với người khuyết tật được quy định như thế nào?

04/05/2024 06:04
*Bạn đọc Nguyễn Ánh Hồng ở phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh hỏi: Chính sách dạy nghề đối với người khuyết tật được quy định như thế nào?
Link nguồn bài viết
https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hoi-dap-phap-luat-chinh-sach-day-nghe-doi-voi-nguoi-khuyet-tat-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-775418
Truy cập link gốc
Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 32 Văn bản hợp nhất Luật Người khuyết tật số 35/VBHN-VPQH ngày 16-12-2019. Cụ thể như sau:

1. Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác.

2. Cơ sở dạy nghề có trách nhiệm cấp văn bằng, chứng chỉ, công nhận nghề đào tạo khi người khuyết tật học hết chương trình đào tạo và đủ điều kiện theo quy định của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề.

3. Cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật phải bảo đảm điều kiện dạy nghề cho người khuyết tật và được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

4. Người khuyết tật học nghề, giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

* Bạn đọc Lý Thị Thanh ở xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về quyền của người khiếu nại trong tố tụng dân sự?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 500 Văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2022. Cụ thể như sau:

Người khiếu nại có các quyền:

a) Tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khiếu nại;

b) Khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án;

c) Rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại;

d) Được nhận văn bản trả lời về việc thụ lý để giải quyết khiếu nại; nhận quyết định giải quyết khiếu nại;

đ) Được khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

QĐND