Vườn hồng cổ Nam Anh – điểm nhấn du lịch trên quê hương Bác Hồ

19/11/2024 11:44
Vườn hồng cổ Nam Anh ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm sáng về du lịch sinh thái của vùng đất xứ Nghệ, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, khám phá vẻ đẹp bình dị của thiên nhiên.
Link nguồn bài viết
https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/vuon-hong-co-nam-anh-diem-nhan-du-lich-tren-que-huong-bac-ho-2053743.html
Truy cập link gốc
Phát triển du lịch sinh thái từ những vườn hồng cổ thụ xã Nam Anh, huyện Nam Đàn (Nghệ An).

Du lịch sinh thái gắn kết với thiên nhiên

Vườn hồng cổ thụ Nam Anh nổi tiếng với hàng trăm cây hồng có tuổi đời lâu năm, tán lá rộng, cao lớn và trĩu quả vào mùa thu. Cảnh quan rực rỡ của vườn hồng mỗi khi vào mùa chín tạo nên một không gian độc đáo, rất thu hút du khách đến ngắm cảnh, chụp ảnh và tận hưởng không khí trong lành. Giá trị của vườn hồng cổ thụ không chỉ nằm ở vẻ đẹp tự nhiên mà còn là biểu tượng văn hóa gắn liền với đời sống bao thế hệ người dân địa phương.

Khi lớp “áo lá” hoàn toàn trút bỏ khỏi cây, những quả hồng căng mọng treo lúc lỉu, đỏ rực rỡ trên những cành hồng khẳng khiu, phong sương, tạo nên sự tương phản thú vị.

Chị Đặng Thị Tâm, chủ sở hữu của vườn hồng Đại Huệ Farm, là một trong hàng chục vườn hồng cổ thụ lớn ở xã Nam Anh đã nhận ra tiềm năng to lớn của những vườn hồng cổ thụ này. Là một người đam mê về nông nghiệp và những sản phẩm hữu cơ, khi đến đây để tham quan chị quyết định mua lại vườn hồng này của người dân địa phương kcách đây 5 năm và đầu tư phát triển để mở cửa đón khách du lịch. Từ đó, vườn hồng không chỉ đơn thuần là nơi trồng trọt, mà còn trở thành điểm nhấn du lịch sinh thái, thu hút hàng ngàn du khách mỗi mùa hồng chín.

Chị Đặng Thị Tâm, chủ sở hữu của vườn hồng Đại Huệ Farm người đi đầu trong việc đưa vườn hồng làm du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Để phát triển du lịch sinh thái từ vườn hồng, chính quyền và người dân địa phương đã xây dựng nhiều hoạt động trải nghiệm, giúp du khách hòa mình vào thiên nhiên và hiểu rõ hơn về văn hóa địa phương. Khách tham quan không chỉ được ngắm cảnh mà còn có cơ hội tự tay thu hoạch hồng, nếm thử quả hồng tươi ngọt ngào ngay tại vườn, tham gia làm bánh hồng và các sản phẩm từ hồng như mật hồng, hồng sấy.

Không chỉ là nguồn thu nhập cho người dân, vườn hồng còn giúp địa phương phát triển mô hình du lịch sinh thái độc đáo. Với giá bán hồng tươi khoảng 35.000 – 50.000 đồng/kg, mỗi năm, vườn hồng mang lại lợi nhuận đáng kể và góp phần nâng cao đời sống cho các hộ gia đình nơi đây.

Sự phát triển du lịch sinh thái tại vườn hồng không chỉ đem lại nguồn thu nhập mới cho người dân mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Nam Đàn như một điểm đến du lịch thiên nhiên. Các sản phẩm từ hồng như hồng sấy, mứt hồng, và mật hồng đã trở thành món quà lưu niệm đặc sản, thu hút nhiều du khách muốn mua về làm quà. Nhờ đó, người dân địa phương có thêm cơ hội phát triển kinh tế từ việc khai thác sản phẩm nông sản và cung cấp các dịch vụ du lịch liên quan.

Hồng cổ xứ Nghệ hút khách tham quan

Vườn hồng cổ thụ tại xã Nam Anh, huyện Nam Đàn mỗi ngày đón hàng trăm khách tới check in, thưởng lãm cảnh sắc.

Chị Phước, một du khách từ Hà Tĩnh, chia sẻ: “Tôi đã đến đây vì rất muốn trải nghiệm việc tự tay hái những quả hồng chín trên cây và lưu lại những hình ảnh đẹp của vườn hồng cổ thụ. Cảm giác thật khác biệt khi đứng giữa khu vườn xanh mướt, xung quanh là những quả hồng đỏ rực, vị hồng ngọt thanh. Đây được xem một chuyến trải nghiệm thật đáng nhớ”.

Những cây hồng trĩu quả, những vườn hồng chín vàng có sức hấp dẫn, lôi cuốn lạ kỳ. Đặc biệt là những vườn hồng cổ thụ có tuổi đời trên dưới 80 năm, thậm chí trên cả 100 năm, gốc to, thân cây cao vút, vẫn sai quả. Hồng cổ thụ mang vẻ đẹp lãng mạn. Cuối mùa, trên những cành cây nhuốm màu nâu đen, lá đã rụng hết, chỉ còn mỗi quả.

Du khách vượt hơn 70km từ Tp Hà Tĩnh để đến vườn hồng tham quan, chụp ảnh cũng như trải nghiệm được hái hồng

Sự hấp dẫn của vườn hồng chín đã mở ra hướng khai thác mới cho người dân địa phương trong việc phát triển du lịch sinh thái gắn với cây hồng. Thời gian qua, một số hộ dân có vườn hồng đẹp, ở vị trí thuật lợi, đã tích cực cải tạo biến thành những địa điểm đón khách tham quan, trải nghiệm. Một số hộ khác đã nhường đất cho các cá nhân mở các khu du lịch sinh thái vườn hồng ở xóm 6, xóm 8, xã Nam Anh với nhiều dịch vụ, như bán vé tham quan (40.000 đồng/lượt), phục vụ ăn uống, cung cấp đặc sản địa phương…thu hút khá đông du khách trong và ngoài tỉnh.

Quả hồng chín mọng, dòn tan không chỉ được ăn tươi mà còn làm ra các ác sản phẩm như hồng sấy, mứt hồng, và mật hồng trở thành món quà lưu niệm đặc sản, thu hút nhiều du khách muốn mua về làm quà.

Ngoài ra, du khách còn có thể lựa chọn nghỉ lại tại các homestay trong khu vực, trải nghiệm cuộc sống làng quê và thưởng thức những món đặc sản truyền thống của Nam Đàn. Đây là cách hiệu quả để kết nối văn hóa – ẩm thực và du lịch sinh thái, tạo ra những trải nghiệm chân thực và gần gũi, đồng thời thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa người dân địa phương và du khách.

Bên cạnh lợi ích kinh tế, mô hình du lịch sinh thái này cũng khuyến khích bảo vệ môi trường và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, tạo điều kiện để người dân gìn giữ hệ sinh thái và nâng cao nhận thức về việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Đặc biệt, với những cây hồng cổ có tuổi đời hơn 130 năm, vườn hồng Nam Đàn mang một vẻ đẹp cổ kính hiếm có. Không ít người đã phải vượt hàng trăm cây số để đến đây, đắm mình trong bức tranh rực rỡ của sắc màu quả chín, tận hưởng chút bình yên dịu ngọt mà vùng đất này mang lại.

Những vườn hồng cổ thụ tại Nam Anh không chỉ là tiềm năng du lịch mà còn mở ra hướng đi mới cho du lịch sinh thái ở Việt Nam. Mô hình này không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế mà còn giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương. Việc duy trì và phát triển du lịch sinh thái tại những vườn hồng cổ thụ không chỉ tạo ra các trải nghiệm khác biệt cho du khách mà còn giúp thúc đẩy kinh tế địa phương, bảo vệ môi trường và gắn kết con người với thiên nhiên.

Thanh Hà