Link nguồn bài viết https://vietnamnet.vn/tu-dac-san-tru-danh-den-cong-cu-giam-ngheo-2317654.html
Truy cập link gốc
Đầu tháng 6, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt hỗ trợ Kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vịt bầu Quỳ thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn năm 2022 thực hiện năm 2024.
Theo đó, dưới sự quản lý thực hiện của Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An, doanh nghiệp tư nhân địa phương liên kết cùng 24 hộ nông dân là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn xã Châu Thuận (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) để chăn nuôi 2.880 con vịt bầu Quỳ. Các hộ tham gia chương trình liên kết sẽ được hướng dẫn nắm vững quy trình chăm sóc, áp dụng tiến bộ khoa học để đạt được kết quả cao nhất.
Vịt bầu Quỳ Châu vốn là giống quý, đặc sản trứ danh với chất lượng thịt và mùi vị vượt trội so với các giống vịt khác nên khá hút khách. Đứng trước nguy cơ mai một, hàng chục năm qua, Nghệ An đã rất nỗ lực khôi phục và phát triển con giống cho loại gia cầm đặc biệt này.
Tạo sinh kế bền vững, gắn liền với đặc trưng của địa phương là một cách giảm nghèo hiệu quả. Quỳ Châu là một huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An, địa hình khá phức tạp khi có hơn 72% diện tích ở độ cao trên 200m so với mặt nước biển, bị chia cắt bởi mạng lưới sông suối dày đặc. Đây là khó khăn cho Quỳ Châu trong phát triển kinh tế - xã hội do hạn chế khả năng giao lưu giữa các xã trong huyện cũng như mở mang diện tích đất nông nghiệp. Tuy nhiên, hạn chế này cũng là yếu tố giúp Quỳ Châu giữ được vốn rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Rõ ràng, yếu tố thiên nhiên cùng với sự hồi sinh của vịt bầu Quỳ là công cụ giúp Quỳ Châu phát triển du lịch cộng đồng gắn với các sản phẩm đặc thù của địa phương. Nếu tận dụng tốt thị trường, nuôi vịt bầu Quỳ là một mô hình đem lại những kết quả khả quan, thành phẩm được bán giá cao, đem lại thu nhập ổn định, tăng hiệu quả kinh tế cho bà con.