Tránh lợi dụng quy định kê khai giảm nghĩa vụ nộp thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước

22/11/2024 17:04
Thảo luận tại Tổ 16 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Tĩnh, Lai Châu, Lâm Đồng, Cà Mau về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu cho rằng: Cần bảo đảm công bằng, trung lập của chính sách thuế, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế để tránh các trường hợp lợi dụng quy định kê khai giảm nghĩa vụ nộp thuế, gây thất thu ngân sách Nhà nước...
Link nguồn bài viết
https://daibieunhandan.vn/tranh-loi-dung-quy-dinh-ke-khai-giam-nghia-vu-nop-thue-gay-that-thu-ngan-sach-nha-nuoc-post397128.html
Truy cập link gốc
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) là cần thiết để thực hiện chủ trương, đường lối về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nói riêng đã được nêu tại các văn bản của Đảng, Nhà nước; đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn, từ tình hình phát triển mới của nền kinh tế cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, việc ban hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) để sửa đổi hoặc bãi bỏ những nội dung không còn phù hợp; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế; bảo đảm tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định, dài hạn; thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư vào các ngành nghề và địa bàn cần khuyến khích đầu tư. Đáp ứng yêu cầu sửa đổi, bổ sung đồng bộ, toàn diện theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế phù hợp với bối cảnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

Nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để khắc phục các vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành và phù hợp với quá trình phát triển của nền kinh tế trong nước và thế giới…, các đại biểu Tổ 16 cho rằng: việc rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thu nhập được miễn thuế là cần thiết, song cần bám sát các quan điểm, định hướng trong sửa đổi Luật như: bảo đảm tính công bằng, trung lập của chính sách thuế; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế để đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ rà soát kỹ lưỡng các nội dung liên quan đến thu nhập được miễn thuế, tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện trong thực tiễn, đặc biệt là các vướng mắc, bất cập, các kẽ hở dẫn đến tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi,... làm cơ sở cho việc đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung và chỉ đề xuất bổ sung vào diện thu nhập miễn thuế đối với các trường hợp thực sự cần thiết, hạn chế tối đa việc mở rộng diện thu nhập được miễn thuế. Đồng thời, cần quy định chặt chẽ bảo đảm hiệu lực, hiệu quả việc thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài qua nền tảng thương mại điện tử; công tác giám sát hậu kiểm các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

Theo đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh), việc bổ sung các quy định về thu nhập được miễn thuế cần bảo đảm công bằng, trung lập của chính sách thuế, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế để tránh các trường hợp lợi dụng quy định kê khai giảm nghĩa vụ nộp thuế, gây thất thu ngân sách Nhà nước… Đại biểu đề nghị cân nhắc quy định mức thuế suất phổ thông 15%, bảo đảm cân đối ngân sách Nhà nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và góp phần ngăn ngừa tình trạng chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp nước ngoài; khả năng mở rộng áp dụng cơ chế ưu đãi dựa trên chi phí và quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

Còn đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) thì cho rằng, quy định về thuế suất tại Điều 10 dự thảo luật còn bất cập. Cụ thể, thuế suất 15% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng; thuế suất 17% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng; thuế suất áp dụng 20% đối với doanh nghiệp có doanh thu trên 50 tỷ đồng...

Do đó, đại biểu đề nghị: miễn giảm thuế 3 năm đầu cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; cân nhắc giảm thuế suất xuống 18% cho các doanh nghiệp, để khuyến khích doanh nghiệp lớn mạnh, tránh tình trạng doanh nghiệp cứ kê khai doanh thu dưới 3 tỷ đồng và dưới 50 tỷ đồng để hưởng thuế thu nhập thấp hơn… “Điều này sẽ dẫn đến việc khó quản lý về doanh thu vì doanh nghiệp không kê khai vượt con số theo quy định. Đơn cử kinh nghiệm các nước khu vực, như Singapore áp dụng cho tất cả doanh thu là 17%; Brunei là 18,5% thuế thu nhập doanh nghiệp…”, đại biểu Nguyễn Duy Thanh nêu dẫn chứng.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Duy Thanh cũng đề nghị Việt Nam áp dụng doanh thu cho tất cả doanh nghiệp là 18% để giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có điều kiện để phát triển, không e ngại về áp dụng doanh thu lớn.

Diệp Anh - Khánh Duy