Tín dụng chính sách nâng đỡ quyết tâm hoàn lương (Kỳ 3)

19/12/2024 12:49
Người vay vốn theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg tại Nghệ An đang thực hiện đúng cam kết, kế hoạch sử dụng nguồn vốn trong hồ sơ vay vốn được phê duyệt. Các mô hình sản xuất, kinh doanh đã bước đầu phát huy được hiệu quả khả quan.
Link nguồn bài viết
https://thoibaonganhang.vn/tin-dung-chinh-sach-nang-do-quyet-tam-hoan-luong-ky-3-158906.html
Truy cập link gốc
Kỳ 3: Cần cú hích cho gói tín dụng chưa có tiền lệ

Đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Anh Sơn đã giải ngân 2,7 tỷ đồng nguồn vốn theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg cho 32 người chấp hành xong án phạt tù vay phát triển kinh tế

Kịp thời, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay

Sau 1 năm triển khai chương trình tín dụng ưu đãi dành cho người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá trở về địa phương, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, có thể khẳng định rằng, Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách cần thiết, phù hợp và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Sau hơn 1 năm triển khai Quyết định 22/2023/QĐ-TTg, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Anh Sơn đã thực hiện cho vay 32 người chấp hành xong án phạt tù với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Từ nguồn tín dụng ưu đãi này, những người từng lầm lỡ trở về bước đầu đã tạo được sinh kế ổn định. Ông Hoàng Quyền, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, cho biết: “Nguồn vốn từ chính sách ưu đãi này không chỉ là nguồn lực giúp người chấp hành xong án phạt tù phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo mà còn là nguồn động viên tinh thần để họ đoạn tuyệt với quá khứ, làm lại cuộc đời, qua đó giảm tỷ lệ tái phạm tội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn”.

Theo đánh giá của Chi nhánh Ngân hàng CSXH Nghệ An, thông qua báo cáo, giám sát của Tổ tiết kiệm và vay vốn các xóm, công an và chính quyền các cấp, khách hàng thuộc đối tượng được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi này đã thực hiện đúng cam kết, kế hoạch sử dụng nguồn vốn trong hồ sơ vay vốn được phê duyệt. Các mô hình sản xuất, kinh doanh đã bước đầu phát huy được hiệu quả khả quan. Đặc biệt, đến thời điểm này, ngành chức năng chưa phát hiện ai trong số những người đã được giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi vi phạm pháp luật hay vi phạm các quy định của địa phương nơi cư trú.

Ông Hoàng Sơn Lam, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An đánh giá cao sự phối hợp của ngành công an, chính quyền các địa phương trong thực hiện chương trình tín dụng ưu đã theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg

Có được kết quả trên, theo ông Hoàng Sơn Lam, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An, ngoài việc giải ngân kịp thời nguồn vốn, thủ tục nhanh gọn, sự cố gắng, nỗ lực của chính người vay, không thể không nhắc tới công tác phối hợp triển khai của ngành công an, chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chính trị xã hội là đơn vị ủy thác của ngân hàng.

“Lực lượng công an là người nắm rõ, sát, cụ thể, đánh giá khách quan về ý thức chấp hành pháp luật cũng như ý chí vươn lên của người chấp hành án phạt tù, làm căn cứ quan trọng để bình xét đối tượng được vay vốn. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới vai trò của Tổ tín dụng, vay vốn và chính quyền các địa phương trong việc đánh giá tiêu chí, điều kiện của người làm hồ sơ vay vốn, đảm bảo sự khách quan, minh bạch, đúng đối tượng. Đây là những “cửa ngõ”, “rào chắn” để ngăn ngừa, giảm thiểu những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình triển khai chương trình tín dụng ưu đãi theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”, ông Hoàng Sơn Lam chỉ rõ.

Tăng nguồn vốn ủy thác

Những hiệu quả bước đầu sau một năm triển khai cho thấy tác động mạnh mẽ, sâu rộng của Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong hỗ trợ người lầm lỗi phát triển kinh tế, ổn định đời sống, vươn lên hòa nhập với cuộc sống. Bên cạnh đó, chương trình tín dụng ưu đãi này đã có đóng góp quan trọng trong ngăn ngừa tái phạm, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương.

Tuy nhiên, với địa phương có người chấp hành xong án phạt tù trở về đông như Nghệ An, nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, người chấp hành án xong án phạt tù trở về ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi, còn nhiều hạn chế trong tiếp cận thông tin về chính sách ưu đãi này. Thiên tai, dịch bệnh... vẫn là mối đe dọa hiện hữu đối với các mô hình phát triển kinh tế của người vay vốn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổ trưởng Tổ kế hoạch và nghiệp vụ, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Hợp cho biết, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp UBND huyện, Công an huyện, chính quyền các địa phương để thông tin sâu rộng hơn về chương trình tín dụng ưu đãi này của Chính phủ. Bên cạnh đó, đơn vị cũng chủ động phối hợp với công an, cập nhật thường xuyên danh sách người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương để tiếp cận, thông tin về Quyết định 22/2023/TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch triển khai của Ngân hàng CSXH các cấp.

Nguồn vốn vay ưu đãi giúp người lầm lỡ có động lực vượt mặc cảm, phát triển kinh tế, vươn lên tái hòa nhập cộng đồng

“Khó khăn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là nguồn vốn thực hiện chương trình. Nguồn cho vay theo chương trình này tại địa phương đang là nguồn cấp từ Ngân hàng CSXH tỉnh, chưa có nguồn ủy thác từ ngân sách huyện”, ông Tuấn Anh cho hay. Đây cũng là tình trạng chung của các Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh Nghệ An.

Về vấn đề này, ông Hoàng Sơn Lam, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An, cho biết, nguồn vốn Ngân hàng CSXH huy động, thời gian qua, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu vay vốn của người chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương. Tuy nhiên, để đáp ứng đầy đủ, chủ động nguồn vốn để kịp thời cho vay các đối tượng được thụ hưởng trong năm 2025 và những năm tới, Ngân hàng CSXH cần có thêm nguồn vốn bổ sung từ ngân sách địa phương.

“Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản đề nghị Công an tỉnh Nghệ An đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính bố trí nguồn ngân sách địa phương để ủy thác cho ngân hàng, đảm bảo đáp ứng đủ nguồn vốn trong điều kiện nhu cầu của người vay ngày càng tăng lên, phát huy tốt hơn nữa tính ưu việt và tính nhân văn của chính sách tín dụng chưa có tiền lệ này”, ông Hoàng Sơn Lam chia sẻ.

Tuệ Minh - Khang Hòa