Thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp tại Nghệ An

01/07/2022 10:12
Với những bất cập về cung - cầu nên chuyển đổi số được kỳ vọng là một trong những giải pháp giúp nông nghiệp Việt Nam vượt khó và tận dụng cơ hội khi bước vào hội nhập. Nông nghiệp Nghệ An đã và sẽ làm gì để ứng dụng hiệu quả công nghệ và đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số?
Link nguồn bài viết
Thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp tại Nghệ An
https://baomoi.com/thuc-day-chuyen-doi-so-trong-san-xuat-nong-nghiep-tai-nghe-an/c/43044410.epi
Truy cập link gốc
Những bước đi đầu tiên

Dù khởi động chậm hơn một chút nhưng Nghệ An đã có những bước đi đầu tiên trong ứng dụng chuyển đổi số. Cụ thể, trên cơ sở các sản phẩm được xây dựng hồ sơ quản lý chất lượng, nhãn hiệu hay xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn Ocop, một số tổ hợp tác và hộ gia đình đã tự làm cấp mã vạch, dán mã QR để giới thiệu, bán hàng trực tuyến. Tỉnh cũng đã phối hợp với Tập đoàn Viettel để giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tại Trang Thương mại trực tuyến Vỏ sò; ký kết hợp tác với Công ty Alibaba để đưa sản phẩm vào chuỗi, tổ chức sự kiện Live tream giới thiệu cam ở Yên Thành.

Máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật tại nhà máy mía

Nhờ mở ra hướng đi này nên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như cam, ổi, rau sạch… đến được với người tiêu dùng, ít xảy ra hiện tượng “giải cứu”. Tuy vậy, đại diện Phòng quản lý khoa học công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu thực tế, do hạ tầng còn nhiều bất cập và các nền tảng công nghệ thông minh, từ con người đến các phần mềm còn hạn chế nên chắc chắn quá trình triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hiện, mới chỉ một số mô hình nhà lưới, nhà màng do doanh nghiệp, chủ trang trại lớn trên địa bàn tại huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa, huyện Anh Sơn có ứng dụng công nghệ tự động vào giám sát, điều chỉnh phun tưới cho cây; tỉnh đã có một số sản phẩm nông nghiệp tốt được thị trường đánh giá cao như mô hình sản xuất mỳ gói bằng hoa quả, nuôi gia cầm bằng thảo dược… nhưng quy mô còn nhỏ hẹp.

Sớm ban hành Kế hoạch hành động

Trường Phòng Quản lý Khoa học Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp Nghệ An Ngô Hoàng Khanh cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới có văn bản chỉ đạo về đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số. Dự kiến, sau khi Tỉnh có Nghị quyết về chuyển đổi số, ngành sẽ có kế hoạch, bước đi cụ thể hơn về chuyển đổi số. Trước mắt, trên cơ sở Đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, ngành sẽ xây dựng kế hoạch lựa chọn nội dung phù hợp và khả thi với điều kiện thực tế của địa phương.

Đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử

Thực tiễn cho thấy, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong nông nghiệp còn bao gồm trang bị các thiết bị, phần mềm cảm ứng thông minh trên khu vườn hay gia trại của mình, người làm vườn không nhất thiết phải có mặt tại gia trại. Sau khi được đầu tư đồng bộ, mỗi nông dân cùng một lúc có thể chăm sóc, quản lý hàng trăm ha rau màu, gia trại cây ăn quả vì chỉ cần 1 thao tác trên phần mềm thông minh thì vườn sẽ được tưới, lô sản phẩm bị lỗi sẽ được phát hiện. Quy trình trên được kết nối với hệ thống quản lý, giám sát chất lượng nên không thể tùy tiện khai thác, thu hoạch sau khi phun, tưới các dung dịch, hóa chất mà chưa đủ ngày.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An Cao Xuân Tuấn cho hay, sở dĩ bất kỳ người dân ở Nhật nào làm nông nghiệp, nếu sản xuất ra nhưng tiêu dùng trong gia đình không hết thì có thể mang ra bất kỳ cửa hàng thuộc chuỗi siêu thị nào ở gần để ký gửi, nhờ bán. Khách hàng bất kỳ đến mua và yên tâm dùng sản phẩm, không phải lo nghĩ về chất lượng vì mỗi sản phẩm đều gắn liền với tên tuổi của từng chủ hộ đã được cơ quan chức năng giám sát, cấp phép.

Từ thực tế trên có thể cho thấy, chuyển đổi số trong nông nghiệp ở nước ta nói chung và Nghệ An nói riêng đang ở mức độ sơ khai. Trên thực tế, trong hơn 1.400 nhãn hiệu hàng hóa được tỉnh kiểm tra và cấp nhãn hiệu, thì mới chỉ có vài chục sản phẩm nông nghiệp tỉnh có mã vạch hay dán QR. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho trang thiết bị cũng còn hạn chế, tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ đủ lớn khiến doanh nghiệp chưa mặn mà và người dân khó tiếp cận.

Để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trên lĩnh vực nông nghiệp, Nghệ An cần sớm ban hành Kế hoạch hành động. Theo đó, cùng với tiếp tục nghiên cứu cơ chế thuê lại đất của nông dân hoặc tổ chức dồn điền đổi thửa 1 lần nữa để tích tụ ruộng đất cho doanh nghiệp, hộ nông dân có năng lực đầu tư hạ tầng, làm nông nghiệp thông minh. Mặt khác, tỉnh cũng cần hỗ trợ xây dựng các mô hình thí điểm, trình diễn; thường xuyên động viên, đồng hành với nông dân trong kết nối, tổ chức các diễn đàn, gian hàng bán hàng trực tuyến; có cơ chế để các sản phẩm sạch, uy tín được vào các trang mạng bán hàng trực tuyến quốc gia, quốc tế để khuyến khích nông dân làm và tiêu dùng các sản phẩm sạch, đạt chuẩn an toàn.

Bài và ảnh: Nguyễn Hải