Link nguồn bài viết https://vanhoavaphattrien.vn/thanh-co-vinh-a26941.html
Truy cập link gốc
Cửa Tiền - Một trong những cổng thành của Thành cổ Vinh. Ảnh: Nguyễn Diệu Nét đẹp hoài cổ “Nếu chợ Vinh là yếu tố “thị”, thì thành Nghệ An là yếu tố “đô” và yếu tố “thành” trong 3 yếu tố tạo nên đô thị Vinh. Thành Nghệ An là nơi đặt trụ sở của chính quyền Nam Triều tại tỉnh. Đồng thời, thành - với nghĩa đen là thành lũy, thành quách cũng chính là một công trình phòng thủ quan trọng để bảo vệ chính quyền. Thành Nghệ An là một di sản có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc.
Theo thông tin
“Di tích thành cổ Nghệ An qua Di sản Mộc bản triều Nguyễn” đăng trên cổng thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An thì vào năm Nhâm Tuất (1802), vua Gia Long giành được chính quyền từ triều Tây Sơn. Mặc dù rất thù ghét Quang Trung - Nguyễn Huệ, nhưng vị vua đầu tiên của triều Nguyễn cũng không thể làm ngơ khi núi Quyết, sông Vĩnh đã từng là nơi đế đô của triều đại cũ. Chính vì vậy, vào năm Giáp Tý (1804), Thế tổ Cao Hoàng đế đã cho khởi công xây dựng thành. Tuy nhiên, do muốn xóa đi dấu vết triều Tây Sơn nên vua Gia Long đã chọn vùng đất Yên Trường để xây dựng trung tâm hành chính, chính trị mới. Lỵ sở Nghệ An ở quanh Lam Thành dần đi vào dĩ vãng.
Việc chuyển dời địa điểm của vị vua đầu tiên triều Nguyễn được Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 24, mặt khắc 12 ghi lại rằng:
“Dời trấn thành Thanh Hoa (Hóa) và Nghệ An đi nơi khác. Trước là khi vua Bắc tuần, xa giá đi qua lỵ sở hai trấn ấy. Lỵ sở Thanh Hoa cũ ở xã Dương Xá huyện Đông Sơn, lỵ sở Nghệ An cũ ở xã Dũng Quyết huyện Chân Lộc, bàn muốn dời đi nơi khác, bèn trải xem địa thế, định lấy Thọ Hạc (tên xã, thuộc huyện Đông Sơn) làm trấn lỵ Thanh Hoa, Yên Trường (tên xã, thuộc huyện Chân Lộc) làm trấn lỵ Nghệ An, đến nay bắt dân xây đắp”.Cửa Tiền là cửa chính hướng về phía nam với ý thức hướng về kinh đô Huế, là cửa để vua ngự giá. Ảnh: Nguyễn DiệuNăm Tân Mão (1831), vua Minh Mạng mới bắt đầu cho xây dựng thành tỉnh một cách kiên cố. Về việc xây dựng thành, Mộc bản triều Nguyễn, sách Minh Mệnh chính yếu, quyển 23 ghi ngắn gọn rằng:
“Xây đắp thành tỉnh Nghệ An, sai quan Thống chế là Đỗ Quý đốc suất việc làm. Lại sai quan tỉnh cho khai cừ lạch ở bờ hào bên hữu trước Kinh thành cho thông với sông lớn”. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 72, mặt khắc 5 ghi chép rõ ràng, cụ thể hơn:
“Xây thành trấn Nghệ An. Một cửa tiền, một cửa tả, một cửa hữu. Thân thành, mặt ngoài cao 11 thước 5 tấc, móng sâu 1 thước, trên dày 2 thước 7 tấc, dưới dày 4 thước; mặt trong cao 6 thước 7 tấc, móng sâu 5 tấc, trên dày 2 thước 3 tấc, dưới dày 3 thước. Lấy 1.000 binh Thanh Hoa, 4.000 binh Nghệ An làm việc, sai Thống chế Tả dinh quân Thần sách là Đỗ Quý đốc suất công việc. Hơn một tháng công việc xong, thưởng Đỗ Quý gia một cấp, thưởng biền binh hơn 10.000 quan tiền, lại cho ăn yến một bữa, xem hát một ngày. Lại hạ lệnh cho trấn thần khai một con ngòi ở bờ hào bên hữu mặt trước thành thông ra sông cái (con ngòi trên rộng 5 thước dưới rộng 3 thước, sâu 4 thước)”.Việc chọn đất và hướng xây thành là dựa trên thuyết phong thủy phương Đông. Phía Đông Nam thành là dãy núi Hồng Lĩnh gắn liền với huyền thoại 100 con chim phượng hoàng đi tìm tổ ấm, phía Tây thành là dãy Thiên Nhẫn với 1.000 đỉnh, phía trước mặt có dãy Lam Thành với ba ngọn Triều Khẩu, Phượng Hoàng, Nghĩa Liệt đứng kề ngã ba Tam Chế của sông Lam, làm tiền án, ngay phía trước mặt là sông Cồn Mộc quanh co đổ ra ngã ba Hạc làm tiền thủy.
Tại Cửa Tiền, nhà vua được nghênh tiếp một cách long trọng, các quan trong lục bộ triều đình và tổng đốc ra vào cũng được nghênh đón. Ảnh: Nguyễn Diệu Thành tỉnh Nghệ An, trong dân gian còn được gọi tên là thành con rùa (thành quy hình). Sở dĩ gọi là thành con rùa, bởi thành được xây theo hình lục giác (6 cạnh), đứng trên núi Quyết nhìn xuống trông giống như con rùa. Thành được xây dựng trên diện tích khoảng 420.000m2, chu vi là 2.520m, kết cấu bao gồm 2 vòng thành: vòng thành trong và vòng thành ngoài.
Mộc bản triều Nguyễn sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 209, mặt khắc 34 ghi về quy mô của thành tỉnh Nghệ An như sau:
“Thành tỉnh Nghệ An ở huyện Chân Lộc, phủ Anh Sơn chu vi 630 trượng, cao 1 trượng 1 thước 5 tấc, xây gạch, 3 cửa, 1 kỳ đài, hào rộng 5 trượng, đắp năm Minh Mạng thứ 12”.Đến năm Giáp Tuất (1874), chuẩn theo lời xin của quan tỉnh Nghệ An là Nguyễn Chính và Vũ Trọng Bình, vua Tự Đức đã quyết định cho xây thêm thành tỉnh Nghệ An. Thành trước cao 1 trượng, 1 thước, 5 tấc, nay xây cao thêm 1 thước, dày 1 thước 2 tấc.
Trong quá trình xây dựng, vua Tự Đức đã cho lấy 8.599 phiến đá sò từ Diễn Châu và đá ong từ Nam Đàn, 4.848 cân vôi, 155 cân mật mía, với tổng kinh phí là 3.688 quan tiền - một số tiền khổng lồ lúc bấy giờ để xây dựng. Như vậy đủ thấy quy mô xây dựng thành và vị thế của thành rất quan trọng dưới triều Nguyễn.
Dưới triều Nguyễn, việc xây dựng thành cổ Nghệ An nhằm tạo ra một trung tâm chính trị, quân sự, đồng thời là công trình phòng thủ của tỉnh. Vì vậy, để bảo vệ thành, sau khi xây dựng xong, vua Minh Mạng đã cho chia đặt quanh thành tỉnh Nghệ An 16 cỗ hồng y cương pháo, 4 cỗ phách sơn cương pháo và 16 cỗ quá sơn đồng pháo.
Cửa Tả. Ảnh: Nguyễn DiệuMột công trình có kiến trúc độc đáo Hiện nay, toàn bộ Thành cổ chỉ còn tồn tại 3 cổng thành và 1 cầu ở phía cổng Hữu, còn hệ thống tường thành hầu như không còn nguyên vẹn, nếu không nói là hư hỏng, chỉ còn những đoạn bờ thành bằng đất ở phía đông. Cổng thành có kiến trúc theo kiểu vòm cuốn (đặc điểm nổi bật của kiến trúc thành lũy thời Nguyễn), xây bằng gạch đất. Lối vào của cổng thành cũng có kiến trúc theo kiểu vòm cuốn bao gồm 3 lớp, lớp ngoài và lớp trong cùng được cuốn dọc, lớp chính giữa cuốn ngang và được xây cao hơn.
Thành có 3 cửa ra vào: Cửa Tiền, cửa Tả và cửa Hữu. Cửa Tiền là cửa chính hướng về phía nam với ý thức hướng về kinh đô Huế, là cửa để vua ngự giá. Nhà vua được nghênh tiếp một cách long trọng tại đây, các quan trong lục bộ triều đình và tổng đốc ra vào cũng được nghênh đón.
Cửa Tả mở về hướng Đông. Chính giữa phía trên vòm cổng khắc hai chữ Hán: “Tả môn”. Phần móng của cổng nay đã bị lấp kín bởi đoạn đường đã được rải nhựa năm 1990.
Cửa Hữu được mở về hướng Tây. Phần móng trung gian còn lộ ra những phiến đá xanh được mài nhẵn với nhiều kích thước khác nhau.
So với cổng Tiền và cổng Tả thì thân cổng Hữu vẫn còn nguyên vẹn hơn cả. Đứng ở giữa cổng thành ta vừa có cảm giác như đứng ở giữa một ngôi nhà nhỏ kiên cố, lại vừa có cảm giác như đứng trong một lô cốt chắc chắn.
Trong quá trình xây dựng, vua Tự Đức đã cho lấy 8.599 phiến đá sò từ Diễn Châu và đá ong từ Nam Đàn, 4.848 cân vôi, 155 cân mật mía, với tổng kinh phí là 3.688 quan tiền... Ảnh: Nguyễn DiệuNgoài ra, Thành cổ Vinh gồm 2 vòng thành: Vòng thành trong và vòng thành ngoài. Cùng với hệ thống thành cao là hệ thống hào sâu. Hào được đào sát bờ thành để lấy đất đắp lũy thành và cũng là hệ thống bảo vệ, tăng thêm sự khó khăn khi đối phương tấn công vào. Hệ thống hào hàng năm còn được thả sen để lấy hạt cống nạp triều đình.
Có thể nói, thành Nghệ An được thiết kế như một pháo đài quân sự, có khả năng phòng thủ cao. Trên đường vào các cổng thành, bắc qua hào sâu thì được xây cầu để đi lại. Cầu được xây theo kiểu vòm cuốn. Dưới phần móng xây bằng đá rất kiên cố. Cầu rộng 4,42 m, cao 2,5m lòng cầu rộng 3,5m thuyền có thể qua lại dưới vòm cầu dễ dàng.
Vào thời Nguyễn, bên trong thành, công trình lớn nhất là hành cung. Cùng với đó là các cơ quan như dinh thống đốc, dinh bố chánh, lãnh binh, dinh đốc học, trại lính và nhà ngục. Toàn bộ thành được trang bị 65 khẩu thần công, 47 khẩu đặt ở các vọng gác, số còn lại tập trung ở hành cung và dinh thống đốc.
Cửa Tả mở về hướng Đông. Ảnh: Nguyễn DiệuĐể Thành cổ Vinh phát huy được các giá trị văn hóa, lịch sửThành Vinh ra đời nhằm tạo ra một trung tâm chính trị, quân sự, vừa là một công trình phòng thủ của tỉnh Nghệ An.
Năm 1885, thực dân Pháp nổ súng xâm lược đất nước ta, chế độ phong kiến nhà Nguyễn chống cự yếu ớt nên thành Vinh nhanh chóng rơi vào tay thực dân Pháp. Kể từ đó, Thành Vinh đã trở thành chứng tích của một thời kỳ bi thương mà hào hùng của nhân dân Nghệ An.
Nơi đây chứng kiến sự đấu tranh dũng cảm của bà Nguyễn Thị Thanh - chị gái của Bác. Bà đã tổ chức lấy trộm súng của doanh trại để cho nghĩa quân có đủ vũ khí đánh úp thành. Việc bị bại lộ, bà bị bắt và bị giải vào nhà Lao Vinh, bị tra tấn dã man. Phiên tòa ngày 4/6/1918 đã xử bà chịu đánh 100 trượng và đày khổ sai 9 năm.
Tiếp đó là thời kì sục sôi khí thế của cao trào cách mạng 1930 - 1931. Thành Vinh trở thành nơi chứng kiến những cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt, tinh thần dũng cảm hi sinh của nhân dân xứ Nghệ để làm nên một đỉnh cao Xô Viết.
Đến năm 1941, thành Vinh lại chứng kiến sự hi sinh của Đội Cung và những binh sỹ yêu nước đứng trong hàng ngũ quân đội Pháp.
Thành Vinh còn là nơi chứng kiến cuộc gặp gỡ của Bác Hồ và nhân dân Nghệ An trong 2 lần về thăm quê hương. Bia dẫn tích nay vẫn còn ghi: “Nơi đây vào 14h ngày 14 tháng 7 năm 1957 Bác Hồ đã nói chuyện với cán bộ và nhân dân Nghệ An sau 50 năm xa quê”.
Với nhiều ý nghĩa, giá trị, cụ thể là việc bảo tồn, tôn tạo Di tích Thành cổ Vinh, cuối tháng 12/2023, tỉnh Nghệ An có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bảo tồn, tôn tạo di tích Thành cổ Vinh.
Trong nội dung quy hoạch xây dựng nêu rõ: Thành cổ Vinh là khu bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử kết hợp du lịch di sản đô thị, thương mại dịch vụ, thể dục thể thao. Quy mô diện tích khoảng 39,75 ha (được giới hạn bởi Hào Thành cổ). Với dân số hiện trạng khu quy hoạch (khoảng) 2.549 người (714 hộ). Dự báo đến năm 2030 (khoảng) 2.700 người.
Khu văn hóa, lịch sử: Công trình (bao gồm 09 công trình đã được Bộ Văn hóa và Thể thao xếp hạng) được giữ nguyên tại vị trí hiện có và khôi phục lại; các công trình này được khoanh vùng bảo vệ theo quy định. Cụ thể: Cổng Tiền; Cổng Tả; Cổng Hữu; Bia dẫn tích, đài tưởng niệm Bác Hồ; Bốt gác; Bờ thành phía Đông Bắc; Bờ thành (cũ) phía Bắc; Hố bom; Bờ Thành (cũ) phía Nam; Hào thành.
Chính giữa phía trên vòm Cửa Tả khắc hai chữ Hán “Tả môn”. Ảnh: Nguyễn DiệuCông trình bảo tàng: Được giữ nguyên tại vị trí hiện có, gồm: Bảo tàng Xô Viết Nghệ tĩnh, Bảo tàng Nghệ An, mật độ xây dựng tối đa 40%, tầng cao 03 tầng. Quảng trường được bố trị tại trung tâm Thành cổ, phía Nam đường Đào Tấn, có chức năng chính là phục vụ các sự kiện văn hóa nghệ thuật, thể thao lớn của Thành phố. Ngoài ra, còn có khu cây xanh, thể dục thể thao; Khu thương mại dịch vụ gắn với du lịch; Khu nhà ở; Nhà văn hóa khối và trường mầm non.
Thứ tự các hạng mục ưu tiên đầu tư: Các công tác cắm mốc khoanh vùng bảo vệ các di tích lịch sử; Lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu tái định cư; xây dựng trạm xử lý nước thải trong khu quy hoạch; lập kế hoạch tu bổ, tôn tạo một số đoạn thành cổ; cải tạo, phục dựng lại 3 cầu qua 3 cống (cổng Tiền, cổng Tả, cổng Hữu) có hình ảnh tương đồng với hiện trạng; Xây dựng các khu dịch vụ theo quy hoạch; đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng; đầu tư đồng bộ các công trình trong khu quy hoạch; lập kế hoạch di dời các cơ quan, trụ sở ra khỏi Thành cổ.
Nguồn vốn thực hiện: Từ nguồn ngân sách của TP Vinh và các nguồn xã hội khác.
Năm 1998, Thành cổ Vinh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích Quốc gia.Năm 2004, UBND TP Vinh đã triển khai dự án tu bổ, phục hồi 3 cổng thành. Ảnh: Nguyễn DiệuViệc tỉnh Nghệ An có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bảo tồn, tôn tạo di tích Thành cổ Vinh đều được các hộ dân nơi đây đồng thuận.
Ông Đặng Hiếu Lam - Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, TP Vinh, mong muốn các cấp, ngành quan tâm mạnh mẽ hơn. Đồng thời cần có dự án để đầu tư sớm, đồng bộ theo quy hoạch để Thành cổ Vinh phát huy được các giá trị di tích văn hóa, lịch sử.
Và không chỉ các hộ dân trong Thành cổ mà toàn nhân dân phường Cửa Nam đều mong muốn Thành cổ sẽ là địa điểm du lịch văn hóa, lịch sử đồng bộ, bài bản, điểm nhấn lớn, bền vững của TP Vinh.
Sau bao nhiêu năm, lịch sử đã sang trang, cảnh vật đã đổi khác, nhưng Thành cổ Vinh vẫn sừng sững, uy nghiêm, không thể thay thế, như một biểu tượng lưu dấu mãi trong tâm trí bao thế hệ./.
Nguyễn Diệu