Sớm đưa Nghệ An thành Trung tâm khoa học công nghệ vùng Bắc Trung Bộ

30/05/2023 11:55
Giai đoạn 2017 đến nay, Nghệ An đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ theo định hướng phát triển Nghệ An thành Trung tâm khoa học công nghệ vùng Bắc Trung Bộ.
Link nguồn bài viết
https://baonghean.vn/som-dua-nghe-an-thanh-trung-tam-khoa-hoc-cong-nghe-vung-bac-trung-bo-post270393.html
Truy cập link gốc
Sáng 30/5, tại thị xã Cửa Lò, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ”.

Toàn cảnh Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ”. Ảnh: Thanh Phúc

Dự hội thảo có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Phạm Thế Dũng - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An.

Nhiều chính sách hỗ trợ ứng dụng đổi mới công nghệ và sáng tạo

Ông Phạm Thế Dũng - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Thanh Phúc

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả. Với tinh thần lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành: Nông nghiệp, Công nghiệp, Y - Dược, nhằm nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, năng lực hấp thu công nghệ của doanh nghiệp.

Cùng với đó, tạo ra các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm theo chủ trương, định hướng của Nhà nước; hình thành và phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt, có khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá thành.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động tìm kiếm, kết nối, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác giữa trường đại học, doanh nghiệp và địa phương trong nghiên cứu, chuyển giao, thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội.

Đại diện Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ giới thiệu các chính sách hỗ trợ hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và sáng tạo. Ảnh: Thanh Phúc

Đặc biệt, tập trung nguồn lực đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN, đồng thời chú trọng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng để phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo đảm an ninh-quốc phòng, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng xây dựng, thúc đẩy các giải pháp thu hút nguồn lực xã hội, đặc biệt là từ Quỹ phát triển KH&CN của các doanh nghiệp để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thúc đẩy các giải pháp đồng bộ để phát triển thị trường KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Tại hội thảo, các địa phương, đơn vị cũng đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai các chính sách và mô hình hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, nghe các đại biểu trình bày một số kết quả nghiên cứu về ứng dụng công nghệ như: Công nghệ IoT và Ứng dụng; Công nghệ Cacbon hữu cơ và cải tạo môi trường; Ứng dụng IoT tối ưu hóa nguồn năng lượng từ Biogas trong các trang trại chăn nuôi; Máy tính sử dụng năng lượng xanh…

Nghệ An - Địa phương tiêu biểu trong ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào đời sống

Tiến sĩ Nguyễn Viết Hùng - Phó Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ Nghệ An chia sẻ kết quả về ứng dụng KH&CN vào đời sống ở Nghệ An. Ảnh: Thanh Phúc

Theo Nghị quyết 26/NQ-TW năm 2013 về phát triển Nghệ An, Trung ương định hướng phát triển Nghệ An thành Trung tâm khoa học công nghệ vùng Bắc Trung Bộ; trong đó, phát triển hệ thống các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ. Đồng thời, thu hút các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của các bộ, ngành Trung ương về địa bàn. Theo đó, giai đoạn 2017 đến nay, Nghệ An đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.

Cụ thể: Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, mức hỗ trợ 30% tổng đầu tư của dự án, với số tiền được hỗ trợ không quá 1 tỷ đồng/1 dự án. Theo đó, đã hỗ trợ 11 dự án đầu tư đổi mới công nghệ, với tổng số tiền hỗ trợ là 7,784 tỷ đồng; Hỗ trợ về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho 108 doanh nghiệp với tổng kinh phí là 1,652 tỷ đồng; Hỗ trợ về Sở hữu trí tuệ cho 222 văn bằng, với tổng kinh phí hỗ trợ đã hỗ trợ là 4,396 tỷ đồng.

Mô hình ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An ngày càng được nhân rộng. Ảnh: Thanh Phúc

Đặc biệt, giai đoạn 2017-2022, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành triển khai xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút được nhiều nhà đầu tư mới. Đặc biệt, UBND tỉnh phê duyệt “Kế hoạch hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo đến năm 2025”, khai trương không gian làm việc chung để hỗ trợ đào tạo, huấn luyện startup và kết nối với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.

Mặt khác, tổ chức nhiều hoạt động về khởi nghiệp như: Techfest vùng Bắc Trung Bộ; Ngày hội đầu tư - Demo Day, Cuộc thi Hackathon Nghệ An; Ngày hội khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo tỉnh Nghệ An, Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo Nghệ An mở rộng”, các talk show chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp…

Năm 2022, Nghệ An vinh dự được nhận danh hiệu “Địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo bình chọn.

Việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm. Ảnh: Thanh Phúc

Để phát huy kết quả đã đạt được và tiếp tục triển khai tốt các kế hoạch dài hạn trong thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, tại hội thảo, Nghệ An đã có nhiều kiến nghị, đề xuất: Đề nghị Bộ KH&CN hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức có liên quan đến hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tăng cường các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ trực tiếp các sáng chế, giải pháp hữu ích đã được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ để có thể thương mại hóa, tạo sản phẩm.

Thường xuyên tổ chức các hội chợ công nghệ, thiết bị và kết nối cung cầu địa phương, khu vực, liên khu vực nhằm đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu và các sản phẩm KH&CN; đồng thời xem xét rút ngắn thời gian cấp văn bằng bảo hộ về sở hữu công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Thanh Phúc