Sổ sức khỏe điện tử ở Nghệ An: Đã có 11 cơ sở y tế triển khai bệnh án điện tử

23/10/2024 18:16
Theo đại diện Sở Y tế Nghệ An, việc triển khai sổ sức khỏe điện tử tại một số bệnh viện đã mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác khám chữa bệnh.
Link nguồn bài viết
https://suckhoedoisong.vn/so-suc-khoe-dien-tu-o-nghe-an-da-co-11-co-so-y-te-trien-khai-benh-an-dien-tu-169241023094125992.htm
Truy cập link gốc
Sẽ nhân rộng ra toàn tỉnh

Tại Nghệ An, theo tìm hiểu, phần lớn các bệnh viện công lập đã và đang triển khai sổ sức khỏe điện tử, nhiều nơi vẫn duy trì song song với sổ khám bệnh truyền thống. Từ tháng 4/2022, Sở Y tế Nghệ An đã ban hành Công văn số 1473 về việc đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai bệnh án điện tử nhằm tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân.

Nhờ đó, người dân có thể dễ dàng nắm bắt thông tin sức khỏe của mình, đồng thời các cơ sở khám chữa bệnh có thể truy cập thông tin sức khỏe ban đầu một cách nhanh chóng, chính xác.

Chuyển đổi số trong ngành y tế mang lại nhiều lợi ích cho người dân, nhân viên y tế và cả nhà quản lý.

DS CKII. Trần Minh Tuệ, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, dự kiến đến năm 2025, 90% người dân Nghệ An sẽ có hồ sơ sức khỏe điện tử, và 100% các cơ sở khám chữa bệnh hạng 1, cả công lập và ngoài công lập, sẽ triển khai bệnh án điện tử.

Theo Sở Y tế Nghệ An, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã có thêm 6 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, gồm: Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An, Bệnh viện Mắt Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông và Bệnh viện Tai - Mũi - Họng miền Trung.

Tính đến nay, trên địa bàn Nghệ An đã có 11 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, trong đó có 8 bệnh viện công lập và 3 bệnh viện ngoài công lập. Dự kiến từ nay đến năm 2028, Nghệ An sẽ chỉ đạo 38 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế còn lại, bao gồm cả công lập và ngoài công lập, hoàn thành việc triển khai bệnh án điện tử.

Việc liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử tại Nghệ An sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng, an toàn và bảo mật thông tin, tuân theo lộ trình chung của Bộ Y tế và đề án 06 của Chính phủ.

Bệnh án điện tử giúp giảm thời gian và chi phí điều trị.

Bệnh án điện tử là phiên bản số hóa của hồ sơ bệnh án giấy, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ trên các phương tiện điện tử, có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương với bệnh án truyền thống. Tất cả thông tin về quy trình chuyên môn, y lệnh, tiền sử và diễn biến điều trị của người bệnh đều được số hóa với dữ liệu chuẩn hóa và liền mạch, giúp giảm thiểu việc sử dụng giấy tờ.

Việc triển khai bệnh án điện tử đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình chuyển đổi số của ngành Y tế, giúp quy trình khám chữa bệnh trở nên nhanh chóng, chính xác và thuận tiện hơn. Người bệnh có thể dễ dàng theo dõi quá trình điều trị, trong khi bác sĩ có thể truy cập và quản lý thông tin mọi lúc, mọi nơi.

Tiến tới Y tế thông minh

Triển khai Nghị quyết số 09 về chuyển đổi số của tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Y tế Nghệ An đã thực hiện nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển y tế thông minh. Những nỗ lực này nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo chỉ đạo, 100% cơ sở khám chữa bệnh từ tỉnh đến huyện, xã đã triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Ngành Y tế cũng đã hoàn thiện kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với Cổng tiếp nhận dữ liệu của hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế.

Hiện nay, hầu hết hồ sơ khám chữa bệnh được tự động đẩy lên cổng dữ liệu của Bộ Y tế và cổng giám định Bảo hiểm y tế theo quy định. Đặc biệt, tỷ lệ hồ sơ giám định trực tuyến gửi đúng hạn đạt trên 98%.

Sở Y tế Nghệ An sẽ tiếp tục triển khai tại một số đơn vị Y tế khác sử dụng sổ sức khỏe điện tử trong khám chữa bệnh cho người dân.

Ngành Y tế Nghệ An chỉ đạo các cơ sở y tế, cả công lập và tư nhân, tiếp đón bệnh nhân bằng thẻ căn cước công dân thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế. Hiện nay, 529/529 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã áp dụng quy trình này. Đồng thời, ngành cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc kê đơn thuốc điện tử và kết nối với hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn và bán thuốc theo đơn.

Đến nay, 899/941 (95,53%) cơ sở khám chữa bệnh đã được Sở Y tế phê duyệt cấp mã liên thông, trong đó 119 cơ sở đã thực hiện liên thông gửi đơn thuốc lên hệ thống.

Ngoài ra, các đơn vị được chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khám, chữa bệnh từ xa, kết nối với các chuyên gia đầu ngành và tổ chức hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện lớn. Điều này nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm thiểu sự di chuyển của bệnh nhân cũng như nhân viên y tế.

Bên cạnh đó, ngành khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký khám bệnh trực tuyến. Để hỗ trợ người dân, thẻ khám bệnh thông minh đã được triển khai, cho phép bệnh nhân đăng ký lấy số khám từ xa, giảm thời gian chờ đợi và tình trạng ùn tắc. Hơn nữa, thẻ này cũng tích hợp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, hiện đã được áp dụng tại 76,3% đơn vị y tế trên địa bàn.

Trong lĩnh vực dự phòng, ngành Y tế Nghệ An đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại Trung tâm Y tế của 21/21 huyện, thành phố, và thị xã. Phần mềm dùng chung đã được áp dụng tại 460/460 trạm y tế. Hệ thống Quản lý thông tin y tế cơ sở chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2022, với 23 module hỗ trợ các cơ sở y tế trong việc quản lý 18 loại sổ sách và báo cáo khác nhau.

Về lập hồ sơ và quản lý sức khỏe người dân, đã có 3.474.783 hồ sơ được khởi tạo trên hệ thống, đạt hơn 97%. Trong số đó, 3.124.908 hồ sơ đã được cập nhật dữ liệu khám chữa bệnh, chiếm 89,93%.

Theo DSCKII. Trần Minh Tuệ, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nghệ An, việc xây dựng ngành y tế thông minh đang gặp không ít khó khăn và hạn chế. Cụ thể, hạ tầng và thiết bị phục vụ cho ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành vẫn còn yếu. Công tác đảm bảo an toàn thông tin cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin còn thiếu hụt.

Các phần mềm phục vụ các chương trình y tế độc lập và quản lý chuyên môn chưa được kết nối liên thông và chia sẻ dữ liệu hiệu quả. Hơn nữa, một số lĩnh vực quan trọng của ngành Y tế vẫn chưa có phần mềm chuyên ngành phù hợp. Mặc dù các cơ sở khám chữa bệnh đang thực hiện lộ trình tự chủ, nhưng giá dịch vụ kỹ thuật chưa được tính toán đầy đủ, do chưa bao gồm chi phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin. Điều này gây khó khăn trong việc cân đối ngân sách và đầu tư cho chuyển đổi số tại các cơ sở y tế.



Hoàng Trinh