Sản phẩm OCOP đi xa nhờ sàn thương mại điện tử

02/09/2024 12:44
Đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử để mang lại lợi ích về chi phí, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh là một trong những cách làm hiệu quả, được Nghệ An áp dụng hiện nay.
Link nguồn bài viết
https://bnews.vn/san-pham-ocop-di-xa-nho-san-thuong-mai-dien-tu/345470.html
Truy cập link gốc
Người dân xã Kim Liên chuyển đổi ruộng lúa thấp trũng năng suất thấp sang trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Tiếp cận thị trường bằng hình thức trực tuyến đang trở thành một xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số. Với sự phát triển mạnh mẽ của internet và nền tảng số, kinh doanh online đã trở thành một kênh bán hàng và tiếp cận khách hàng vô cùng hiệu quả ở Nghệ An. Đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử để quảng bá, kết nối tiêu thụ từ đó mang lại lợi ích vượt trội về chi phí, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh là một trong những cách làm hiệu quả, được nhiều địa phương, doanh nghiệp ở Nghệ An áp dụng hiện nay.

* Kết nối cung – cầu sản phẩm OCOP

Du khách chụp ảnh với những đóa hoa sen. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Từ trước tới nay, Hợp tác xã Sen quê Bác có nhiều giải pháp khai thác tiềm năng và kết nối tiêu thụ sản phẩm từ sen. Đó là xây dựng các tour du lịch trải nghiệm, kết hợp tham quan Làng Sen với các hoạt động trải nghiệm về cánh đồng sen, chế biến sản phẩm từ sen như làm bánh, làm trà; tạo các điểm bán hàng lưu niệm tại các điểm du lịch, sân bay, nhà ga để quảng bá, giới thiệu đến với khách hàng. Ngoài ra, hợp tác xã còn quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội, website và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt, qua tham gia chương trình xúc tiến thương mại do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Nghệ An tổ chức, như các hội chợ, diễn đàn kết nối cung – cầu, sản phẩm của hợp tác xã đã được nhiều doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận mở rộng, phát triển các kênh phân phối, hợp tác với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Ông Phạm Kim Tiến – Giám đốc Hợp tác xã Sen quê Bác cho hay: Qua các diễn đàn xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm là điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã trên địa bàn có cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp từ đó, ký kết cung – cầu sản phẩm hiệu quả nhất, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trước đây, Công ty Hải sản Sơn Huyền, Thị xã Cửa Lò chưa chú trọng đến quảng bá sản phẩm nên mức tiêu thụ chưa cao. Trong xu thế hội nhập kinh tế số, ngoài nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm thì nay đơn vị đã quan tâm đến việc quảng bá sâu rộng hình ảnh, chất lượng, giá trị của thương hiệu hải sản Cửa Lò qua hình thức livestream để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, từ đó tăng thêm doanh thu.

Theo chị Nguyễn Thị Huyền – Giám đốc Công ty Hải sản Sơn Huyền, đây là hình thức kinh doanh không giới hạn về thời gian và không gian, giúp doanh nghiệp tiếp cận, tương tác với khách hàng ở mọi nơi trên thế giới thông qua các nền tảng kỹ thuật số, đồng thời quản lý hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả hơn.

Xúc tiến thương mại trực tuyến đang là giải pháp tối ưu để doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận thị trường, là chìa khóa vàng để hàng Việt vươn ra toàn cầu. Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm chi phí, tăng số lượng tiếp cận thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, trên thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện tốt hình thức này.

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan truyền thống với hàng nghìn sản phẩm, có mặt khắp cả nước và hơn 10 quốc gia ở châu Âu, thế nhưng nói về công tác xúc tiến thương mại, ông Thái Đại Phong – Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong lại thừa nhận chưa chú trọng xây dựng các trang bán hàng qua mạng. Lý giải nguyên nhân, ông Phong cho rằng, sản phẩm của công ty chuyên xuất khẩu, trong khi đó sản phẩm thủ công mỹ nghệ lại khá cồng kềnh, giá thành thấp, chi phí vận chuyển hàng lại cao nên doanh nghiệp đang e ngại.

Trước xu thế số hóa hiện nay, doanh nghiệp đã và đang phải thay đổi mình từ đổi mới, sáng tạo thiết kế mẫu mã các sản phẩm nhỏ gọn hơn nhưng giá trị cao hơn để phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và thuận tiện trong giao dịch thương mại điện tử. Cùng đó, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp trên các mạng xã hội như Pinterest, Instagram, Facebook, Tiktok; tăng cường việc đưa hình ảnh doanh nghiệp, sản phẩm lên trang website do công ty sở hữu; tích cực thay đổi cách tiếp cận khách hàng qua email, gửi e-catalogue, mở rộng thêm hình thức chào hàng…

* Phát triển thương mại điện tử

Giới thiệu sản phẩm từ sen của Hợp tác xã Sen quê Bác. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Từ 2 năm trước, sản phẩm OCOP địa phương chỉ tiêu thụ quanh ở trong tỉnh. Nhưng từ khi tham gia xúc tiến thương mại, đặc biệt bán hàng trực tuyến thì nhiều sản phẩm đã vươn xa cả nước, thậm chí nước ngoài, điều này đã làm gia tăng đáng kể doanh thu cho các cơ sở sản xuất. Theo các cơ sở sản xuất, giá nhiều sản phẩm khi lên sàn thương mại bán online cao từ 3-4 lần so với hình thức offline. Lý do, hàng hóa được đầu tư kỹ lưỡng từ nhãn mác cho tới chất lượng tốt nhất.

Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Nghệ An cũng đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp mạnh dạn đưa sản phẩm hàng hóa của mình tham gia sàn thương mại điện tử, tập huấn kỹ năng bán hàng trên không gian mạng, gian hàng ảo…

Mới đây nhất, Trung tâm đã tổ chức chương trình livestream kết nối và tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An lần thứ 2; hỗ trợ ký kết đưa được 10 sản phẩm và đặc sản tỉnh Nghệ An vào hệ thống siêu thị Go! Vinh; tổ chức nhiều chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại; liên kết, xúc tiến đầu tư hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP các tỉnh, thành trong cả nước tại tỉnh Nghệ An …

Không chỉ khai thác hiệu quả phương thức xúc tiến thương mại truyền thống mà Nghệ An còn đổi mới, đa dạng hóa phương thức xúc tiến thương mại thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động này. Nhất là khi các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ... ngày càng đặt ra nhiều khắt khe về tiêu chuẩn, môi trường, chuyển đổi xanh đối với các nhóm hàng nhập khẩu của Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Lợi – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Nghệ An cho biết, từ nay đến cuối năm, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, quảng bá cho sản phẩm OCOP cũng như điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; tăng cường chuyển đổi số như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.

Bích Huệ/TTXVN