Quỹ Quốc gia GQVL: Là 'cần câu' cho người dân Con Cuông thoát nghèo

21/12/2021 11:33
Trong những năm qua, từ nguồn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, nhiều hộ gia đình ở huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) đã thoát nghèo, làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình. Nguồn vốn này là đòn bẩy giúp người dân huyện miền núi Con Cuông phát triển sản xuất và thoát nghèo bền vững.
Link nguồn bài viết
https://baodansinh.vn/quy-quoc-gia-gqvl-la-can-cau-cho-nguoi-dan-con-cuong-thoat-ngheo-20211221095750.htm
Truy cập link gốc
Con Cuông là huyện miền núi vùng cao biên giới, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An gồm 12 xã và 1 thị trấn với 126 thôn bản. Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh và thông qua các chương trình, dự án được thực hiện có hiệu quả, nổi bật nhất là từ các chương trình chính sách về giảm nghèo, về GQVL, trong đó nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia GQVL đã làm nhiều hộ gia đình ở huyện miền núi Con Cuông đã thoát nghèo, làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình. Nguồn vốn này là đòn bẩy giúp người dân huyện miền núi Con Cuông phát triển sản xuất và thoát nghèo bền vững, tình hình kinh tế của huyện đã có những chuyển biến về mọi mặt.

Thu hoạch thanh long của người dân Con Cuông, Nghệ An

Là huyện miền núi, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Thổ, Kinh cư trú nhưng trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Con Cuông đạt khá cao (hằng năm đạt từ 13-14%). Nông nghiệp đã có bước chuyển biến rõ rệt, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh, tăng vụ, đưa năng suất tăng nhanh. Rừng được bảo vệ, phục hồi tái sinh, tăng độ che phủ gần 80%; từng bước đã hình thành các cơ sở sản xuất, phát triển một số ngành nghề; trung tâm thương mại, các vùng được mở rộng và nâng cấp; văn hóa xã hội có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên đáng kể.

Từ chỗ thiếu đói thường xuyên, đến nay về cơ bản, Con Cuông đã cơ bản tự túc được lương thực. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh tế đưa lại hiệu quả cao, toàn huyện đã có 200 trang trại cho thu nhập 60 triệu đồng/năm, nhiều trang trại cam, mét (luồng) cho thu nhập 100 triệu đồng/năm. Các ngành nghề trước đây bị mai một, nay được khôi phục và là thế mạnh phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhân dân.

Nuôi cá lồng của gia đình ông Vi Văn Đoàn, bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An

Trước đây, gia đình ông Vi Văn Đoàn, bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông là hộ nghèo trong bản. Cuộc sống của gia đình ông Đoàn trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông đã mạnh dạn vay vốn từ nguồn Quỹ Quốc gia GQVL, đầu tư trồng trọt các loại cây lâu năm, chăn nuôi trâu, bò, gà và 5 bè cá lồng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Chỉ sau vài năm, gia đình ông Đoàn đã thoát nghèo và trở thành hộ có kinh tế khá giả nhất bản.

Ông Vi Văn Đoàn cho biết: "Khi ở ngoài bản, gia đình không có việc làm, thế nên vợ chồng con cái bàn nhau vào đây làm kinh tế trang trại. Được Nhà nước giúp đỡ, ông được tham gia Dự án trồng cây mét (nứa) và trồng keo, Dự án nuôi cá lồng. Giờ đây, kinh tế gia đình ông khá vững vàng. Mô hình này của gia đình ông đã được nhân rộng ra các hộ nghèo trong bản.

Từ nguồn vốn cho vay từ Quỹ Quốc gia GQVL, cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở Nghệ An có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, MTTQ, các sở, ban ngành, đoàn thể; sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là tạo được sự lan tỏa, đồng thuận hưởng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Vì thế, mục tiêu GQVL, giảm nghèo trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng chính quyền địa phương.

ông Lô Minh Điệp, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Quế Phong cho biết. “Để GQVL, giảm nghèo cho các địa bàn vùng biên, chúng tôi đã huy động rất nhiều nguồn lực để trao cho người dân cần câu trong công tác giảm nghèo. Từ nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia GQVL, có thể kể đến mô hình trồng chanh leo, nuôi cá lồng, lợn mán ở nhiều địa bàn như Tri Lễ, Đồng Văn, Cắm Muộn... Nhiều gia đình nhờ được cầm tay chỉ việc, được hỗ trợ vay vốn từ nguồn quỹ này và bao tiêu sản phẩm đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế” -

Thực tế cho thấy, từ nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia GQVL, cùng các chương trình giảm nghèo ở địa phương được triển khai nhanh, đồng bộ đã làm cho bộ mặt nông thôn khởi sắc. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên. Bên cạnh đó, các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển được triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm, thực hiện dân chủ công khai, sát với nhu cầu thực tế của người dân. Các công trình đầu tư hoàn thành khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, giải quyết được những khó khăn cho người dân trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

“Ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị còn đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức, tư tưởng, sự nỗ lực vươn lên của chính chủ thể, những người đang thụ hưởng chính sách Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, được hỗ trợ vay vốn từ nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia GQVL, bản thân tự vươn lên thoát nghèo, GQVL, làm giàu chính đáng cho bản thân, cho gia đình cũng như cho quê hương” - Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An nhấn mạnh.

Vườn thanh long của gia đình chị Ngân Thị Quế - thôn Thanh Đào, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An)

Trước đây, gia đình chị Ngân Thị Quế thuộc diện hộ gia đình nghèo ở bản Thanh Đào, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An). Năm 2019, chị được vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Quốc gia GQVL. Tận dụng lợi thế về đất đai, chị mạnh dạn tiên phong đầu tư trồng 400 gốc thanh long. Không phụ công người chăm sóc, vườn thanh long của chị ngày càng tốt tươi, trĩu quả, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Không những thế chị còn cung cấp cây giống, chia sẻ kỹ thuật trồng và tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ trong xã cùng thực hiện, ổn định cuộc sống.

Chị Ngân Thị Quế chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, muốn làm cũng không có vốn. Nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng giờ đây cuộc sống gia đình bớt khó khăn hơn nhiều, có nguồn thu nhập và nuôi được con cái ăn học. Thời gian tới, tôi muốn mở rộng thêm diện tích trồng thanh long, các loại cây ăn quả trên đồi và mở rộng chăn nuôi trâu bò, vươn lên làm giàu.”

Ông Nguyễn Việt Nam - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Con Cuông cho biết: "Mặc dù chưa giàu nhưng gần 500 hộ trên địa bàn huyện đã viết đơn xin thoát ra hộ nghèo trong thời gian qua. Đây là ý thức của người dân; trong đó nguồn vốn của NHCSXH đã góp phần cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo và có nhiều mô hình kinh tế điển hình. Là huyện miền núi còn khó khăn, đồng vốn từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm đến với người nghèo còn mang theo cả sinh kế".

THU HƯƠNG