Phát triển sinh kế bền vững cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng

27/03/2024 08:21
Quản lý rừng có sự tham gia của người dân; thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng; tăng cường thực thi pháp luật đối với vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; cải tiến giải pháp kỹ thuật quản lý rừng sản xuất và huy động nguồn lực cho quản lý, bảo vệ rừng. Đó là những hoạt động chính trong Dự án hỗ trợ kỹ thuật 'Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học' của tỉnh Nghệ An năm 2024.
Link nguồn bài viết
https://baotintuc.vn/xa-hoi/phat-trien-sinh-ke-ben-vung-cho-cac-cong-dong-song-phu-thuoc-vao-rung-20240327074224447.htm
Truy cập link gốc
Người dân xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chăm sóc bảo vệ rừng Pơ mu, Sa mu quý hiếm rộng gần 100ha. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An thiết lập và vận hành mạng lưới quốc gia về quản lý rừng cộng đồng để trao đổi thông tin, bài học kinh nghiệm, thúc đẩy chính sách quản lý rừng cộng đồng; nâng cao năng lực cộng đồng giám sát rừng được giao/nhận khoán; xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng có lồng ghép các vấn đề bình đẳng giới và hòa nhập xã hội (GESI) tại mô hình quản lý rừng cộng đồng (CFM) trình diễn. Cùng với đó, thực hiện hoạt động quản lý rừng bền vững nhằm cải thiện rừng cộng đồng; nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn nhận khoán/cộng đồng tổ chức bảo vệ rừng giao cho hộ gia đình.

Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An phát triển sinh kế bền vững cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng như: Phát triển chuỗi giá trị và tăng cường doanh nghiệp thân thiện với bảo tồn tại khu vực quản lý rừng bền vững, trong đó chú trọng hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị mây, tre, lá; triển khai, phát triển chuỗi giá trị cây dược liệu; tập huấn phương pháp phát triển chuỗi giá trị bền vững cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng…

Giá trị mà rừng Pơ mu, Sa mu mang lại không chỉ là việc giữ rừng, phát triển kinh tế mà còn góp phần giữ gìn văn hóa của người Mông xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Các lực lượng chức năng tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn sản xuất gỗ bền vững của chủ rừng quy mô nhỏ; kết nối thị trường giữa chủ rừng và doanh nghiệp chế biến gỗ; hỗ trợ xây dựng, thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính...

Nghệ An hỗ trợ thực thi pháp luật đảm bảo tính nghiêm minh trong bảo vệ rừng bền vững thông qua phân tích, lập kế hoạch hành động như: Nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm, Công an và các cơ quan khác về phát hiện vi phạm, điều tra để giải quyết tội phạm liên quan đến rừng; hỗ trợ xây dựng năng lực của cơ quan thực thi pháp luật để xử lý tội phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Tỉnh Nghệ An có tổng diện tích rừng gần 965.000 ha, độ che phủ rừng đạt 58,5%. Toàn tỉnh có trên 1.300 hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Năm 2023, nguồn thu của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An là hơn 123,6 tỷ đồng (đạt 102% so với kế hoạch); đã chi cho các chủ rừng với tổng số tiền hơn 115,6 tỷ đồng.

Trịnh Duy Hưng (TTXVN)