Link nguồn bài viết https://baohatinh.vn/noi-toa-sang-cac-di-san-van-hoa-phi-vat-the-viet-nam-post278155.html
Truy cập link gốc
Tiết mục mở màn khai mạc Festival "Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản". Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” diễn ra tại TP Hà Tĩnh từ ngày 27 - 30/11/2024 là sự kiện văn hóa với nhiều hoạt động sôi nổi. Trong đó, có 2 hoạt động hết sức hấp dẫn là: Không gian trưng bày và trình diễn di sản văn hóa kết hợp các sản phẩm du lịch và Liên hoan Các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Cả 2 sự kiện này đều diễn ra tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh.
Theo kế hoạch của Ban Tổ chức, “Không gian trưng bày và trình diễn di sản văn hóa kết hợp các sản phẩm du lịch” sẽ có 6 gian hàng giới thiệu, đến từ các tỉnh: Lâm Đồng, Quảng Nam, Phú Thọ, Bắc Ninh, Nghệ An và Hà Tĩnh. Tại đây, các đoàn sẽ tổ chức trưng bày, giới thiệu các tư liệu, hiện vật tiêu biểu cho di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc; các sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP của địa phương. Bên cạnh đó, các đoàn cũng sẽ tổ chức các chương trình biểu diễn, quảng bá về di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, giao lưu với du khách, khán giả tham quan tại gian trưng bày. Không gian trưng bày và trình diễn di sản văn hóa kết hợp các sản phẩm du lịch sẽ được khai mạc vào sáng 28/11, kéo dài đến ngày 30/11.
Các thành viên đoàn Lâm Đồng chuẩn bị Không gian trưng bày và trình diễn di sản văn hóa kết hợp các sản phẩm du lịch tại festival. Đến với Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”, khán giả cũng sẽ được hòa mình vào Liên hoan Các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc. Liên hoan khai mạc vào tối ngày 28/11. Theo đó, vào các buổi tối từ ngày 28 - 29/11, tại sân khấu chính của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh, đoàn nghệ thuật của mỗi tỉnh biểu diễn một chương trình di sản được UNESCO ghi danh có thời lượng từ 25-30 phút. Bao gồm: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (Lâm Đồng), hát bài chòi (Quảng Nam), hát xoan (Phú Thọ), quan họ (Bắc Ninh), dân ca ví, giặm (Nghệ An), dân ca ví, giặm và ca trù (Hà Tĩnh). Tối 30/11, Ban Tổ chức sẽ chọn những tiết mục xuất sắc nhất của mỗi đoàn (1 tiết mục/1 đoàn) công diễn trong lễ tổng kết và bế mạc festival.
Tiết mục "Đêm trăng hò hẹn" được biểu diễn tại cầu truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật "Đôi bờ ví, giặm" vào tối 27/11/2024 tại TP Hà Tĩnh. Để Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” diễn ra thành công, cùng với Hà Tĩnh, các đoàn đến từ các tỉnh sẽ mang đến nhiều nội dung hấp dẫn, qua đó, nhằm lan tỏa các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Bà Bùi Thị Thanh Minh – cán bộ Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL Quảng Nam) cho biết: “Bên cạnh dàn dựng chương trình tham gia liên hoan các di sản, ở “Không gian trưng bày và trình diễn di sản văn hóa kết hợp các sản phẩm du lịch”, chúng tôi sẽ giới thiệu những nét đặc sắc nhất của nghệ thuật hát bài chòi, các sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP đặc trưng nhất của Quảng Nam.
Đặc biệt, chúng tôi sẽ tái hiện không gian diễn xướng hát bài chòi một cách sinh động, trực quan nhất. Trong đó, có các nghệ nhân đóng các vai như: anh Hiệu, chị Hiệu, phát các bộ bài và mời khán giả, du khách cùng tham gia chương trình hát bài chòi có thưởng… Qua đó, quảng bá và giúp du khách hiểu hơn về văn hóa, con người Quảng Nam, cũng như về nghệ thuật hát bài chòi - di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh đại diện của nhân loại”.
Cùng với trình diễn các tiết mục di sản, đoàn các tỉnh còn giới thiệu các sản phẩm đặc sản địa phương tới du khách gần xa. Cùng với hát bài chòi, đến với Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, khán giả cũng sẽ được hòa mình và khám phá không gian văn hóa di sản của các vùng, miền khác. Cụ thể như: trải nghiệm hát giao duyên quan họ với các liền anh, liền chị; thử tài đánh cồng, đánh chiêng tạo nên bản hòa tấu đại ngàn Tây Nguyên; hay tìm về nguồn cội các Vua Hùng qua di sản hát xoan đến từ Phú Thọ. Đồng thời, được tìm hiểu nhịp phách, tiếng đàn của ca trù Cổ Đạm (Hà Tĩnh), câu hát dân ca ví, giặm xứ Nghệ…
Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” tại Hà Tĩnh là ngày hội lớn, sân chơi hấp dẫn. Đây là dịp để các di sản tiêu biểu, nổi bật của dân tộc đã được UNESCO ghi danh cùng hòa âm giai điệu rộn rã, đa sắc màu của văn hóa truyền thống dân tộc trên vùng đất núi Hồng - sông La.
Các liền anh, liền chị với dân ca quan họ Bắc NinhNhư một đại diện tiêu biểu về di sản văn hóa phi vật thể của vùng Bắc Bộ Việt Nam, nhắc tới dân ca quan họ, khán giả mọi miền đều nghĩ tới những liền anh, liền chị với áo ngũ thân, đầu đội khăn xếp, chít khăn mỏ quạ… cất lên những câu giao duyên ngọt ngào…
Tiết mục hát quan họ giao duyên của đoàn Bắc Ninh tại Liên hoan tiếng hát người cao tuổi khu vực phía Bắc tổ chức tại Hà Tĩnh năm 2023. Dân ca quan họ được hình thành và phát triển từ rất lâu ở vùng văn hóa Kinh Bắc xưa, đặc biệt là khu vực ranh giới 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay. Nơi có dòng sông Cầu chảy qua được gọi là “dòng sông quan họ”. Hiện có 49 làng quan họ ở 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Điều khác biệt là nếu như hát ví, giặm (Nghệ - Tĩnh), hát bài chòi (Quảng Nam)… sinh ra trong lao động, sản xuất thì dân ca quan họ gắn với lễ hội hoặc nhóm người yêu thích thể loại này, gọi là “chơi quan họ”. Quan họ được xem là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. Mỗi một bài quan họ đều có giai điệu riêng, quan họ cổ có các làn điệu tiêu biểu như: la rằng, đường bạn Kim Loan, giã bạn, gió mát trăng thanh, tứ quý…
Việc trình diễn quan họ đòi hỏi nhiều nghi thức, hình thức bắt buộc của người chơi như: các liền anh phải mặc áo dài ngũ thân, cổ đứng, có lá sen, viền tà, gấu to, dài tới quá đầu gối, thường là áo màu đen, quần trắng, đầu đội khăn xếp...; liền chị phải có trang phục bên trong mặc áo yếm lụa rực rỡ, bên ngoài áo ngũ thân “mớ ba mớ bảy”, đầu chít khăn mỏ quạ, đội nón quai thao…
Năm 2009, dân ca quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày nay, dân ca quan họ đang được chính quyền địa phương sở hữu tích cực bảo tồn bằng nhiều hình thức. Trong đó, ngoài các kỳ festival về miền quan họ, thì còn được biểu diễn trong nhiều dịp lễ hội, hoặc trở thành sản phẩm phục vụ khách du lịch tại các điểm đến ở một số tỉnh Bắc Bộ.
Hát xoan - nét văn hóa đặc sắc của vùng đất TổMột trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc được trình diễn tại Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” 2024 là hát xoan. Hát xoan gắn với hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của con người vùng đất cố đô Đền Hùng (Phú Thọ). Có nghiên cứu cho rằng hát xoan ra đời từ thời các Vua Hùng, cách nay hơn 4.000 năm. Tuy nhiên, nhiều làn điệu, lời xoan sưu tầm được ghi nhận sự thể hiện rõ nét của văn học Việt Nam thế kỷ XV, XVI với thể thơ ngũ ngôn chưa hoàn chỉnh, bởi còn có câu 6 chữ.
Hát xoan tại đền Hùng (Phú Thọ). Ảnh: Internet. Hát xoan là một hình thức nghệ thuật trình diễn cộng đồng, bao gồm: hát, múa, gõ trống và phách, thường diễn ra vào mùa xuân, nhất là vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10/3 âm lịch) tại Đền Hùng. Đây là hình thức biểu diễn gắn liền với việc thờ cúng các Vua Hùng, là nguồn gốc của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt; với ý nghĩa tiếng hát dâng thần linh, cầu chúc, khấn nguyện thần linh ban phúc cho dân làng…
Có 3 hình thức hát xoan: hát thờ cúng các Vua Hùng và thần thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe; hát xoan nam nữ hát trao duyên. Trong đó, có các làn điệu như: Hát múa mời rượu, hát tiều ngư canh mục (còn gọi là mò cá), điệu múa hát của ước vọng sinh sôi… Hát xoan còn gọi là hát cửa đình - hát tại các cửa đình làng giữa các địa phương kết nghĩa với nhau. Theo phong tục xưa, dân tại chỗ đóng vai anh, làng khác đóng vai em, khi hai làng kết nghĩa thì trai, gái 2 làng không được kết hôn với nhau. Hát xoan được tổ chức theo phường hát, bao gồm thành viên là những người có quan hệ họ hàng với nhau. Đứng đầu gọi là trùm phường, người tổ chức biểu diễn, đồng thời là nghệ nhân truyền dạy cho các thành viên nghệ thuật hát xoan.
Với nhiều giá trị, năm 2011, hát xoan được UNESCO đưa vào danh mục những di sản phi vật thể nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Nhờ sự nỗ lực của tỉnh Phú Thọ và các cấp, ngành trong bảo tồn và phát huy di sản, năm 2017, hát xoan đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Độc đáo hát bài chòi Quảng NamBài chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian độc đáo, đặc trưng ở miền Trung Việt Nam, về sau đã được phát triển thành một loại hình sân khấu ca kịch. Hát bài chòi được phổ biến ở 11 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, trong đó tập trung ở tỉnh Quảng Nam.
Nghệ thuật hát bài chòi Quảng Nam. Ảnh: Internet. Theo các tư liệu, hát bài chòi ra đời vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, gắn liền với đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt của người dân khu vực Nam Trung Bộ. Lúc đó, để tránh thú dữ trên rừng thường về phá hoại nương rẫy, mùa màng, quấy nhiễu cuộc sống của dân lành, người dân trong các làng đã dựng những chiếc chòi rất cao ở ven rừng. Trên mỗi chiếc chòi cắt cử một thanh niên trai tráng canh gác, nếu thấy thú dữ về phá hoại hoa màu thì đánh trống, hô to để đuổi chúng… Trong quá trình canh chòi, để đỡ buồn chán, người ta đã nghĩ ra cách giao lưu với nhau bằng những câu hát, câu hò, đối đáp qua lại với nhau. Dần dần, họ sáng tạo ra cách ngồi bài tứ sắc, tương tự chơi bài tam cúc ở miền Bắc, vừa chơi bài vừa hô hát theo lá bài. Từ đó hình thành nghệ thuật hát bài chòi và về sau trở thành lễ hội bài chòi thường được tổ chức ở làng quê vào dịp tết Nguyên đán.
Với sự độc đáo và đặc sắc hình thức văn nghệ, trò chơi dân gian, năm 2017, hát bài chòi được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày nay, hát bài chòi thường xuyên được trình diễn ở các lễ hội tại các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng… Hình thức nghệ thuật độc đáo này trở thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách tại nhiều điểm đến ở TP Đà Nẵng, phố cổ Hội An (Quảng Nam)…
Vang vọng núi rừng với cồng chiêng Tây NguyênTại Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” diễn ra tại TP Hà Tĩnh dịp này, khán giả cũng sẽ có cơ hội thưởng thức không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Di sản đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2005.
Đoàn nghệ nhân tỉnh Lâm Đồng biểu diễn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Festival "Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản" đang diễn ra tại TP Hà Tĩnh. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hình thành từ cách đây hàng trăm năm, gắn với tập tục sinh hoạt của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Theo quan niệm của người Tây Nguyên, lễ hội cồng chiêng là phương tiện duy nhất để con người thông linh (với thần), giao hòa với trời đất, giao tiếp trong cộng đồng. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Chủ nhân của di sản văn hóa quý giá này là 17 dân tộc thiểu số thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Á (Austro - Asian) và Nam đảo (Austronesian) sống ở trên khu vực cao nguyên Trung Bộ của Việt Nam như: Ê Đê, Jarai, Ba Na, Mạ, Lặc... Hằng năm, lễ hội cồng chiêng được tổ chức kết hợp với những nghi lễ, lễ hội đặc trưng của từng địa phương, dân tộc nơi đây.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao gồm các yếu tố bộ phận: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng (lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước...) và những địa điểm tổ chức các lễ hội đó (nhà dài, nhà rông, nhà gươl, rẫy, bến nước, nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên...). Ngày nay, không gian văn hóa cồng chiêng được bảo tồn và phát huy, không chỉ thực hành trong các lễ hội mà còn trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách.
Nguyên Hoàng