Những vườn cam bù chín mọng chờ Tết 'bung hàng'

12/01/2022 17:23
Tết Nguyên đán đang cận kề, đây cũng là thời điểm 'thủ phủ' cam bù ngon nức tiếng ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) vào vụ thu hoạch.
Link nguồn bài viết
Những vườn cam bù chín mọng chờ Tết 'bung hàng'
https://baomoi.com/nhung-vuon-cam-bu-chin-mong-cho-tet-bung-hang/c/41483942.epi
Truy cập link gốc
Bắt đầu từ tháng 12 (Âm lịch), những đồi núi ở “thủ phủ” cam bù ngon nức tiếng huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) chín vàng, ngọt đậm. Người dân, thương lái bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị thị trường dịp Tết.

Mặc dù một số vườn cam đã chín vàng rực, nhưng người dân vẫn “ém hàng” chờ Tết để bán được giá hơn.

Thậm chí một số gốc cam chín rụng dưới đất, người dân vẫn chấp nhận chờ dịp Tết.

Tại huyện Hương Sơn năm nay có hơn 1.000ha diện tích trồng cam bù. Cam được trồng chủ yếu ở các xã như Sơn Trường, Kim Hoa, Sơn Hàm…

Theo người dân, cam năm nay thời tiết thuận lợi, quả đẹp và chín vào đúng dịp Tết. Hiện tại cam được bán với giá từ 20-45 ngàn đồng/kg, có thời điểm dịp Tết giá 70-80 ngàn đồng/kg.

Gia đình ông Nguyễn Văn Đạt (trú xã Sơn Trường) trồng hơn 200 gốc cam bù với diện tích hơn 2ha. Do dịch COVID-19 nên giá cam hiện nay giảm hơn so với những năm trước, ước tính đạt 120 triệu đồng.

Vườn cam của gia đình ông Đạt trồng từ 5-10 năm tuổi. Hiện nay cam đã chín, gia đình cắt một số ít quả nhỏ để bán ra thị trường, còn những quả lớn đợi Tết.

Mùa thu hoạch cam bù Hương Sơn bắt đầu từ đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài đến qua Tết Nguyên đán. Nhờ loại quả này nhiều gia đình thu nhập hàng trăm, thậm chí cả tỷ đồng mỗi vụ mùa.

Cam bù khi chín có màu vàng, mùi thơm, vị ngọt thanh. Cam bù có thể hỗ trợ chữa rất nhiều bệnh như cảm cúm, viêm phế quản, đường ruột, tim mạch… nên được nhiều người ưa chuộng.

Mỗi cây có tuổi đời từ 10-15 năm. Sau cam sản lượng thấp sẽ chặt bỏ và trồng cây mới. Người dân trồng cam chia sẻ, sau khi thu hoạch cam sẽ bón phân, loại phân ở đây chủ yếu bằng phân bò, phân trâu ủ hoai. Đặc biệt phải kiểm tra chăm sóc để tránh sâu bọ đục quả.

Cam được trồng theo hàng ngang, mỗi gốc cách nhau khoảng 3 m, sau 4-5 năm mới cho thu hoạch quả.

Người dân dùng các loại keo dính tự chế treo vào các cây để bắt ruồi, sâu phá hoại quả.

Những ngày này thương lái cũng tập trung đến các vườn cam để đặt hàng, thu mua trước. Một số thương lái mua bán lẻ tại các khu chợ nhỏ.

Sau khi hái xong, cam sẽ được đưa xuống đường, đóng thùng và vận chuyển ra các chợ hoặc đi Vinh, Hà Nội... tiêu thụ.

Ông Phan Xuân Đức - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho biết, toàn huyện có hơn 1.000 ha diện tích trồng cam bù, năm nay ước tính sản lượng đạt trên 10.000 tấn. Giá hiện tại từ 20-45 ngàn đồng/kg. Còn dịp Tết sẽ cao hơn, có thời điểm lên đến 60-70 ngàn đồng/kg. Cam bù là cây chủ lực phát triển kinh tế của địa phương, hộ cao nhất doanh thu 10 tỷ.

Hoài Nam