Link nguồn bài viết https://baohatinh.vn/nho-mai-le-ham-nguoi-nhac-si-cua-nhung-bai-hat-noi-tieng-ve-xu-nghe-post274014.html
Truy cập link gốc
Dòng nước sông La vẫn xanh trong, mềm mại, như gái Lam Hồng hiền hậu, thủy chung/Đẹp lắm ai ơi gái sông La, Hồng Lĩnh. Xô viết quê mình gái nỏ kém chi trai... Những ca từ và âm hưởng bài hát “Gái sông La” do nhạc sĩ Lê Hàm sáng tác trong những năm kháng chiến chống Mỹ vang lên khắp một dải quê hương trong thời lửa khói đã thôi thúc phong trào “Ba đảm đang” trên miền đất Hà Tĩnh. Giờ đây, ca khúc ấy lại ngân lên trong tôi gợi lên bao nhớ thương về người nhạc sĩ đã cống hiến cho âm nhạc nước nhà đến những năm tháng cuối cùng của cuộc đời.
Nhạc sĩ Lê Hàm. Nhạc sĩ Lê Hàm sinh năm 1934 tại xã Diễn Hồng (Diễn Châu, Nghệ An). Sau khi tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam, Nhạc sĩ Lê Hàm vào giới tuyến Vĩnh Linh phục vụ chiến đấu. Năm 1963 trở lại Hà Tĩnh, nơi từng ghi dấu những năm tháng ấu thơ gắn bó với câu hò điệu ví dòng La, và chứng kiến tinh thần chiến đấu dũng cảm của những người con gái Hà Tĩnh, ông đã viết bài hát “Gái sông La”.
Đặc biệt, trận đầu thắng Mỹ trên đất Hà Tĩnh (1965) đã phả vào tâm hồn ông âm hưởng hào hùng, cảm xúc tin tưởng và tự hào về sức mạnh của quân dân Hà Tĩnh. Liên tiếp 3 bài hát: “Hà Tĩnh quê hương ta”, “Chiến công Hà Tĩnh vẻ vang”, “Em yêu Hà Tĩnh”... đã ra đời trong thời điểm này. Sau đó là nhạc phẩm "Ta lại về Nghi Xuân", "Nhớ tiếng em ca", "Tiếng hát Hương Sơn". Ngôn ngữ âm nhạc Lê Hàm ngọt ngào, giàu chất dân ca, gần gũi với quê hương xứ Nghệ, kết hợp hài hòa chất liệu dân gian và kỹ thuật sáng tác. Giai điệu của các ca khúc đó đến nay còn ngân vang trong lòng nhiều thế hệ.
Cuốn sách "Âm nhạc dân gian xứ Nghệ" do nhạc sĩ Lê Hàm chủ biên. Tuy không sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh nhưng Lê Hàm gắn bó sâu nặng với mảnh đất và con người, với ngọn nguồn câu hát dân ca nơi đây. Nhạc sĩ Lê Hàm từng là Trưởng đoàn văn công Hà Tĩnh từ năm 1970-1976. Thời kỳ này và cả về sau, ông đã dành khá nhiều thời gian về các vùng quê: Đức Thọ, Kỳ Anh, Hương Sơn, Hồng Lĩnh, Nghi Xuân... sưu tầm các làn điệu dân ca ví, giặm cổ. Ông đã sưu tầm được hàng trăm làn điệu dân ca hò, vè, ví... trong đó có những điệu hò rất lạ mà đến nay không còn ai nhớ nữa như: “Hò xưa gỗ”, “Hò khoan đi đường”, "Hò kéo lưới”, “Hò lơ”...
Những lần trò chuyện, gặp gỡ ông về dân ca xứ Nghệ, ông đã giúp tôi hiểu và phân biệt được thế nào là “Ví sông Lam”, “Ví sông La”, “Ví nước ngược”, “Ví nước xuôi” vì ông từng không ít lần từ ấu thơ đến lúc trưởng thành ngồi trên những con thuyền ngược xuôi trên sông Lam, sông La để ghi lại, phân biệt cách người dân làng chài đã hát ví như thế nào, từ đó tìm ra nguồn gốc, đặc điểm âm nhạc của các làn điệu ví trên sông. Có lẽ vì thế, dân ca ví, giặm đã phổ vào tâm hồn, âm nhạc của ông, để những câu ca về quê hương xứ sở luôn da diết, lắng đọng, lay thức.
Sẽ là thiếu sót khi nói về nhạc sĩ Lê Hàm mà không nhắc đến ca khúc "Vinh - thành phố bình minh". Bởi, bài hát này không chỉ là nhạc hiệu của đài phát thanh thành phố mà còn là biểu tượng của niềm tự hào và sự hồi sinh của Thành phố Vinh sau chiến tranh.
Nay ông đã về với tiên tổ. 90 năm cuộc đời gắn bó với hồn cốt quê hương, giờ đây quê hương đang dang rộng vòng tay đón ông trở về. Câu hát dòng La, dòng Lam sẽ mãi ru ông giấc ngủ thiên thu. Những người dân xứ Nghệ sẽ còn mãi ghi nhớ và biết ơn người nhạc sĩ đã trọn đời cống hiến cho âm nhạc quê hương.
Nhạc sĩ Lê Hàm được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022 với chùm ba tác phẩm gồm: "Người mẹ Làng Sen", "Gái sông La", "Việt Nam trong trái tim ta".
Ca khúc "Vinh - thành phố bình minh". Nguồn: NTVBùi Minh Huệ