Nguy cơ bệnh sốt rét quay trở lại Hà Tĩnh

06/05/2024 19:58
Người lao động trở về từ các vùng có bệnh sốt rét lưu hành nếu không được giám sát, phát hiện, điều trị kịp thời thì đây chính là nguy cơ tiềm ẩn làm lây lan và bùng phát dịch bệnh sốt rét trên địa bàn Hà Tĩnh.
Link nguồn bài viết
https://suckhoedoisong.vn/nguy-co-benh-sot-ret-quay-tro-lai-ha-tinh-169240506182456795.htm
Truy cập link gốc
Theo đánh giá từ ngành y tế Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh là một trong những địa phương có nguy cơ cao về sốt rét. Năm 2023, toàn tỉnh có 4 trường hợp sốt rét vãng lai, trong đó huyện Kỳ Anh có 3 trường hợp (ở các xã Kỳ Phú, Kỳ Thư, Kỳ Văn).

Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có 5 trường hợp sốt rét vãng lai thì huyện Kỳ Anh có 2 trường hợp (tại xã Kỳ Văn và Kỳ Trung). Hiện nay, toàn huyện có 4/20 xã thuộc vùng có nguy cơ sốt rét quay trở lại, với 24.798 người dân có nguy cơ mắc sốt rét.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh tăng cường giám sát mật độ muỗi để đánh giá nguy cơ về bệnh sốt rét.

Bác sĩ Nguyễn Như Quỳnh - phụ trách chương trình phòng, chống sốt rét Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh cho biết: "Địa phương là nơi có nhiều người làm ăn, sinh sống ở Angola. Những trường hợp sốt rét vãng lai trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 đều về từ Angola trở về. Thời gian tới, chắc chắn sẽ vẫn còn người lao động từ Angola về quê thăm quê nên nguy cơ sốt rét quay trở lại trên địa bàn rất cao".

Để hạn chế bệnh sốt rét, thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Từ đầu năm đến nay, huyện đã cấp phát 150 chiếc màn, lấy lam máu xét nghiệm cho 544 người nghi ngờ sốt rét và thường xuyên theo dõi, giám sát để nắm tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Khi phát hiện bệnh nhân nghi ngờ sốt rét, tiến hành giám sát, điều tra dịch tễ, khoanh vùng dập dịch, không để lan rộng trên địa bàn.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh soi lam máu bằng kính hiển vi để phát hiện ký sinh trùng sốt rét.

Bệnh nhân T.V.A. (ở xã Kỳ Văn) - một trong hai trường hợp sinh sống ở Angola trở về quê được phát hiện mắc sốt rét cho biết, trước khi về Việt Nam anh có biểu hiện lạnh toàn thân, bị sốt, đau đầu. Nghĩ là cảm thông thường nên đi mua thuốc về uống nhưng không đỡ, khi về nước thì bệnh nặng hơn, nên đến bệnh viện thăm khám thì được phát hiện mắc bệnh sốt rét.

Nhiều người mắc sốt rét thường nhầm tưởng các bệnh cảm cúm, viêm phế quản. Thời gian qua, may mắn là các bệnh nhân được phát hiện sớm, được điều trị kịp thời nên không còn là nguồn lây nhiễm cho những người xung quanh.

Sốt rét là căn bệnh do ký sinh trùng Plasmodium gây ra mà muỗi Anophen là vật chủ trung gian truyền bệnh. Bệnh có thể lây truyền qua đường truyền máu, mẹ sang con, dùng chung bơm kim tiêm dính máu có ký sinh trùng sốt rét hoặc do bị muỗi đốt.

Người vừa khỏi bệnh có thể tái mắc bệnh, vì có nhiều loại ký sinh trùng sốt rét khác nhau. Mọi người đều có thể mắc bệnh sốt rét nếu sống hoặc có qua lại vùng rừng núi, nơi có bệnh sốt rét lưu hành và bị muỗi Anophen đốt.

Bác sĩ Nguyễn Du - Phụ trách Khoa Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cho biết, thời gian ủ bệnh sốt rét trung bình từ 7 - 21 ngày. Sau thời gian ủ bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng điển hình như rét run, sốt, vã mồ hôi. Đối với những bệnh nhân sốt rét, nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ thì trong vòng 3 ngày sẽ thuyên giảm và trong vòng 1 tuần, các chỉ số sẽ trở lại bình thường.

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ trở nặng và ác tính, khó điều trị, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh lấy máu xét nghiệm kịp thời đối với trường hợp về từ vùng sốt rét lưu hành hoặc nghi mắc sốt rét để ngăn chặn nguy cơ lây lan.

Hiện vẫn chưa có vaccine phòng ngừa bệnh sốt rét. Phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất vẫn là ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh bằng việc phun hóa chất, tẩm màn bằng hóa chất để diệt muỗi, mắc màn mỗi khi đi ngủ, mặc áo dài tay, quần dài khi đi làm rừng, làm nương; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh quanh nhà.

Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ. Khi trở về từ vùng rừng núi hoặc vùng có sốt rét lưu hành nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, để kịp thời phát hiện bệnh nếu có.

Để phát hiện sớm, điều trị kịp thời bệnh sốt rét, người dân cần lưu ý, khi thấy các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, đau các cơ, rối loạn tiêu hóa,... người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị” - bác sĩ Nguyễn Du cho biết thêm.

Năm 2024, với chủ đề “Dồn tổng lực về đích để loại trừ sốt rét tại Việt Nam”, ngành y tế kêu gọi các cấp, các ngành và toàn thể người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về sốt rét và tích cực phòng, chống, ngăn chặn nguy cơ xảy ra dịch sốt rét trong cộng đồng.

Hà Tĩnh hiện có 146 xã thuộc vùng có nguy cơ sốt rét quay trở lại. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã làm xét nghiệm cho 3.213 người nghi ngờ sốt rét. Theo khuyến cáo từ ngành y tế, nếu các địa phương và người dân chủ quan, lơ là thì nguy cơ sốt rét quay trở lại sẽ rất lớn.

Thanh Loan - Nguyễn Sơn