Link nguồn bài viết https://vietnamnet.vn/nghi-xuan-go-rao-can-giup-da-dang-sinh-ke-giam-ngheo-ben-vung-2316292.html
Truy cập link gốc
Nhiều năm qua, “rào cản” lớn nhất đối với hộ nghèo, cận nghèo trong phát triển kinh tế gia đình là vốn đầu tư và khoa học - kỹ thuật. Nghi Xuân, huyện phía Bắc Hà Tĩnh, đã tháo gỡ “rào cản” này một cách bài bản thông qua việc huy động các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội cùng vào cuộc.
Bằng cách trao cho người nghèo “chiếc cần câu” như hỗ trợ vốn vay, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm, nhiều người nghèo ở địa bàn huyện đã được tiếp cận các “điều kiện cần” để phát triển kinh tế gia đình.
Hầu hết những hộ nghèo sau khi được hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng mô hình kinh tế, chủ yếu là mô hình chăn nuôi đã nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Năm 2023, xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, triển khai mô hình chăn nuôi bò sinh sản với 29 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia thuộc "Tiểu dự án 2 - Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Quá trình thực hiện, các hộ nuôi bò sinh sản được hướng dẫn cách làm chuồng trại, chọn con giống, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch, phối giống...
Nhiều địa phương tại Hà Tĩnh, trong đó có Nghi Xuân, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Gia đình bà Trần Thị Hà (60 tuổi, ở thôn Đông Biên, xã Xuân Hải) có hoàn cảnh khó khăn. Bà đang sống cùng với mẹ già và em trai bị khuyết tật. Cuộc sống của 3 nhân khẩu phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Cuối năm 2023, bà được tham gia mô hình chăn nuôi bò sinh sản từ “Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Được dự án hỗ trợ hơn 10 triệu đồng để mua giống bò sinh sản về phát triển kinh tế gia đình, bà Hà coi đây là tài sản lớn nên chăm sóc chu đáo, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn, tuân thủ về phòng ngừa dịch bệnh.
Đến nay, trong chuồng đã có thêm một con bê 4 tháng tuổi. Với con bò sinh sản được hỗ trợ, hằng năm, bà sẽ có thêm thu nhập nhờ vào tiền bán bê con để ổn định cuộc sống gia đình.
Là hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, ông Nguyễn Công Trử (69 tuổi, ở thôn Thành Tiến, xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân) đang tham gia mô hình nuôi gà sinh kế, được hỗ trợ 60 con gà giống và thức ăn, thuốc thú y.
Sau 5 tháng nuôi, gia đình ông đã xuất chuồng hơn 30 con gà, số còn lại nuôi gà đẻ lấy trứng bán hằng ngày. Từ số tiền trên, ông Trử quay vòng vốn, đầu tư thêm lứa gà mới để nuôi bán vào dịp cuối năm, cải thiện cuộc sống gia đình.
Trong năm 2023, huyện đã triển khai 10 mô hình chăn nuôi gà và 1 mô hình chăn nuôi bò sinh sản với 427 hộ dân tham gia (trong đó có 92 hộ nghèo, 221 hộ cận nghèo, 114 hộ thoát nghèo và hộ có người khuyết tật không có sinh kế ổn định). Việc triển khai các mô hình này thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, giúp nhiều người nghèo phát triển kinh tế gia đình, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trên toàn huyện Nghi Xuân, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,24% năm 2021 xuống còn 2,19% năm 2023, hộ cận nghèo giảm còn 2,68%. Huyện cơ bản đã kiểm soát và hạn chế thấp nhất hộ tái nghèo, hộ nghèo phát sinh.
Ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh), cho biết được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị tham gia hỗ trợ, nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ tàn tật trên địa bàn huyện đã thực hiện hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất, tạo thu nhập và tạo điều kiện để các hộ thoát nghèo bền vững.
"Nhóm đối tượng của chương trình giảm nghèo được trang bị các kiến thức về chăn nuôi và kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả và tạo sinh kế bền vững", ông Hưng cho biết. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã giúp người nghèo được tiếp cận với các chính sách, các dịch vụ xã hội cơ bản, đa chiều.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo hiện nay dù đã giảm mạnh nhưng đa số hộ nghèo còn lại là người già cô đơn, người khuyết tật không có khả năng lao động nên việc thoát nghèo rất khó khăn. Mặt khác, một số ít đối tượng đang trông chờ ỷ lại, muốn được hưởng các chính sách xã hội, nên chưa nỗ lực, tự giác vươn lên thoát nghèo.
Năm 2024, huyện Nghi Xuân đã xây dựng kế hoạch, đồng thời chỉ đạo các địa phương tập trung điều tra, rà soát, phân loại hộ nghèo và hộ cận nghèo theo từng nhóm đối tượng. Qua đó, huyện tiếp tục triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trên địa bàn thiết thực và hiệu quả theo đúng mục tiêu đề ra.