Nghệ An: Trang trọng tổ chức lễ giỗ lần thứ 81 Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

10/09/2023 18:03
Ngày 10/9 (tức 26/7 âm lịch), tại di tích Quốc gia khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đã trang trọng tổ chức lễ giỗ Tổng Bí thư Lê Hồng Phong lần thứ 81 theo nghi lễ cổ truyền của dân tộc.
Link nguồn bài viết
https://nhandan.vn/nghe-an-trang-trong-to-chuc-le-gio-lan-thu-81-tong-bi-thu-le-hong-phong-post771772.html
Truy cập link gốc
Đoàn lãnh đạo tỉnh Nghệ An dâng hoa, dâng hương tưởng niệm đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. (Ảnh: Kiều Hoa)

Dự lễ có đồng chí: Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cùng lãnh đạo tỉnh Nghệ An, huyện Hưng Nguyên, huyện Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh), đại diện con cháu họ Lê và đông đảo người dân trong vùng.

Đoàn lãnh đạo huyện Hưng Nguyên thành kính tưởng niệm đồng chí Lê Hồng Phong. (Ảnh: Kiều Hoa)

Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh 6/9/1902 tại làng Đông, tổng Thông Lãng, nay là xóm Hồng Phong, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Đồng chí Lê Hồng Phong là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ kiên cường trong phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, người con ưu tú của quê hương Nghệ An.

Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong gắn liền với một giai đoạn đầy khó khăn và thử thách của lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc. Đồng chí đã có công lao lớn trong việc khôi phục lại tổ chức đảng trong cả nước, khôi phục các cơ sở cách mạng và khơi dậy niềm tin của quần chúng đối với Đảng, với cách mạng.

Khi được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đã góp phần quyết định thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương.

Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ nhất tại Chợ Lớn, kết án 6 tháng tù giam và đưa về Nghệ An, quản thúc tại quê nhà. Đến đầu 1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, giam tại Khám Lớn, Sài Gòn. Cuối năm 1940, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo và tra tấn dã man. Đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 6/9/1942, tức ngày 26/7 năm Nhâm Ngọ, tại Xà lim số 5, nhà tù Côn Đảo.

Trước lúc trút hơi thở cuối cùng, đồng chí Lê Hồng Phong đã nhắn lại: "Nhờ các đồng chí nhắn với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng".

Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Phong mãi mãi được khắc ghi trong trái tim, tâm hồn của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Bốn mươi năm tuổi đời, gần hai mươi năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta. Đồng chí đã để lại tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, suốt đời phấn đấu hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân... Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Phong mãi mãi được khắc ghi trong trái tim, tâm hồn của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Phát huy truyền thống hào hùng của quê hương Tổng Bí Thư Lê Hồng Phong, Đảng bộ và nhân dân huyện Hưng Nguyên nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung nguyện đoàn kết một lòng, tập trung các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng... để xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp, văn minh.

Lễ giỗ đồng chí Lê Hồng Phong được tổ chức theo nghi thức truyền thống dân tộc từ nhiều năm nay trên quê hương Hưng Nguyên anh hùng vào ngày 26/7 âm lịch.

Trong giờ phút thiêng liêng của Lễ giỗ lần thứ 81 của đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, các đại biểu và đông đảo các tầng lớp nhân dân thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn đối với đồng chí Lê Hồng Phong.

Dâng hương tưởng niệm, tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.

Đây là dịp đặc biệt để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hưng Nguyên nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung thành kính và tri ân công lao, đóng góp to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, nhân dân; qua đó củng cố và bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.