Link nguồn bài viết https://baoxaydung.com.vn/nghe-an-toc-do-tang-truong-tong-san-pham-nam-2024-uoc-dat-khoang-85-90-389558.html
Truy cập link gốc
Quang cảnh phiên họp UBND tỉnh tháng 11/2024.Theo đó, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh Nghệ An tháng 11/2024, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang cho biết: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm năm 2024 trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt khoảng 8,5-9,0%; ước thực hiện thu ngân sách 23.751 tỷ đồng, đạt 149,3% dự toán HĐND tỉnh giao.
Năm 2024, UBND tỉnh Nghệ An đã tập trung thực hiện 6 nội dung trọng tâm chỉ đạo, điều hành, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 178 nhiệm vụ cụ thể được giao cho các Sở, ngành; đồng thời, xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2024 theo từng quý và cả năm; thành lập 5 tổ công tác do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Công tác chỉ đạo, điều hành được triển khai quyết liệt, chủ động, linh hoạt, hiệu quả và đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm; ứng phó kịp thời và xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh; trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ được nâng lên.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm như: Được Quốc hội thông qua Nghị quyết số 137/2024/QH15 ngày 26/6/2024 về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1243/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 625/QĐ-TTg ngày 11/7/2024 về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nhiều công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 ước đạt khoảng 8,5-9,0%. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,25%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 14,5% (riêng công nghiệp tăng 17,0%); khu vực dịch vụ ước tăng 7,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 7,0%.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Tính đến ngày 21/11/2024, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định công nhận 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận 2 huyện (Diễn Châu và Hưng Nguyên) đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Dự kiến đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 327/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 79,56% tổng số xã; 127/327 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 38,83% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 25/327 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm 7,62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân đạt 17,21 tiêu chí/xã. Có 11 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2024 ước thực hiện 108.418 tỷ đồng, tăng 11,85% so với năm 2023; trong đó, vốn Nhà nước ước đạt 18.572 tỷ đồng, tăng 13,6%; vốn ngoài Nhà nước ước đạt 66.287 tỷ đồng, bằng 95,18%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 23.558 tỷ đồng, tăng 115,4%.
Thu ngân sách Nhà nước đạt kết quả rất tích cực. Năm 2024 ước thực hiện 23.751 tỷ đồng, đạt 149,3% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 110,4% so với năm 2023; trong đó, thu nội địa ước thực hiện 22.000 tỷ đồng, đạt 151,4% dự toán, bằng 109,6% so với năm 2023, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 1.650 tỷ đồng, đạt 126,9% dự toán và bằng 129,1% so với năm 2023. Chi ngân sách địa phương năm 2024 ước thực hiện 45.836 tỷ đồng, bằng 127% dự toán.
Công tác chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch đầu tư công được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm. Tính đến ngày 20/11/2024, tổng kế hoạch đầu tư công đã giải ngân 6.879,535 tỷ đồng, đạt 69,31%, cao hơn bình quân cả nước (ước đạt 57%); trong đó nguồn đầu tư công tập trung đã giải ngân 3.125,766 tỷ đồng, đạt 57,06%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (55,78%). Phấn đấu đến hết năm 2024, tỷ lệ giải ngân sẽ đạt trên 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Một góc thành phố Vinh - đô thị động lực phát triển kinh tế tỉnh Nghệ An.UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả. Tính đến ngày 25/11, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) cho 77 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 22.059 tỷ đồng. Điều chỉnh 157 lượt dự án, trong đó điều chỉnh 40 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 22.730 tỷ đồng.
Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 44.789 tỷ đồng. Trong đó, riêng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đã thu hút được 13 dự án, điều chỉnh 12 lượt dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng thêm trong 11 tháng năm 2024 đạt 977,83 triệu USD, dự kiến cả năm sẽ thu hút được 1.696 triệu USD vốn FDI. Lũy kế đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 147 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 5,1 tỷ USD…
Lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ước thực hiện năm 2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 47.705 người, đạt 101,5% kế hoạch. Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở tiếp tục được chỉ đạo triển khai hiệu quả; tính đến ngày 20/10/2024, đã hoàn thành được 10.260 nhà, đạt 65% nhu cầu cả giai đoạn 2023-2025.
Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo và có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến ngày 10/11/2024, đã hoàn thành 37/41 nhiệm vụ theo Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của tỉnh, đạt tỷ lệ 90%. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Căn cứ vào Nghị quyết số 61/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của HĐND tỉnh đã quyết nghị 28 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến đến hết năm 2024 có 26/28 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu kế hoạch được HĐND tỉnh giao, 02/28 chỉ tiêu không hoàn thành mục tiêu kế hoạch.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Một số sản phẩm công nghiệp dự ước giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ, chưa đạt kế hoạch giao. Mặt hàng xuất khẩu của tỉnh tuy đa dạng nhưng quy mô còn nhỏ; các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực sản xuất kinh doanh còn hạn chế so với yêu cầu hội nhập, do đó còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường xuất khẩu. Cơ cấu thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn chưa thật sự bền vững, thu từ tiền sử dụng đất vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn (39,4% trên tổng thu ngân sách Nhà nước), thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm tỷ trọng chưa cao (32,5% trên tổng thu ngân sách Nhà nước). Tình trạng nợ thuế mặc dù đã giảm so với thời điểm 31/12/2023 nhưng vẫn ở mức cao...
Quang Hợp