Nghệ An: Thiếu đường lâm nghiệp, trồng và thu hoạch keo gặp khó

29/07/2022 08:04
Nghệ An có trên 170.000 ha rừng sản xuất (keo nguyên liệu) khai thác và trồng mới. Do nhiều nơi chưa có đường lâm nghiệp nên việc trồng, khai thác, vận chuyển gỗ rất khó khăn, làm giảm hiệu quả kinh tế của người trồng rừng.
Link nguồn bài viết
Nghệ An: Thiếu đường lâm nghiệp, trồng và thu hoạch keo gặp khó
https://baomoi.com/nghe-an-thieu-duong-lam-nghiep-trong-va-thu-hoach-keo-gap-kho/c/43300645.epi
Truy cập link gốc
D,o chưa có đường lâm nghiệp người dân phải bốc vác khi khai thác keo tại xã Tiến Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Văn Trường.

Những ngày này, tại huyện Yên Thành, nhiều nơi đang khai thác gỗ rừng trồng, song do chưa có đường lâm nghiệp nên khai thác, vận chuyển keo nguyên liệu rất khó khăn. Ông Trần Văn Bình ở xã Tiến Thành chia sẻ: Thời điểm này, keo được giá, nhưng chi phí vận chuyển, thuê người bốc vác, “tăng bo” hàng ra đường lớn quá cao, tính ra lãi từ trồng keo rất thấp, không xứng với giá trị thực mà rừng mang lại. Ngược lại, nếu có đường lâm nghiệp, xe tải vào tận nơi thu mua thì người trồng keo sẽ có lãi cao.

Ông Phan Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cũng cho biết: Xã có gần 1.600 ha keo nguyên liệu (lớn nhất huyện Yên Thành), hiện chỉ có khoảng trên 300 ha rừng nguyên liệu thuận lợi, bám trục tỉnh lộ 538. Số diện tích còn lại chưa có đường lâm nghiệp nên việc vận chuyển cây giống, phân bón để trồng rừng cũng như khai thác của bà con vô cùng vất vả.

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã kiến nghị cần làm đường lâm nghiệp để khai thác tiềm năng kinh tế từ cây keo, nhưng khó khăn hiện nay là ngân sách xã hạn hẹp. Một số người dân đã tự chung nhau mở tạm các con đường lâm nghiệp quy mô nhỏ, đủ cho xe nhỏ vào “tăng bo” ra đường lớn.

Mở đường lâm nghiệp tại xã Bảo Thành, huyện Yên Thành để phục vụ trồng và khai thác keo. Ảnh: Văn Trường.

Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết thêm: Toàn huyện có trên 12.500 ha keo nguyên liệu, hàng năm thu hoạch trên 3.000 ha keo. Tính đến thời điểm này huyện chỉ mới có trên 50 km đường lâm nghiệp trục chính, như đường Khùa đi các xã Thịnh Thành, Quang Thành, Kim Thành, đường 22 đi xã Đồng Thành…

Huyện đang thiếu các con đường “nhánh” lâm nghiệp với tổng chiều dài trên 200 km, kết nối từ vùng keo ra các trục chính. Chi phí khai thác, vận chuyển lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và tái đầu tư trồng rừng của người dân. Để đảm bảo, huyện Yên Thành đang rất cần được Nhà nước quan tâm quy hoạch, xây dựng các con đường lâm nghiệp để khai thác kinh tế rừng hiệu quả.

Cũng trong tình trạng trên, huyện Thanh Chương đang rất khó khăn về các tuyến đường lâm nghiệp. Tại các cánh rừng nguyên liệu ở xã Hạnh Lâm, người dân phải gánh cây giống, phân bón lên tận các quả đồi để trồng keo. Chị Nguyễn Thị Bình ở xã Hạnh Lâm cho biết: Do chưa có đường nguyên liệu nên mỗi khi trồng và khai thác keo rất vất vả, chủ yếu phải sử dụng sức người để bốc vác vừa mất thời gian, vừa tốn kém kinh phí.

Đại diện UBND xã Hạnh Lâm nói thêm: Toàn xã có trên 1.500 ha keo nguyên liệu, hiện có trên 3 km đường dân sinh đã xuống cấp, chở keo nguyên liệu của cả 2 xã Hạnh Lâm và Thanh Sơn. Còn lại hầu như chưa có đường lâm sinh vào các vùng nguyên liệu keo, chủ yếu vẫn phải sử dụng sức người để vác keo ra.

Ông Trần Phi Hùng – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho hay: Thanh Chương có diện tích keo nguyên liệu lớn với trên 22.000 ha, chủ yếu tập trung ở 14 xã dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Nan giải nhất hiện nay là các xã hầu hết chưa có đường lâm nghiệp, chủ yếu người dân tự mở các con đường lô khoảnh để khai thác keo. Việc vận chuyển keo hết sức khó khăn, kéo theo tình trạng tư thương ép giá.

Thời điểm này, chỉ mới có Công ty Nông lâm nghiệp Sông Hiếu xây dựng được khá nhiều tuyến đường lâm nghiệp sử dụng hiệu quả. Đại diện Công ty trên chia sẻ: Có trên 5.000 ha rừng nguyên liệu, hàng năm Công ty đầu tư kinh phí duy tu, xây dựng được trên 100 km đường lâm nghiệp nhằm tạo thuận lợi trong quá trình trồng, chăm sóc và khai thác rừng nguyên liệu.

Nhờ có các tuyến đường lâm nghiệp đi sâu vào các cánh rừng nên đơn vị đã quy hoạch được trên 2.000 ha rừng gỗ lớn, xe tải vào tận nơi để vận chuyển thu mua nên đạt giá trị kinh tế cao, bình quân đạt trên 200 triệu đồng/ha keo. Khó khăn đối với đường lâm nghiệp là do làm tạm, nên sau mùa mưa thường xuyên bị hư hỏng nên hàng năm đều phải duy tu, sửa chữa.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, hiện Nghệ An chỉ mới có trên 200 km đường lâm nghiệp, đa số đều xuống cấp, hư hỏng. Nghệ An đang quy hoạch phương án phát triển lâm nghiệp tích hợp vào quy hoạch tỉnh, trong đó quy hoạch mở các tuyến đường lâm nghiệp trọng điểm khoảng trên 450 km để đáp ứng nhu cầu phát triển. Tiêu chuẩn đường rộng 4,5-5 mét, rải cấp phối những đoạn phục vụ dân sinh. Những tuyến “xương cá” nối từ rừng khai thác tới đường trục chính có thể huy động xã hội hóa đầu tư.

Ông Nguyễn Khắc Hải - Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm) cho biết thêm: Việc sử dụng đường lâm nghiệp, thuận lợi cho vận chuyển phân bón, giống cây trồng, vận chuyển gỗ và các lâm sản ngoài gỗ trong quá trình sản xuất; sử dụng đường lâm nghiệp kết hợp làm đường băng cản lửa, đường tuần tra bảo vệ rừng.

Xe tải phải chờ ở đường lớn để vận chuyển keo tại huyện Quỳ Châu. Ảnh: Văn Trường.

Thực tế, ở một số huyện người dân tự bỏ vốn chung nhau mở đường lâm nghiệp vào khu khai thác. Chủ yếu đường được thiết kế, thi công đơn giản được, san gạt (có bù chênh đào - đắp), gia cố địa hình tự nhiên (hoặc đường mòn đã có). Trước khi người dân có nhu cầu tự làm đường, Hạt Kiểm lâm tiếp nhận hồ sơ, phối hợp các phòng chuyên môn của huyện thẩm định, kiểm tra, hướng dẫn việc lập hồ sơ thiết kế, giám sát việc thi công đường lâm nghiệp, kiểm tra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất của các chủ rừng.

Việc mở đường lâm nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế rừng, làm giảm chi phí đầu tư sản xuất, tăng giá trị kinh tế rừng trồng, khuyến khích phong trào trồng rừng phát triển, góp phần cải thiện, nâng cao cuộc sống cho người dân. Về lâu dài, Nghệ An cần lồng ghép từ các nguồn vốn cùng với sức dân để xây dựng các con đường lâm nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng rừng phát triển theo hướng bền vững.