Link nguồn bài viết https://giaoducthoidai.vn/nghe-an-phong-gddt-len-tieng-viec-truong-chi-38-trieu-donglop-de-di-doi-dieu-hoa-post704753.html
Truy cập link gốc
Dãy phòng học mới xây dựng của Trường Tiểu học Nghi Đức.Liên quan đến việc Trường Tiểu học Nghi Đức (xã Nghi Đức, TP Vinh, Nghệ An) chi hơn 3,8 triệu đồng/lớp để di dời điều hòa sang phòng học mới, bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng Phòng GD&ĐT TP Vinh cho biết, Phòng đã nhận được báo cáo của nhà trường. Tuy nhiên, về giá cả, kinh phí tháo lắp điều hòa thì đơn vị chưa kiểm tra.
"Tôi cũng nói với Hiệu trưởng nhà trường làm như thế là chưa đúng. Thứ nhất là mình phải xin chủ trương trước, tiền lắp đó mình phải báo cáo với UBND xã, nếu không bố trí được nguồn thì phải xin Phòng. Phải xin trước mới làm, chứ không tiền trảm hậu tấu như thế”, bà Thảo nói.
Trưởng Phòng GD&ĐT chỉ đạo Trường Tiểu học Nghi Đức nếu tiếp tục vận động được phụ huynh thì triển khai. Nếu phụ huynh không đồng tình thì nhà trường phải tiết kiệm nguồn, bố trí nguồn khác để trả tiền lắp điều hòa cho nhà thầu. Năm nay trả chưa đủ thì phải xin nợ, trả dần mỗi năm.
Bài đăng trên mạng xã hội về khoản thu chi phí dời và lắp điều hòa tại Trường Tiểu học Nghi Đức. Còn vấn đề nhà trường tiếp nhận tài trợ điều hòa, Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh yêu cầu phải thực hiện theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Khi phụ huynh cho, tặng điều hòa thì phải bàn giao để nhà trường tiếp nhận. 5 năm sau, khi học sinh tốt nghiệp, nhà trường sử dụng, quản lý tiếp như thế nào phải nói để phụ huynh rõ.
“Việc giá cả có đúng hay không thì sẽ có bộ phận tài chính quyết toán. Muốn chi thì phải đủ chứng từ mới được chi, phòng Tài chính cuối năm sẽ về quyết toán”, bà Thảo nói và cho biết, các nguồn vận động tài trợ đều phải thực hiện công khai, minh bạch. Toàn bộ số tiền vận động tài trợ thu được sẽ nạp vào kho bạc.
Điều hòa sau khi di dời, lắp đặt tại dãy phòng học mới. Như Báo GD&ĐT đưa tin, ngày 13/10, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, Trường Tiểu học Nghi Đức thông báo một số khoản thu, trong đó có chi phí dời và lắp điều hòa của 8 lớp từ phòng học cũ sang phòng học mới.
Chi phí dây diện 3 pha 740.000 đồng; công tháo 300.000 đồng; vệ sinh 400.000 đồng; lắp 800.000 đồng; ống đồng 1.060.000 đồng; ống nước 100.000 đồng… Tổng 3.872.500 đồng/lớp.
Trước bảng kê mà nhà trường đưa ra, nhiều phụ huynh tỏ ra không đồng tình, cho rằng số tiền di dời điều hòa như vậy là cao hơn so với thị trường. Ngoài ra, lúc di dời nhà trường cũng không hỏi ý kiến phụ huynh trước khi thực hiện.
Bà Lâm Thị Thúy Hòa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Đức cho biết, dãy phòng học cũ của nhà trường vừa qua bị xuống cấp, ẩm mốc, tường bị bong tróc. Vì thế, nhà trường “mượn” nhà thầu dãy nhà 3 tầng đang xây dựng để sử dụng kịp năm học mới, mặc dù công trình chưa được bàn giao.
Ngày 25/7, nhà trường họp với Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tại cuộc họp này trường đặt vấn đề dời toàn bộ điều hòa các phòng hành chính và điều hòa của 8 lớp học cũ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng di dời toàn bộ tivi và đường dây mạng internet.
Theo bà Hòa, để hoạt động dạy và học của nhà trường đi vào quy củ và nề nếp, nhà trường buộc phải “mạnh dạn” đưa hệ thống mạng vào làm trước. Khi lắp đường dây mạng, nhà trường hạch toán và di chuyển luôn 16 điều hòa của 8 lớp sang phòng học mới. Bảng giá chi phí di dời do nhà thầu đưa ra.
Trường Tiểu học Nghi Đức (xã Nghi Đức, TP Vinh, Nghệ An). Bà Hòa giải thích, nếu sử dụng 16 điều hòa phòng học và điều hòa của 5 phòng hành chính đường dây điện sẽ không đủ tải. Chính vì thế, phải làm một đường điện 3 pha riêng cho điều hòa từ lớp học ra ngoài cột điện trước cổng trường.
Số tiền hơn 3,8 triệu đồng là tổng chi phí để di dời 2 điều hòa/lớp (tương đương hơn 1,9 triệu đồng/điều hòa). Trước khi nhà thầu di dời điều hòa, bản thân bà Hòa có tham khảo giá cả ngoài thị trường.
Tại cuộc họp ngày 13/10, nhà trường cho biết sẽ hỗ trợ mỗi lớp 1,3 triệu đồng; phụ huynh chỉ phải đóng hơn 2,5 triệu đồng còn lại.
Nữ hiệu trưởng thừa nhận “thiếu sót” lúc triển khai chỉ hội ý vấn đề này với Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường (3 thành viên) mà không trao đổi với tất cả các lớp vì thời gian gấp rút. Việc làm của mình xuất phát từ nhu cầu thực tế trước thềm năm học.
Phạm Tâm