Nghệ An: Nỗ lực xóa các 'vùng trắng' điện lưới quốc gia

22/09/2021 16:26
Điện, đường, trường, trạm... là những hạng mục quan trọng cần đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, đến thời điểm này trên địa bàn các huyện miền núi ở Nghệ An vẫn còn 115 thôn, bản và Đảo Mắt chưa được tiếp cận điện lưới…
Link nguồn bài viết
Nghệ An: Nỗ lực xóa các 'vùng trắng' điện lưới quốc gia
https://baomoi.com/nghe-an-no-luc-xoa-cac-vung-trang-dien-luoi-quoc-gia/c/40314213.epi
Truy cập link gốc
Toàn xã Mai Sơn, huyện Tương Dương (Nghệ An) hiện có 3 bản chưa có điện bao gồm bản Na Kha 28 hộ, bản Phá Kháo 49 hộ, bản Piêng Cọc 52 hộ. Bản Na Kha xã vùng sâu Mai Sơn, huyện Tương Dương (Nghệ An) hiện đang có 129 hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, đây là một trong những thôn, bản khó khăn có nhiều người dân tộc Thái sinh sống.

Không có điện, trẻ em vùng cao ban đêm học bài dưới ánh nến leo lét

Do chưa có điện lưới nên nhiều hộ dân nơi đây cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong bản phải sử dụng củi bếp, đèn dầu, nến để thắp sáng vào ban đêm. Không có điện cả bản ngập trong bóng tối, việc đi lại ban đêm chủ yếu phải dùng đèn pin vừa tốn kém, vừa bất tiện. Thiếu điện, cuộc sống bà con nơi đây thiếu thốn nhiều thứ, thông tin đến người dân cũng chậm trễ và rất hạn chế. Anh Lữ Văn Hùng ở bản Na Kha chia sẻ: “Người dân ở đây có nhà dùng điện từ tuabin tự chế, có nhà dùng đèn dầu, dùng nến… bà con trong bản ngóng có điện lưới mới sản xuất thuận tiện, mới xem được tivi, trẻ con dễ dàng học bài vào buổi tối được…”.

Trưởng bản Na Kha - ông Kha Văn Bay - cho hay, ở đây bà con trong bản đã góp tiền chung nhau 2-3 hộ mua 1 máy phát điện mini để ở khe suối, nhưng không ổn định, mùa nắng nóng dòng suối khô nước là không sử dụng được, vào mùa mưa lũ thì bị đứt dây điện, nhiều máy phát điện bị lũ cuốn trôi mất. Không có điện lưới sinh hoạt rất bất tiện, một số hộ có điều kiện mua máy nổ để xát gạo, số còn lại phải dùng cối giã nên rất vất vả. Vì vậy dân bản rất mong sớm có điện lưới quốc gia để thay đổi cuộc sống.

Những năm qua, ngành điện đã có nhiều cố gắng để cấp điện cho người dân. Tuy nhiên, theo báo cáo của Phòng kinh tế hạ tầng huyện Tương Dương, tính đến thời điểm này toàn huyện có 9 bản, thuộc 4 xã chưa có điện, bao gồm xã Nhôn Mai có 4 bản, xã Mai Sơn 3 bản, xã Hữu Khuông 1 bản, xã Lưỡng Minh 1 bản. Ông La Văn Thái - Trưởng Phòng kinh tế - Hạ tầng huyện Tương Dương - cho biết: Trong năm 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phối hợp với chính quyền địa phương cùng khảo sát các bản làng chưa có điện lưới để trình cấp có thẩm quyền.

Hay như tại một số xã tại huyện miền núi Kỳ Sơn đang chịu cảnh thiếu điện. Theo thống kê, hiện tại bản Phia Khăm 1 có gần 105 hộ dân thì hầu hết dùng đèn dầu. Còn tại toàn xã Bắc Lý hiện có 11/13 bản chưa có điện lưới, không có điện nên dẫn đến việc mù thông tin khiến cho cuộc sống của người dân bản đã nghèo lại càng nghèo thêm, tỷ lệ nghèo cả xã còn cao, đạt 56%.

Vượt khó đưa điện về nông thôn vùng sâu, vùng xa

Ông Nguyễn Anh Đoài - Trưởng phòng kinh tế hạ tầng Kỳ Sơn - cho biết, theo thống kê hiện toàn huyện đang còn 78 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia, tập trung ở các xã Mỹ Lý 10 bản, Bắc Lý 11 bản, Mường Lống 11 bản…Trước đây, theo dự kiến việc hoàn thành lưới điện ở Kỳ Sơn sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2015-2021. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên mới đây, các ngành liên quan đã điều chỉnh thời gian hoàn thành lưới điện cho Kỳ Sơn từ giai đoạn 2021-2025.

Trong báo cáo của Sở Công Thương Nghệ An tại Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, về việc các dự án đưa điện về nông thôn và miền núi, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An - cho biết, do nguồn vốn huy động gặp khó khăn nên không hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 hầu hết các hộ được sử dụng điện.

Về giải pháp, ông Phạm Văn Hóa cho biết thêm, trong năm 2021 tỉnh Nghệ An đã có Công văn 131 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề nghị bố trí kinh phí đầu tư dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Nghệ An và Công văn gửi Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện tiểu dự án Cấp điện nông thôn từ nguồn năng lượng tái tạo tỉnh Nghệ An. Tiếp đó tỉnh Nghệ An đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên, trong đó đã kiến nghị về cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện: Đề xuất Bộ Công Thương bổ sung 15 thôn, bản chưa thuộc danh mục vào dự án; bố trí vốn đề hoàn thành 49 thôn, bản trong năm 2021; quan tâm bố trí vốn năm 2022 cho 91 thôn bản còn lại (gồm 76 thôn bản chưa được bố trí và 15 thôn bản đề xuất bổ sung).

Cũng theo ông Phạm Văn Hóa, vào đầu tháng 9 vừa qua, Bộ Công Thương đã phê duyệt Thiết kế, bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020, phân kỳ 2021.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện điện lực Nghệ An cho biết, với 115 thôn, bản ở vùng rẻo cao các huyện Quỳ Châu, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong chưa có điện lưới quốc gia… ngành điện tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền lập dự án đầu tư, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công đưa điện về các thôn bản còn lại, dự kiến đến hết năm 2021 sẽ có thêm 49 thôn bản được sử dụng điện lưới quốc gia. Dự toán xây dựng công trình trên 173,2 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư từ kế hoạch vốn Ngân sách Trung ương cấp năm 2021 và nguồn vốn của chủ đầu tư (EVNNPC).

"Cùng với việc triển khai thực hiện dự án cấp điện cho các hộ nông thôn, miền núi, vùng sâu, xa, những năm gần đây, ngành điện còn tập trung huy động các nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp hạ tầng lưới điện nhằm nâng cao chất lượng nguồn điện, phục vụ tốt hơn nhu cầu sử dụng của người dân trên địa bàn, nhất là vùng sâu vùng xa của tỉnh Nghệ An", ông Bành Hồng Hiển - Giám đốc Điện lực Nghệ An - chia sẻ.

Theo Sở Công Thương Nghệ An, về cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện bằng dự án năng lượng tái tạo: Ngoài dự án điện lưới trên, còn 24 thôn, bản và Đảo Mắt được cấp điện bằng nguồn năng lượng tái tạo theo Quyết định số 5124/QĐ-UBND ngày 12/12/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt chủ trương đầu tư tiểu dự án Cấp điện nông thôn từ nguồn năng lượng tái tạo tỉnh Nghệ An. UBND tỉnh đã gửi Công văn đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn một số nội dung cụ thể để có cơ sở hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi tiểu dự án Cấp điện nông thôn từ nguồn năng lượng tái tạo tỉnh Nghệ An.

Hoàng Trinh