Ngày này năm xưa: 17-9-1945 và 1964: Nhớ mãi hai bức thư của Bác Hồ

17/09/2021 06:43
Cùng vào ngày 17-9, Bác Hồ đã viết hai bức thư đặc biệt: Một bức viết năm 1945 gửi về quê hương Nghệ An với lời dặn dò tâm huyết: Phải củng cố đoàn kết và sửa chữa khuyết điểm. Một bức thư Bác viết năm 1964 gửi đồng bào theo Đạo Thiên Chúa toàn miền Bắc. Người khẳng định: 'Kinh Thánh có câu: 'Ý dân là ý Chúa'. Con đường yêu nước mà đồng bào đang đi là hoàn toàn đúng... Lương giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi'.
Link nguồn bài viết
https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/ngay-nay-nam-xua/ngay-nay-nam-xua-17-9-1945-va-1964-nho-mai-hai-buc-thu-cua-bac-ho-671392
Truy cập link gốc
Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ở Nghệ An, ngay sau cao trào Cách mạng của mùa Thu 1945, có một sự kiện không phải ai cũng biết tới: Với bút danh Hồ Chí Minh, Bác Hồ đã có “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”. Bức thư chưa đầy 900 chữ, viết tại Hà Nội, lấy danh nghĩa của một đồng chí già, mục đích là để san sẻ ít kinh nghiệm với các đồng chí quê mình. Thư gồm 4 mục nhỏ, đánh số rõ ràng nhằm chuyển tải 4 nội dung:

- Ý nghĩa rất to lớn của cuộc cách mạng dân tộc.

- Lý giải vì sao cuộc cách mạng thắng lợi.

- Sự nghiệp kiến thiết xây dựng xã hội mới sau khi giành chính quyền.

- Phần dài nhất, đậm nhất cuối thư, Bác nêu những khó khăn cần giải quyết, phải vừa làm vừa học, cái chính là theo cho đúng chính sách của Chính phủ ban hành.

Người thăm lại ngôi nhà quê nội ở làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (12-1961). Ảnh: hochiminh.vn

Người thăm lại ngôi nhà quê ngoại ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (12-1961). Ảnh: hochiminh.vn

Chính sách của Chính phủ ngay sau giành chính quyền, theo Bác rút lại chỉ trong có 2 chuyện: Củng cố đoàn kết và sửa chữa khuyết điểm. Sức mạnh đoàn kết dân tộc, ai cũng rõ rồi, nhưng nêu rõ ra và yêu cầu sửa chữa những khuyết điểm trên nhiều phương diện chủ yếu của cán bộ, đảng viên lúc bấy giờ thì không phải ai cũng quán triệt. Những khuyết điểm đó, cụ thể ra là thói bao biện, hẹp hòi; lạm dụng hình phạt; kỷ luật không nghiêm; một số việc làm xấu xa như lên mặt làm quan cách mạng, độc đoán, dùng phép công để báo thù tư… Tất cả khiến dân chúng hoang mang, nền đoàn kết bị lung lay, uy tín của Chính phủ và đoàn thể bị ảnh hưởng xấu. Giành được chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn nhiều - nhận thức sâu sắc quy luật này, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng chí, đồng bào ở tỉnh nhà phải lập tức sửa đổi ngay. Bác chỉ rõ, không sợ có khuyết điểm, chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi khuyết điểm, sợ không có tấm lòng chí công vô tư với dân với nước!

Những thông điệp đó đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử của một giai đoạn hào hùng và ý nghĩa thời sự đối với việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của cán bộ, đảng viên các cấp trong thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 4 khóa XII của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bà con xã Kim Liên đón Người về thăm (năm 1957). Ảnh: hochiminh.vn

Theo dấu chân Người

Ngày 17-9-1946, trên đường về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé lại thành phố cảng Mácxây, thăm hai trại “lính thợ” tại Môngtêlima (Montelimar) và Magácki (Magarqui). Trước 3.000 người lao động Việt Nam, Bác nói: “...Thay mặt Chính phủ và Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do toàn dân bầu cử, tôi khuyên kiều bào là công việc chính trị để cho những người chuyên môn giải quyết, kiều bào hãy cố gắng chăm lo học lấy một cái nghề tinh xảo để góp vào việc kiến thiết quốc gia. Đất nước chúng ta cần đến những người con có nghề nghiệp tinh xảo”.

Ngày 17-9-1965, Bác viết bài “Thật là vẻ vang” đăng trên Báo Nhân Dân, sau khi nhắc lại một số dư luận thế giới ca ngợi sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, Bác điểm thêm một bằng chứng: “Cụ Rutxen, một vị bác học người Anh nổi tiếng, ngoài 90 tuổi, đã viết: “Việt Nam đã trở nên một tượng trưng của sự chống cự lại một chế độ bóc lột thế giới... Nhân dân Việt Nam đang tiến hành một cuộc đấu tranh thật đặc biệt: một nước công nghiệp mạnh nhất trên quả đất (là đế quốc Mỹ) đó trút hết lực lượng của nó nhằm xâm chiếm một nước nhỏ nông dân, mà nước nông dân này đang giành được thắng lợi với những vũ khí thô sơ và với một quyết tâm tất thắng” và kết luận bài báo: “Chúng ta tự hào và cố gắng để xứng đáng với sự ủng hộ và lòng kính phục của hàng triệu bầu bạn ta khắp năm châu. Chúng ta quyết thừa kế và phát triển lịch sử vẻ vang của tổ tiên ta mấy nghìn năm về trước và nêu gương dân tộc anh hùng cho con cháu ta muôn vàn đời về sau. Dù phải hy sinh, gian khổ mấy, chúng ta cũng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược để giành lại độc lập thật sự và hòa bình lâu dài”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, tập II, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 17-9-1970, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân đăng lời của Bác: “Trước mắt chúng ta còn nhiều gian khổ, hy sinh, nhưng sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta đang tiến mạnh đến ngày thắng lợi. Tổ quốc đang kêu gọi chúng ta hăng hái tiến lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.”

Lời Bác dạy trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 17-9-1970.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 17-9:

Sự kiện trong nước:

17-9-1954: Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội.

Sau nhiều ngày đấu tranh quyết liệt, các hiệp nghị về việc chuyển giao Hà Nội được ký kết. Theo quyết nghị ngày 17-9-1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Sư đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên Phong, làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch.

Trước khi về tiếp quản Thủ đô, ngày 19-9-1954, cán bộ Đại đoàn Quân Tiên Phong được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: hochiminh.vn

Một vinh dự lớn đối với Đại đoàn Quân Tiên Phong là trước khi vào tiếp quản, được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. Tại đây, Người căn dặn: “Ngày xưa, các Vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Trải qua bao nhiêu thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô. Tám, chín năm nay, do quân dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế, các chú được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, là được nhận một vinh dự rất lớn”.

Ủy ban Quân chính là một hình thức tổ chức đặc biệt trong thời kỳ tiếp quản Thủ đô, để tiếp thu các cơ quan, công sở, do chính quyền Pháp và Bảo Đại bàn giao; sau đó, điều hành bộ máy hoạt động cho bình ổn.

5 giờ ngày 10-10-1954, nhân dân Thủ đô quần áo chỉnh tề, mang cờ, hoa, ảnh Bác Hồ, xếp thành đội ngũ trật tự, theo từng công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố...kéo tới những con đường chờ đón đoàn quân sẽ diễu qua.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Trần Duy Hưng từ Việt Bắc tiến về tiếp quản Thủ đô năm 1954. Ảnh: nhandan.vn

Ngay sau khi tiếp quản, Ủy ban Quân chính đã tiếp tục chỉ đạo các Ban và các Sở quản lý cho guồng máy thành phố chạy đều; khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Từ 11-9 đến 4-11-1954 là quãng thời gian hết sức ngắn ngủi nhưng Ủy ban Quân chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao. Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tiếp quản và ổn định về mọi mặt. Đây là một sự kiện lớn, chưa hề có tiền lệ trong lịch sử hiện đại thế giới. Chính phủ đã nhận định: “Công cuộc tiếp quản Thủ đô và các thành phố khác là một kỳ công của nhân dân ta mà kẻ địch phải hoảng sợ và toàn thế giới đều khen ngợi”.

Sự kiện quốc tế:

17-9-1787: Văn bản Hiến pháp Hoa Kỳ được hoàn thành tại Hội nghị Hiến pháp ở Philadelphia.

17-9-1809: Hiệp định Fredrikshamn kết thúc chiến tranh giữa Thụy Điển và Nga, Phần Lan tách khỏi Thụy Điển để trở thành một đại công quốc thuộc Nga.

17-9-1976: Enterprise, tàu con thoi đầu tiên được sản xuất cho NASA, được lăn ra khỏi nhà máy của hãng Rockwell tại Palmdale, California, Hoa Kỳ.

TƯỜNG VY