Link nguồn bài viết https://antg.cand.com.vn/phong-su/mo-hinh-24-gio-trai-nghiem-i747425/
Truy cập link gốc
Từ đó đến nay, Công an huyện Quỳ Hợp đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế và tuần tra vũ trang, bảo đảm an ninh, trật tự ngay từ cơ sở. Hiện, mô hình đã được nhân rộng trên toàn tỉnh và được Cụm Thi đua số 5, Bộ Công an thông báo biểu dương, nhân rộng.
“3 cùng” với người dânTrước đây, địa bàn xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp thường xuyên xảy ra tình trạng trộm cắp vặt, chủ yếu là trộm gà, vịt... khiến người dân bất an, lo lắng. Nguyên nhân các vụ trộm cắp vặt trên được xác định là do các đối tượng nghiện game, nghiện ma túy cần tiền tiêu xài trên địa bàn xã gây ra. Tháng 7/2022, thông qua mô hình “24 giờ trải nghiệm”, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, Chi đoàn Công an huyện Quỳ Hợp phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và Công an xã Châu Quang kiên trì bám, nắm địa bàn, tổ chức tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động người dân mạnh dạn tham gia tố giác tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật thông qua hòm thư góp ý tại các nhà văn hóa xóm, trụ sở công an xã, đường dây nóng...
Đồng thời, hỗ trợ lực lượng công an xã vận động các đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn đi cai nghiện, góp phần làm trong sạch địa bàn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Cùng với đó, lực lượng công an huyện cũng đồng hành với cấp ủy, chính quyền địa phương đưa ra các biện pháp hỗ trợ sinh kế để người sau khi cai nghiện không còn tái nghiện, hoàn lương, tập trung phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Thiếu tướng Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai mô hình dân vận khéo “24 giờ trải nghiệm”.Ngoài ra, Chi đoàn Công an huyện Quỳ Hợp phối hợp Công an xã Châu Quang tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhất là ban đêm, tại các khu vực trọng điểm thường xảy ra tình trạng trộm cắp vặt để phòng ngừa và kịp thời phát hiện, xử lý sự việc. Nhờ sự kiên trì vận động cũng như triển khai các hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự của mô hình “24 giờ trải nghiệm” Công an huyện Quỳ Hợp, đến nay, chưa phát hiện thêm vụ việc trộm cắp vặt trên địa bàn xã Châu Quang, tình hình an ninh, trật tự dần ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Nắm được thông tin gia đình ông Vi Văn Sách, trú tại bản Khột Xài, xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ông Sách hiện là thương binh hạng 2/4, thường xuyên ốm đau nên cuộc sống gia đình khó khăn trăm bề. Đặc biệt, do ngôi nhà gia đình ông ở sâu trong bản, con đường độc đạo dẫn vào nhà là đường đất nên mùa hè thì bụi, mưa xuống thì nhão, trơn trượt. Chi đoàn Công an huyện đã huy động đoàn viên, thanh niên đóng góp ngày công, phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Liên Hợp tiến hành làm 40 m đường bê tông vào nhà ông Sách, trị giá 20 triệu đồng. Đoàn viên, thanh niên còn chung tay dọn vệ sinh, phát quang vườn tược, chuồng trại và trao tặng gia đình ông Sách cặp lợn giống sinh sản trị giá 4 triệu đồng, góp phần giúp gia đình ổn định kinh tế.
Đầu tháng 1/2024, Công an huyện Quỳ Hợp phối hợp với các tổ chức, nhà hảo tâm trao tặng gia đình anh Sầm Văn Huyền, trú tại xóm Lìn, xã Châu Lộc ngôi nhà Đại đoàn kết. Gia đình anh Huyền có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thuộc diện hộ nghèo của xóm, một mình anh nuôi hai con nhỏ. Ba cha con tá túc trong ngôi nhà tạm bợ, dột nát. Với tinh thần tương thân tương ái, không để ai bị bỏ lại phía sau, đồng thời hỗ trợ gia đình anh Huyền có một ngôi nhà chắc chắn, khang trang để an cư, lạc nghiệp, thông qua mô hình “24 giờ trải nghiệm”, Công an huyện Quỳ Hợp đã phối hợp với các đơn vị hỗ trợ số tiền 50 triệu đồng, huy động cán bộ, chiến sĩ đóng góp ngày công để khởi công, xây dựng. Sau 2 tháng khởi công, ngôi nhà được thiết kế 2 gian, lợp mái tôn, nền lát gạch đã hoàn thành và bàn giao trong niềm vui, hạnh phúc của gia đình anh Huyền.
Đại tá Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện mô hình dân vận khéo “24 giờ trải nghiệm”.Trung Thành là xóm đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo trên 60% của xã Châu Thanh. Đoạn đường đi qua địa bàn xóm chủ yếu là đường đất đá, rất khó đi lại và tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Thông qua mô hình “24 giờ trải nghiệm”, Chi đoàn Công an huyện đã vận động kinh phí và ngày công cùng người dân xóm Trung Thành đổ bê tông đoạn đường dài 150 m, trị giá hơn 80 triệu đồng. Đoạn đường mới đi vào sử dụng đã giúp nhân dân xóm Trung Thành đi lại thuận lợi hơn, góp phần phát triển đời sống kinh tế cho bà con nơi đây.
Ông Lô Thanh Trợ, Bí thư Chi bộ xóm Trung Thành, xã Châu Thanh không giấu được niềm vui, chia sẻ: “Bản thân tôi và bà con nhân dân xóm Trung Thành rất cảm kích trước tinh thần trách nhiệm, sự cống hiến hết mình của cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Quỳ Hợp trong việc triển khai mô hình “24 giờ trải nghiệm”. Các chú công an đã trực tiếp sinh hoạt, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nhân dân, khẳng định tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân, không quản khó khăn, gian khổ, đã hỗ trợ xóm chúng tôi có đường bê tông khang trang, giao thông đi lại thuận tiện, góp phần phát triển kinh tế xã hội”.
Nhân rộng, lan tỏa hiệu quả mô hìnhNhững hoạt động trên chỉ là một phần nhỏ trong các hoạt động xuyên suốt không ngừng nghỉ trong 2 năm qua kể từ khi thành lập mô hình dân vận khéo “24 giờ trải nghiệm” của Công an huyện Quỳ Hợp. Quỳ Hợp là một huyện miền núi cách trung tâm tỉnh Nghệ An 120 km về phía Tây Bắc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 54%. Trên địa bàn hiện có 99/214 xóm, bản đặc biệt khó khăn cần được quan tâm, giúp đỡ để ổn định cuộc sống.
Tháng 6/2022, Công an huyện Quỳ Hợp đã thành lập và ra mắt mô hình “24 giờ trải nghiệm”. Theo đó, với vai trò xung kích, chủ công, Chi đoàn Công an huyện sẽ thực hiện trên cơ sở huy động đoàn viên, thanh niên về tận xóm, bản “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân tại các địa bàn đặc biệt khó khăn. “Đây là mô hình trải nghiệm đầu tiên trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trên cơ sở huy động đoàn viên, thanh niên Công an huyện Quỳ Hợp về các thôn, bản làng, xóm khó khăn cần được giúp đỡ và tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân, đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng dân quân, công an xã tiến hành tuần tra vũ trang, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn”, Thượng úy Nguyễn Anh Tú, Bí thư Chi đoàn Công an huyện Quỳ Hợp chia sẻ.
Ngay sau khi ra mắt mô hình, Chi đoàn Công an huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp khảo sát, đánh giá lựa chọn các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các hộ nghèo, gia đình chính sách cần được hỗ trợ. Sau 2 năm triển khai mô hình “24 giờ trải nghiệm” đã huy động các nguồn lực xã hội hóa và ngày công của đoàn viên, thanh niên tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Điển hình như: đã tổ chức 35 buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, Luật an toàn giao thông, các quy định về phòng cháy, chữa cháy, phòng chống đuối nước, phòng chống bạo lực học đường tại các xã, thị trấn. Tích cực phát tờ rơi, dán pano và đăng tải tin bài trên hệ thống truyền thanh, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền việc triển khai thực hiện Đề án 06...
Mô hình dân vận khéo “24 giờ trải nghiệm” được Công an huyện Quỳ Hợp triển khai hiệu quả, ý nghĩa.Chi đoàn Công an huyện chủ động phối hợp với công an các xã, thị trấn triển khai biện pháp quản lý địa bàn, quản lý đối tượng góp phần đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó đã kịp thời xử lý hơn 300 vụ việc ngay từ cơ sở; phối hợp cảm hóa, giáo dục gần 100 đối tượng có tiền án, tiền sự, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; phối hợp xây dựng và duy trì 7 “Xã sạch về ma túy” và 14 “Tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy”, duy trì 100% cơ quan, tổ chức không có tệ nạn ma túy. Qua công tác tuần tra vũ trang, đã kịp thời phát hiện, bắt giữ 13 vụ, 16 đối tượng về các hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ, thu giữ 8,5 kg pháo tự chế, 2 thỏi thuốc nổ, 80 cm dây cháy chậm; 3 vụ, 13 đối tượng về hành vi đánh bạc...
Đặc biệt, thông qua mô hình này, Chi đoàn Công an huyện đã vận động hơn 1.200 lượt cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phối hợp lực lượng công an xã và kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp kinh phí cùng hàng trăm ngày công giúp đỡ các gia đình chính sách, trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Vận động, xây dựng 7 ngôi nhà tình nghĩa, 1 cầu dân sinh và hơn 500 m đường bê tông, sửa chữa nhiều công trình khác... với tổng giá trị các hoạt động hơn 1,2 tỷ đồng.
Nói về hiệu quả của mô hình dân vận khéo “24 giờ trải nghiệm”, ông Cao Văn Trung, Phó Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp nhấn mạnh: “Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, sau 2 năm triển khai, mô hình “24 giờ trải nghiệm” đã huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội và nguồn lực xã hội cùng tham gia. Qua đó, góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa lực lượng Công an huyện với nhân dân trên địa bàn. Những kết quả đạt được từ mô hình có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đóng góp vào sự ổn định, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương”.
Tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai mô hình dân vận khéo “24 giờ trải nghiệm” tại Công an huyện Quỳ Hợp tổ chức ngày 3/10 vừa qua, Thiếu tướng Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao kết quả mô hình dân vận khéo “24 giờ trải nghiệm” của Công an huyện Quỳ Hợp. Thiếu tướng Tráng A Tủa chia sẻ, thông qua mô hình dân vận khéo này không chỉ hiệu quả trong bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn mà còn góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng CAND “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong lòng mỗi người dân. Đồng thời, khẳng định tầm quan trọng của công tác dân vận khéo trong bảo đảm an ninh, trật tự.
Phạm Thủy