Link nguồn bài viết https://nguoiduatin.vn/khu-luu-niem-hai-thuong-lan-ong-di-tich-quoc-gia-dac-biet-20424112713170966.htm
Truy cập link gốc
Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vừa được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt. Thông tin này sáng nay (27/11) được ông Trần Xuân Lương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hà Tĩnh thông tin.
Trước đó, vào ngày 26/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký quyết định công nhận khu mộ và khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là di tích Quốc gia đặc biệt.
Đại danh y Lê Hữu Trác sinh ra và lớn lên trong gia đình khoa bảng ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên, cuộc đời ông chủ yếu gắn bó vùng đất quê ngoại ở Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh - nơi ông không màng đến công danh phú quý.Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 2024), một trong những đại danh y nổi tiếng nhất trong lịch sử y học Việt Nam. Ông được biết đến không chỉ với vai trò là một thầy thuốc tài ba mà còn là một nhà tư tưởng lớn và một danh nhân văn hóa thế giới. Việc được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt đúng vào dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông, mở ra dấu mốc mới trong hành trình bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông trên quê hương Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung; góp phần thành công cho đại lễ kỷ niệm được tổ chức vào ngày 27/12/2024 sắp tới.
Quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông trải dài trên một cung đường gần 8 km, bao gồm khu mộ cùng tượng đài của đại danh y ở xã Sơn Trung, chùa Tượng Sơn ở xã Sơn Giang và Khu nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông ở xã Quang Diệm (huyện Hương Sơn).Song hành với lập hồ sơ khoa học đề xuất công nhận di tích Quốc gia đặc biệt, tỉnh Hà Tĩnh đã trình Bộ VH-TT&DL phê duyệt quy hoạch quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, với diện tích gần 4 ha. Đầu tháng 11/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã giao huyện Hương Sơn làm chủ đầu tư thực hiện Dự án tu bổ, tôn tạo di tích khu mộ và tượng đài Hải Thượng Lãn Ông nhằm đảm bảo cho việc phát huy giá trị khu di tích lâu dài, bền vững gắn với khai thác, phát triển du lịch và dịch vụ.
"Hiện UBND huyện Hương Sơn đang chỉ đạo nhà thầu làm 3 ca, 4 kíp cố gắng kịp tiến độ các hạng mục thiết yếu của dự án trước ngày tổ chức lễ kỷ niệm 300 năm", Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh thông tin.
Đại danh y Lê Hữu Trác mất ngày 15 tháng Giêng năm Tân Hợi 1791, thọ 67 tuổi. Ngôi mộ ông nằm ở chân núi Minh Tự, đầu hướng lên đỉnh cao nhất của dãy, chân mộ chiếu thẳng vào dãy núi Trường Sơn.Trước đó, vào tháng 11/2023, tại phiên họp Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) lần thứ 42 đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các "Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024-2025", trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Việc UNESCO thông qua nghị quyết cùng tham gia kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791) đã khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị văn hóa, y học của Việt Nam và với cá nhân danh nhân Lê Hữu Trác. Đây cũng là thành quả của sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua giữa tỉnh Hà Tĩnh với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế.
Bùi Thị Ngân